Sự kiện này mang lại kỷ lục thế giới cho Tập đoàn Công nghệ SpaceX của tỷ phú Elon Musk về số vệ tinh được đưa vào không gian trên một tên lửa.
Phá thế độc quyền của người Nga
New York Times đặt câu hỏi: Đâu là giới hạn của Elon Musk khi Iron Man (biệt danh của Elon Musk) luôn khiến cả thế giới đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nhưng với tất cả những gì đang có trong tay và cả một tương lai được Elon Musk nhìn thấy phía trước, thì có thể khẳng định vị tỷ phú giàu nhất thế giới này sẽ còn khiến chúng ta thêm nhiều lần bất ngờ nữa.
Vào tháng 6-2015, Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ tranh cãi dữ dội vì việc có hay không mua động cơ RD-180 (của Nga) để phục vụ các vụ phóng tàu vũ trụ, cho tới khi tự sản xuất được các động cơ có khả năng tương tự. Tướng John Hyten, Chỉ huy lực lượng không gian của quân đội Mỹ nói thẳng toẹt: Không thể không mua.
    |
 |
Với Elon Musk, không gì là không thể. Ảnh: SpaceX |
Phát biểu trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, Tướng Hyten tuyên bố: “Nếu không có động cơ tên lửa đẩy RD-180 và những công nghệ hàng đầu, chúng ta sẽ đối diện với nguy cơ bị giới hạn khả năng tiến vào không gian. Sau đó, vị tướng này cũng thúc giục Quốc hội Mỹ nên có kế hoạch thay đổi động cơ tên lửa đẩy của Nga bằng loại động cơ khác do các tập đoàn trong nước sản xuất. Ở đây, tướng Hyten ám chỉ đến SpaceX.
Từ một công ty khởi nghiệp vào năm 2002 với số vốn ban đầu chỉ hơn 100 triệu USD, đến nay dưới sự chèo lái của Elon Musk, SpaceX đã có giá trị vốn hóa gần 46 tỷ USD. SpaceX phóng tên lửa Falcon 9 vào vũ trụ tựa như chúng ta đi dạo một vòng quanh công viên. Thậm chí vào ngày 24-1 vừa qua, tên lửa Falcon 9 của Tập đoàn Công nghệ SpaceX đã mang theo 143 vệ tinh vào không gian. Sự kiện này mang lại kỷ lục thế giới cho Tập đoàn công nghệ SpaceX của tỷ phú Elon Musk về số vệ tinh được đưa vào không gian trên một tên lửa.
Vụ phóng tên lửa Falcon 9 thuộc sứ mệnh có tên Transporter-1 đã mang theo 10 vệ tinh dành cho mạng internet Starlink của SpaceX và 133 vệ tinh cho nhiều khách hàng khác nhau, bao gồm cả Planet (Công ty Điều hành vệ tinh quan sát hình ảnh Trái Đất) cùng ICEYE (Công ty Phát triển vệ tinh radar nhỏ để giám sát băng và theo dõi lũ lụt).
Trước đó, kỷ lục về số vệ tinh được đưa lên không gian nhiều nhất trong một vụ phóng tên lửa thuộc về PSLV, một tên lửa của Ấn Độ. Tên lửa này đã mang theo 104 vệ tinh trong một lần phóng hồi năm 2017.
Giới chức quân đội Mỹ và NASA sau mỗi vụ phóng thành công tên lửa Falcon 9 đều có xu hướng ra thông cáo báo chí ca ngợi thành công của tỷ phú Elon Musk, của SpaceX và của cả “chúng ta”.
Còn sau đây là diễn biến vụ phóng Falcon 9 vào ngày 24-1:
10 phút trước khi phóng Falcon 9, mọi người tránh sang một bên để máy móc làm nốt những phần việc còn lại tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, thuộc bang Florida.
Chúng ta nhiều lần xem trên màn hình các vụ phóng tên lửa vào vũ trụ nhưng các kỹ sư ở SpaceX cố gắng diễn giải một cách chân thực nhất về một vụ phóng thành công, mà sứ mệnh có tên Transporter-1 vào tuần trước là ví dụ điển hình nhất: Chẳng có gì quan trọng từ giây thứ 10 về giây thứ 4 nhưng khi đến giây thứ 3, động cơ bắt lửa và hệ thống máy tính tiến hành kiểm tra lần cuối độ an toàn cực nhanh. Bốn gọng kìm kim loại khổng lồ cố níu tên lửa Falcon 9 xuống để hệ thống máy tính đánh giá toàn bộ 9 động cơ được xếp theo cấu trúc “hoa 8 cánh” ở đuôi tên lửa và tính toán xem việc sản sinh lực đẩy hướng xuống dưới đã đủ chưa. Khi thời điểm về 0, kết luận đưa ra là Falcon 9 đã sẵn sàng cho sứ mệnh Transporter-1. 4 gọng kìm buông ra, và quả tên lửa lừng lững tiến vào không gian. Chỉ 20 giây sau khi cất cánh, tên lửa Falcon 9 đã ở cách đám đông vừa hò reo hàng km. Một phút sau khi phóng, quả tên lửa mang theo niềm tự hào của Elon Musk, của Space X, của các đối tác lẫn sự ghen ghét, đố kỵ của đối thủ cạnh tranh chỉ còn là một chấm đỏ trên trời.
Trong một góc phòng nhỏ, Elon Musk nở nụ cười đầy tự hào và kiêu hãnh. Đám đông nhân viên đổ xô tới chúc mừng ông chủ. Họ biết, chỉ ngày mai thôi, cổ phiếu của SpaceX sẽ lại tăng phi mã trên thị trường chứng khoán New York. “Tôi yêu ngài”, “chúng tôi sẽ chết vì SpaceX”, những nhân viên gào lên như những kẻ vừa trúng số độc đắc. Họ trúng số theo đúng nghĩa đen. Gần như những nhân viên đi theo Elon Musk khởi nghiệp ở SpaceX gần 20 năm về trước nay đều có hàng triệu USD trong tài khoản nhờ cổ phiếu của SpaceX tăng dựng đứng trên thị trường chứng khoán. Nếu Falcon 1 phóng đi từ đảo Kwajalein còn là sản phẩm của một công ty khởi nghiệp, thì chiếc Falcon 9 bay lên trời xanh vừa qua mang theo 143 vệ tinh đã là công trình của một siêu thế lực trong ngành hàng không vũ trụ. Boeing, Lockheed Martin... cho đến các đối thủ từ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ không thể cạnh tranh với SpaceX về mức giá phóng tên lửa vào vũ trụ. SpaceX liên tục đưa Falcon 9 vào không gian, thực hiện các sứ mệnh mà công ty, hay nói đúng hơn là các cam kết mà Elon Musk đã đưa ra trước đó. Đến giờ, Boeing, Lockheed Martin vẫn phải nhập động cơ tên lửa đẩy RD-180 từ Nga thì Falcon 9 sử dụng sản phẩm hoàn toàn từ đồ “cây nhà lá vườn” của SpaceX. Trong cuộc đua vào không gian, thực hiện các nhiệm vụ trong vũ trụ, SpaceX không chỉ đi trước các đối thủ “một bước” mà đã đi trước cả “một năm ánh sáng”.
Thành công nhờ thuật dùng người
Sau lần đầu tiên phóng Falcon 1 thất bại, Elon Musk càng có động lực để tiến lên. Tỷ phú này từng than thở trên Bloomberg thế này: “Chúng ta (nước Mỹ) tự hào vì có Boeing cạnh tranh với Airbus song không rõ vì sao, chính phủ và công chúng lại sẵn sàng từ bỏ phần lớn thị trường phóng tên lửa thương mại. Quả là một cách suy nghĩ chán chường và thiển cận. Phải chăng trị trường này đem lại 60 tỷ USD từ năm 2001 đến năm 2010 còn quá ít? Ngay cả khi nó mang lại 200 tỷ USD từ năm 2011 cho đến năm 2020 vẫn là chưa đủ để chúng ta thay đổi suy nghĩ?”.
Càng thành công thì xung quanh bạn càng có nhiều kẻ thù lẫn sự ghen tị, thậm chí là tức tối. Thế nên cứ có chuyện gì có thể nói xấu về Elon Musk là các báo lá cải tung ra ngay: Đi vệ sinh 5 giây, à không nhiều quá, 3 giây thôi. Ăn sáng chỉ trong 60 giây mà không lau mồm. Anh ta coi thường ứng viên khi chưa phỏng vấn người nào quá 15 phút... nhưng có một kỷ lục tuyển người của Elon Musk đến nay vẫn được Thung lũng Silicon ngưỡng mộ: 20 giây. Nhận thấy SpaceX vẫn chưa ổn sau một năm khởi nghiệp, Elon Musk muốn tìm kiếm một người phụ trách các dự án tiên tiến tại công ty. Các quân sư và chuyên gia săn tìm tài năng của Space X xúm lại khoanh tròn các ứng viên trên toàn thế giới, cuối cùng họ khoanh 9 vòng vào cái tên: Steve Davis. Buổi phỏng vấn trực tiếp giữa Elon Musk và Steve Davis chỉ diễn ra đúng 20 giây, sau khi anh chàng kỹ sư kỹ thuật cơ khí, chuyên gia vật lý hạt nhân, cử nhân tài chính và vào thời điểm được phỏng vấn đang theo học cao học kỹ thuật hàng không đã trả lời nhanh và chính xác một câu đố của ông chủ. Đến nay, Steve Davis vẫn là hiện thân sức mạnh của Space X, nơi vị Giám đốc phụ trách các dự án tiên tiến, kiêm tuyển nhân sự tại công ty làm việc tới 16 tiếng/ngày trong vòng nhiều năm.
Quan điểm lấy người của Elon Musk đã đặc biệt nhưng quan điểm thúc đẩy nhân viên làm việc hết năng lực của tỷ phú này còn dị hơn. Elon Musk tin rằng một người tập trung làm việc 14 tiếng/ngày sẽ hiệu quả hơn rất nhiều hai người làm việc 7 tiếng/ngày. Cá nhân đó không phải tụ họp ăn trưa, cà phê, không phải họp hành, làm việc riêng cho sếp... nên sẽ chỉ tập trung vào công việc và công việc. Khi giao việc cho nhân viên, không bao giờ Elon Musk nói: “Này, cậu phải xong vào 17 giờ thứ 6, nếu không cậu chết với tôi” (vì là đời mà, rất lắm ông chủ tự huyễn hoặc bản thân, trịnh thượng tuyên bố với nhân viên như vậy) mà tỷ phú này sẽ bảo: “Tôi biết việc này khó/tôi biết việc này không thể nhưng tôi cần cậu hoàn thành giúp công ty trước 17 giờ thứ 6. Cậu làm được không?”. “Thưa sếp, không thành vấn đề”, một lần Steve Davis đã trả lời ông chủ như vậy. Sau này nhớ lại chuyện trên và cũng là bài học giảng dạy cho nhiều “tân binh” gia nhập SpaceX, Steve Davis bảo: “Khi bạn bảo tôi làm được với Elon Musk thì bạn sẽ không làm việc cật lực vì anh ấy, mà bạn làm việc vì chính bạn. Đó là sự giao kèo lớn nhất với bản thân bạn”.
Đến nay, cho dù Tesla, Space X và một loạt công ty khác của đế chế Elon Musk có thành công đến đâu, thì hằng ngày vẫn có người đến và rời đi khỏi đế chế này. Cường độ làm việc của Elon Musk là 90 giờ/tuần và ông yêu cầu nhân viên chí ít cũng phải làm việc với cường độ trên. Một số đối thủ ghét Elon Musk nhao nhao phản đối: Đồ tàn ác, đồ bóc lột, đồ phi nhân tính... nhưng đám đông kêu gào quên mất gần như tất cả những ai làm việc cho Elon Musk hoặc tin tưởng vào ông đều đã trở thành triệu phú.
Từng sang Nga tìm mua tên lửa nhưng không thành, cộng với ước mơ tiến vào vũ trụ, Elon Musk thành lập SpaceX. Muốn có một chiếc xe ô tô thân thiện bảo vệ môi trường, Elon Musk sáng lập Telsa. Chưa bao giờ tỷ phú này nói “không” với ước mơ của mình, ngay cả khi nó là ước mơ tham vọng như việc thu về vỏ tên lửa sau khi phóng (trước khi SpaceX thành công với Falcon 9, mấy ai tin vào việc này)... bởi đơn giản với Elon Musk, ông tự đặt ra cho mình một sứ mệnh cao cả: Tìm kiếm một tương lai cho loài người ngoài sức tưởng tượng. |
TRANG ANH