Bất chấp tầm ảnh hưởng của âm nhạc, giải Grammy là lễ trao giải muộn nhất trong 4 lễ trao giải giải trí lớn được thành lập. Giải Oscar đầu tiên được trao vào năm 1929; giải Tony đầu tiên vào năm 1947 và giải Emmy đầu tiên vào năm 1949. Phải một thập kỷ nữa, một số nhà điều hành âm nhạc mới có cái nhìn chung để có một đêm vinh danh riêng cho ngôn ngữ tâm hồn.

Vào cuối thập niên 1950, 5 chuyên gia trong ngành âm nhạc được giao nhiệm vụ lựa chọn những nhạc sĩ để bất tử cùng các ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood (Mỹ). Nhóm đặt tiêu chuẩn là 1 triệu đĩa được bán ra nhưng sau đó họ nhanh chóng nhận ra rằng điều đó sẽ loại nhiều nghệ sĩ có ảnh hưởng. Xét cho cùng, doanh số bán đĩa không phải là thước đo duy nhất cho sự thành công và sự vĩ đại trong âm nhạc.

Quyết tâm khắc phục điều này, các nhà điều hành đã thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia Mỹ (thường được gọi là Học viện Thu âm) vào năm 1957. Hai năm sau, họ tổ chức buổi lễ đầu tiên và gọi giải thưởng của mình là Grammy-từ viết tắt của máy hát của Emile Berliner.

Vào ngày 4-5-1959, nhiều ngôi sao lớn của làng nhạc thế giới tập trung tại khách sạn Beverly Hilton ở Los Angeles để dự bữa tối trang trọng và trao giải vinh danh những bản phát hành âm nhạc hay nhất của năm trước. Tại đây, nam ca sĩ Frank Sinatra dẫn đầu 6 đề cử nhưng Domenico Modugno mới là người chiến thắng khi giành được giải thưởng “Bản thu âm của năm” và “Bài hát của năm” cho ca khúc nổi tiếng “Nel Blu, Dipinto Di Blu”. Henry Mancini với album “Âm nhạc từ Peter Gunn” giành giải “Album của năm”. Tổng cộng có 28 hạng mục được trao trong buổi lễ đầu tiên, bằng khoảng 1/3 số hạng mục hiện nay.

Lễ trao giải Grammy lần thứ hai diễn ra chỉ 6 tháng sau đó, vào tháng 11-1959. Giống như lần đầu tiên, sự kiện diễn ra đồng thời ở hai nơi là Los Angeles và New York. Nhưng lễ trao giải Grammy thứ hai là lần đầu tiên được phát trên truyền hình: NBC đã phát sóng chương trình đặc biệt về giải Grammy được ghi hình trước vào ngày 29-11-1959.

leftcenterrightdel

 Các nghệ sĩ đoạt giải tại lễ trao giải Grammy lần thứ 66 năm 2024. Ảnh: entretetizei.com.br

Lễ trao giải Grammy đã đưa ra thông báo trực tuyến đầu tiên vào cuối thập kỷ này. Năm 1968, người chiến thắng “Thu âm của năm” không được công bố trong bữa tối mà trong chương trình đặc biệt “Best on record” (tạm dịch: Thu âm hay nhất) trên truyền hình, phát sóng trên NBC gần hai tháng sau đó. Để giữ bí mật về người chiến thắng, cả 5 người được đề cử đều ghi âm trước bài phát biểu nhận giải; NBC đã đưa vào đoạn băng thích hợp một giờ trước khi chương trình được phát sóng.

Ngày 16-3-1971, lễ trao giải Grammy lần đầu tiên được phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Sự kiện này đánh dấu hai thay đổi lớn đối với giải Grammy: Kết thúc của chương trình đặc biệt “Best on record” đã được ghi trước và tổ chức đồng thời nhiều buổi lễ. “Bridge over troubled water” của Simon và Garfunkel đã ẵm về 7 giải Grammy trong lần trao giải này.

Đài truyền hình ABC đã phát sóng trực tiếp lễ trao giải thứ 13 và 14 nhưng giải Grammy đã chuyển sang Đài CBS cho buổi trao giải thứ 15. 

Trong suốt những năm 70 của thế kỷ trước, Học viện Thu âm đã bổ sung nhiều hạng mục, bao gồm các giải thưởng dành cho đĩa nhạc Latin và phúc âm khi ngành công nghiệp này phát triển và các xu hướng được thiết lập.

Năm 1980, giải Grammy lần đầu tiên có hạng mục dành riêng cho các nhạc sĩ nhạc rock. Những người chiến thắng trong lễ trao giải này gồm Donna Summer (trình diễn giọng ca rock nữ xuất sắc nhất), Bob Dylan (trình diễn giọng ca rock nam xuất sắc nhất), the Eagles (trình diễn giọng ca rock song ca hoặc nhóm xuất sắc nhất) và Paul McCartney (trình diễn nhạc cụ rock xuất sắc nhất).

Năm 1981, Christopher Cross trở thành nghệ sĩ đầu tiên "càn quét" 4 hạng mục lĩnh vực tổng hợp chính của giải Grammy. Album đầu tay cùng tên của anh giành giải “Album của năm”, đĩa đơn ăn khách "Sailing" giành giải “Bài hát của năm” và “Bản thu âm của năm”, còn Cross giành giải “Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất”. Năm 1984, Michael Jackson giành được 8 giải Grammy, lập kỷ lục về số giải thưởng giành được trong một năm.

Năm 1997, Học viện Thu âm thành lập Học viện Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Latin với tư cách là tổ chức thành viên quốc tế đầu tiên, đại diện cho các nghệ sĩ nói tiếng Tây Ban Nha. Giải Grammy Latin đầu tiên đã được tổ chức vào tháng 9-2000. Cùng năm đó, tại lễ trao giải Grammy thường niên lần thứ 42 tổ chức ở Los Angeles vinh danh nghệ sĩ guitar Carlos Santana-người đã mang về 8 giải thưởng, ngang bằng với kỷ lục của Michael Jackson.

Khi ngành công nghiệp âm nhạc bùng nổ, Học viện Thu âm đã mở rộng số lượng giải thưởng trong suốt thập niên 2000. Lễ trao giải Grammy thường niên lần thứ 51 vào năm 2009 có tới 110 giải thưởng-nhiều nhất từ trước đến nay. Số lượng hạng mục giải thưởng giảm xuống còn 109 trong hai năm tiếp theo trước khi giảm xuống mức hai con số vào năm 2012.

Số lượng giải thưởng thay đổi theo từng năm. Tại lễ trao giải Grammy lần thứ 65 năm 2023, có 91 giải thưởng chính thức, còn lễ trao giải Grammy lần thứ 66 năm 2024 có 94 giải được trao.

HOÀNG ĐĂNG