QĐND - Cuộc tổng điều tra về dân số và nhà ở năm 2010 của Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc đã cho kết quả, tính đến năm 2010, dân số của Hàn Quốc đạt 48,58 triệu người, tăng 130 nghìn người so với 5 năm trước. Dân số già trên 65 tuổi là 5,42 triệu người, chiếm 11,3% tổng dân số và tất cả các tỉnh thành trong cả nước đều đã trở thành xã hội già hóa.
Từ năm 2000, Hàn Quốc đã bắt đầu trở thành xã hội đang già hóa với tỷ lệ dân số trên 65 tuổi chiếm 7,2%. Theo dự đoán của Cục Thống kê, Hàn Quốc sẽ trở thành xã hội già hóa với tỷ lệ dân số già tăng gấp 2 lần vào năm 2018 dựa theo tỷ lệ sinh, tỷ lệ tử vong và tuổi thọ bình quân. Tức Hàn Quốc sẽ đứng thứ 2 về tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số chỉ sau Nhật Bản. Theo dự báo này thì dân số già của Hàn Quốc sẽ vượt 20% chỉ sau 8 năm nữa và trở thành một “xã hội siêu già”. Như vậy, xã hội già hóa của Hàn Quốc sẽ có sự thay đổi “chóng mặt” chỉ trong vòng 26 năm từ khi bước vào giai đoạn xã hội già hóa vào năm 2000 cho đến xã hội siêu già vào năm 2026.
|
Người già, nỗi lo của Hàn Quốc. |
Nhìn chung, xã hội Hàn Quốc đã trở thành xã hội đang già hóa từ lâu nhưng điểm đáng chú ý trong kết quả điều tra lần này là toàn bộ các tỉnh thành đều đã bước vào giai đoạn đang già hóa. Thành phố Ulsan trước đây là thành phố duy nhất không gặp phải tình trạng già hóa thì kết quả điều tra lần này lại cho thấy tỷ lệ dân số già của thành phố này đã vượt 7%. Sau Ulsan, thành phố có tỷ lệ dân số già thấp nhất cả nước là thành phố Daejeon và Incheon với 8,8% và tỉnh Gyeonggi là 8,9%. Trong khi đó, nơi có tỷ lệ dân số già cao nhất là tỉnh Nam Jeolla. Trong cuộc điều tra 5 năm trước đó, tỉnh Nam Jeolla được cho là đã trở thành xã hội già hóa và hiện nay tỉnh này bắt đầu chuyển sang giai đoạn xã hội siêu già với tỷ lệ dân số già chiếm 20,4%. Tiếp theo là tỉnh Bắc Gyeongsang với 16,7%, tỉnh Bắc Jeolla là 16,4%, tỉnh Nam Chungcheong và tỉnh Gangwon với 15,5%.
Theo báo cáo của chính phủ Hàn Quốc, tính đến tháng 12-2010, số người cao tuổi tại Xơ-un trên 1 triệu chiếm 9,7% dân số thành phố, tăng 6,3% so với năm 2009. Tuy nhiên, số người dưới 15 tuổi là 1,4 triệu người, giảm 4,4%; số người trong độ tuổi từ 15 đến 64 tuổi là 7,8 triệu người, giảm 1,2%. Chính vì thế, dân số của thành phố Seoul có xu hướng chuyển từ cơ cấu dân số “trẻ” sang cơ cấu dân số “già”. Đây cũng là xu hướng tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ca-na-đa… khiến các quốc gia phải điều chỉnh các chính sách, kế hoạch về an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi...
Hàn Quốc đang là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới mà nguyên nhân trực tiếp là tỷ lệ sinh giảm và hiện tượng bùng nổ dân số sau cuộc chiến tranh Triều Tiên đầu những năm 1950. Già hóa dân số sẽ gây ra nhiều vấn đề cho xã hội. Ở mức độ quốc gia, Chính phủ sẽ phải chi một nguồn kinh phí khổng lồ để hỗ trợ người cao tuổi, còn nền kinh tế có thể sẽ mất động lực phát triển do số người ở độ tuổi lao động ngày càng suy giảm. Chính phủ cần đưa ra những biện pháp thiết thực để đối phó với tình trạng này và giải pháp hiệu quả nhất vẫn là tăng tỷ lệ sinh. Ngoài ra, còn cần các chính sách chăm sóc sức khỏe và ổn định sinh kế cho người cao tuổi, tăng cường hệ thống phúc lợi xã hội và giảm gánh nặng an sinh cho thế hệ trẻ.
Trần Long (Theo KBS)