Câu nói “tuổi trẻ tài cao” xứng đáng dành cho Slat. Từ nhỏ, Slat đã thể hiện niềm đam mê với khoa học. Ở tuổi 14, Slat đã ghi tên mình vào Sách kỷ lục thế giới Guinness bằng việc phóng đồng thời 213 quả tên lửa lực đẩy nước trong một cuộc thi tại Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan.

Slat có lẽ sẽ trở thành một chuyên gia về tên lửa nếu không có chuyến đi nghỉ dưỡng “định mệnh” tới Hy Lạp năm 16 tuổi. “Trong một lần lặn biển, tôi cảm thấy rất sốc trước hình ảnh những túi nhựa còn nhiều hơn cả cá”, Slat kể lại. Chính lúc đó, Slat nhận ra rằng cuộc đời của mình đã rẽ sang một hướng mới. Những câu hỏi như “Tại sao chúng ta không dọn sạch rác thải đại dương?” hay “Tại sao điều đó được coi là không thể?” đã thôi thúc chàng trai trẻ quyết tâm trả lại cho đại dương màu xanh vốn có. 

leftcenterrightdel
Boyan Slat và một phần của hệ thống thu gom rác thải nhựa đại dương The Ocean Cleanup. Ảnh: NBC News

Trong một buổi nói chuyện trên truyền hình năm 2012, chàng trai mảnh khảnh với đôi mắt sắc sảo này đã có bài thuyết trình gây sốt về ý tưởng xây dựng một hệ thống tự hoạt động dựa trên dòng nước để dọn rác thải nhựa đại dương. Chỉ chưa đầy một năm sau, Slat quyết định từ bỏ trường Đại học Công nghệ Delft nhằm toàn tâm toàn ý thực hiện “tham vọng” chống lại tình trạng ô nhiễm nhựa đang ngày càng trầm trọng trên các đại dương. Ít lâu sau, Slat thành lập tổ chức phi lợi nhuận The Ocean Cleanup (tạm dịch: Dọn sạch đại dương) và gây quỹ được hàng triệu USD từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới. The Ocean Cleanup hướng đến phát triển các công nghệ để loại trừ, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm nhựa, đồng thời đẩy nhanh việc thu hồi rác thải nhựa đại dương.

Qua nghiên cứu, Slat nhận thấy rằng việc sử dụng phương pháp truyền thống bằng thuyền và lưới để trục vớt rác thải trên các đại dương không những sẽ mất hàng nghìn năm cùng hàng trăm tỷ USD mà còn tác động tới đời sống sinh vật biển. Nhiều quốc gia đã nỗ lực tiến hành thu gom nhưng do đặc thù rác thải, nhất là đồ nhựa, trôi nổi và chịu ảnh hưởng bởi hải lưu cũng như hướng gió đã khiến việc xử lý trở nên cực kỳ khó khăn.

Bằng sự say mê, trách nhiệm vì cộng đồng cùng kiến thức đã tích lũy, Slat và cộng sự sớm ra mắt một mô hình phao nổi thu gom rác thải nhựa-“đứa con tâm huyết” đầu tiên được đặt tên theo tổ chức mà Slat lập ra. Về cơ bản, hệ thống hình chữ U này được đặt theo đường đi của các dòng hải lưu lớn để “bẫy” rác thải. Bên dưới là tấm chắn sâu 3m ngăn được các loại rác và mảnh vụn kích thước đến 1mm nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến sinh vật biển. Sau đó, các tàu sẽ đến chở rác đưa về đất liền, phân loại rồi tái chế thành đồ dùng sinh hoạt. Slat đã đưa “máy hút bụi” đại dương đến thử nghiệm tại Nhật Bản trong giai đoạn 2016-2018 và đã ghi nhận những kết quả tích cực. Mục tiêu lớn hơn của The Ocean Cleanup là thu gom rác thải nổi tại Great Pacific Garbage Patch (tạm dịch: Đảo rác Thái Bình Dương)-khu vực chứa khoảng 87.000 tấn rác thải ở Thái Bình Dương trải rộng trên diện tích khoảng 1,6 triệu km2 và là một trong 5 bãi rác nổi đại dương lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, thành công không đến dễ dàng với The Ocean Cleanup. Hệ thống của Slat từng bị nhiều nhà khoa học chỉ trích không khả thi. Năm 2018, hệ thống liên tiếp thất bại trong thử nghiệm diện rộng do liên quan tới yếu tố kỹ thuật và thậm chí bị vỡ khi hoạt động. Không hề nản chí, Slat lao vào nghiên cứu, cải tiến công nghệ và một năm sau đó tuyên bố thiết bị này đã giữ lại được các mảnh nhựa đang trôi nổi bạt ngàn tại Great Pacific Garbage Patch. Slat dự định chính thức triển khai hệ thống này vào tháng 9-2020. Với tổng chiều dài 20km, đây là cấu trúc nổi trên biển dài nhất từ trước đến nay. Theo thiết kế, con số này sẽ tăng lên 100km ở giai đoạn cuối. Khi đó, hệ thống được kỳ vọng có thể loại bỏ 42% lượng rác trên Thái Bình Dương trong 10 năm, tương đương 70.000 tấn. Ngoài ra, Slat ấp ủ sẽ lắp đặt đến 60 hệ thống tương tự trên khắp thế giới để xử lý môi trường đại dương.

Còn quá sớm để khẳng định mức độ thành công của dự án. Nhiều người vẫn không tin rằng một người trẻ như vậy lại có thể thay đổi toàn bộ đại dương. Vậy nhưng, câu chuyện của Slat đã truyền tải một thông điệp đơn giản nhưng đầy ý nghĩa: Không có giấc mơ nào là quá lớn, cũng không có kẻ mơ mộng nào là quá nhỏ bé.

Với những nỗ lực không mệt mỏi nhằm hiện thực hóa một tương lai đại dương không còn rác thải, Slat được vinh danh ở nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác nhau như: Giải thưởng Champions of the Earth bởi Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) năm 2014; giải thưởng Doanh nhân trẻ tiêu biểu do nhà vua Na Uy Harald V trao tặng năm 2015; và là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi xuất sắc nhất châu Âu do Tạp chí Forbes bình chọn năm 2016…

VĂN HIẾU