Theo Tạp chí kinh tế Bloomberg Economics, nếu tất cả các nước có ca nhiễm Covid-19 đều chịu cú sốc nghiêm trọng, tương đương mức suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc trong quý I-2020 (âm 6,8%), tăng trưởng toàn cầu sẽ rơi về mức 0% và GDP toàn cầu có thể mất khoảng 2.700 tỷ USD. GDP năm 2020 của Trung Quốc sẽ về mức 3,5%, mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu tăng trưởng của nước này được thống kê vào năm 1980. Trong khi đó, tăng trưởng của Mỹ, Nga, Brazil, Đức, Pháp, Nhật Bản đều rơi vào vùng âm.

Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, tính đến thời điểm hiện tại, các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã tung ra các gói kích thích kinh tế có tổng giá trị lên tới 8.000 tỷ USD. Trong đó, riêng nước Mỹ đã ban hành 3 đạo luật khác nhau trong cùng một giai đoạn nhằm cam kết hỗ trợ hơn 2.000 tỷ USD để hạn chế những tác động của đại dịch. Chính phủ Đức đã tung gói kích thích kinh tế trị giá hơn 1.000 tỷ USD. Chính quyền Anh cũng đang được khen ngợi với các biện pháp kích thích của mình với tổng giá trị lên tới hơn 500 tỷ USD, bao gồm viện trợ cho người làm việc bị ảnh hưởng cũng như nhóm người tự kinh doanh dễ bị tổn thương. Tại Trung Đông và châu Phi, các chính phủ có nhiều cuộc thảo luận về nhu cầu và khả năng tung ra các gói kích thích. Trong đó, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ai Cập và Bahrain đã cam kết các gói cứu trợ sớm. Saudi Arabia cũng cam kết viện trợ tài chính khoảng 21 tỷ USD.

leftcenterrightdel
Kinh tế thế giới sẽ phục hồi theo mô hình nào? Ảnh: CNN

Covid-19 được coi là một cuộc suy thoái do yếu tố ngoại sinh (dịch bệnh). Vì thế, tính chất của cuộc khủng hoảng kinh tế lần này có nhiều khác biệt so với các cuộc suy thoái mà thế giới từng trải qua như đại suy thoái năm 1929-1930 hay cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Và cũng vì thế, khả năng dự báo về mô hình phục hồi của nền kinh tế thế giới cũng trở nên khó khăn hơn. Theo bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đại dịch Covid-19 sẽ càn quét kinh tế thế giới và dẫn tới tăng trưởng âm vào năm 2020, gây ra sự sụp đổ tồi tệ nhất kể từ sau cuộc đại suy thoái năm 1929-1930 đến nay và sẽ chỉ phục hồi một phần vào năm 2021. Trong khi đó, các nhà kinh tế vẫn đang tranh luận sôi nổi về các kịch bản hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Ở kịch bản lạc quan nhất, kinh tế thế giới hồi phục theo mô hình chữ “V”. Theo kịch bản này, đại dịch Covid-19 tại châu Âu và Mỹ được khống chế vào tháng 5, cho phép nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội. Khi đó, kinh tế thế giới được ví như chiếc lò xo sau quá trình bị ép chặt sẽ bật mạnh trở lại và các nền kinh tế được dự báo trở lại mức sản lượng trước khủng hoảng vào đầu năm 2021. Một trong những cơ sở đối với kịch bản này là đà tăng vọt của chỉ số sản xuất công nghiệp (PMI) tháng 3-2020 của Trung Quốc vượt ngưỡng 50, khi phần lớn các nền kinh tế khác của châu Á rơi vào trạng thái thu hẹp mạnh (dưới 50).

Kịch bản được nhiều nhà kinh tế lựa chọn là đà phục hồi hình chữ “U”. Theo kịch bản này, đại dịch Covid-19 kéo dài tới tháng 6-2020 và các biện pháp giãn cách xã hội cần thời gian lâu hơn mới có thể nới lỏng. Vì thế, phải đến cuối năm 2022 hoặc lâu hơn, kinh tế thế giới mới phục hồi hoàn toàn.

Kịch bản ít được mong đợi nhất là sự phục hồi theo mô hình chữ “L”. Theo kịch bản này, đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài tới nửa cuối năm 2020. Do đó, người dân tiếp tục cắt giảm chi tiêu dịch vụ, các khoản nợ phát sinh trước hoặc trong giai đoạn khủng hoảng trở nên khó trả, từ đó châm ngòi cho vòng xoáy vỡ nợ và phá sản. Nếu kịch bản hình chữ “L” diễn ra, kinh tế thế giới sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng thậm chí còn nặng nề hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ngoài 3 kịch bản cơ bản trên còn một số mô hình phục hồi kinh tế được đưa ra. Theo mô hình chữ “W”, đại dịch Covid-19 sau khi được khống chế sẽ tái bùng phát do việc hủy bỏ các biện pháp phòng, chống dịch. Điều đó có nghĩa các chính phủ sẽ lại phải áp đặt các biện pháp ngăn chặn sự lây lan, bao gồm việc hạn chế đi lại, đóng cửa nhà máy, hạn chế các cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Kết quả là sau đà phục hồi sẽ tiếp tục là suy thoái. Theo mô hình dấu “tick” (giống với logo của hãng Nike), các hoạt động kinh doanh và chi tiêu sẽ khởi động lại một cách chậm chạp vì các biện pháp ngăn chặn sự lây lan sẽ được dỡ bỏ một cách thận trọng. Ở kịch bản này, mức sản lượng kinh tế vẫn ở dưới mức trước khủng hoảng cho đến năm 2021…

Trong số những dự báo của các tổ chức kinh tế, Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE)-một cơ quan tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ có cái nhìn lạc quan nhất. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ có sự sụt giảm trong năm nay và dự kiến sẽ giảm mạnh hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, dấu hiệu phục hồi sẽ bắt đầu từ nửa cuối năm 2020 và tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho năm 2021. Viện Peterson dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ quay trở lại đúng lúc, GDP toàn cầu sẽ ở mức 7,2% vào năm tới, với sự tăng vọt ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

NGUYỄN NGỌC OANH