    |
 |
Người dân Nhật Bản tập trung ở quận Dotonbori, thành phố Osaka, xem công bố niên hiệu. Ảnh: Nikkei Asian Review |
Niên hiệu Lệnh Hòa được lấy từ bài thơ về hoa mơ nằm trong tập thơ cổ lâu đời nhất của Nhật Bản “Manyoshu” (Vạn diệp tập), có lịch sử từ hơn 1.200 năm trước, là biểu tượng văn hóa phong phú và truyền thống lâu đời của “đất nước mặt trời mọc”. “Lệnh” ở đây có nghĩa là tôn ti hoặc điềm lành, “Hòa” có thể được hiểu là hòa bình hoặc hài hòa. Tất cả 247 niên hiệu của các vương triều Nhật Bản từ xưa cho đến Bình Thành đều sử dụng chữ Hán lấy từ văn học cổ điển Trung Quốc. Lệnh Hòa là niên hiệu đầu tiên dựa trên văn học cổ điển Nhật Bản. Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giải thích ý nghĩa của việc chọn niên hiệu Lệnh Hòa: “Nhật Bản đang đứng trước bước ngoặt to lớn, dù vậy, các giá trị của dân tộc sẽ không thể phai mờ. Lệnh Hòa thể hiện nước Nhật của ngày mai, nước Nhật mà chúng ta muốn xây dựng cho thế hệ tương lai”. Ông cũng cho biết: “Lệnh Hòa có nghĩa là văn hóa được hình thành và phát triển khi mọi người gắn bó và yêu thương lẫn nhau”. Với nhiều người dân Nhật Bản, lựa chọn này còn là một biểu hiện của lòng tự tôn dân tộc và chủ nghĩa yêu nước.
Lịch sử hiện đại Nhật Bản trải qua 4 thời kỳ-Heisei (Bình Thành), Showa (Chiêu Hòa), Taisho (Đại Chính) và Meiji (Minh Trị), trong đó, kỷ nguyên hiện tại của Thiên hoàng Akihito với niên hiệu Bình Thành có nghĩa là “đạt được hòa bình” kéo dài từ năm 1989 đến nay. Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định niên hiệu của triều đại mới, triều đại thứ 248 của Nhật Bản sau khi xem xét 6 lựa chọn được đưa ra bởi một hội đồng gồm 9 học giả và chuyên gia hàng đầu của đất nước. Theo truyền thống, niên hiệu mới phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt như bao gồm hai ký tự tiếng Hán, dễ đọc, dễ viết, dễ hiểu, không dung tục và chưa được sử dụng trong lịch sử.
Giống như các nước Đông Á khác, việc sử dụng niên hiệu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi các nước khác từ lâu đã hủy bỏ tục lệ dùng niên hiệu thì Nhật Bản vẫn còn duy trì tục lệ này. Theo đó, năm có thể được đánh số bằng niên hiệu của Thiên hoàng tại vị, lấy ví dụ năm 2019 tương ứng với năm Bình Thành thứ 31 và năm Lệnh Hòa thứ nhất kể từ ngày 1-5-2019. Tên triều đại có vai trò đáng kể đối với đời sống hằng ngày của hầu hết người dân Nhật Bản bởi nó được sử dụng rộng rãi trên tiền xu, báo chí, giấy phép lái xe và các giấy tờ nhà nước như một công cụ biểu thị thời gian. Hiện nay, lịch phương Tây được sử dụng phổ biến tại Nhật nhưng nhiều người dân Nhật vẫn tính năm theo niên hiệu của các triều đại, hoặc sử dụng cả hai hệ thống tính thời gian này vì cả hai loại lịch đều sử dụng các tháng phương Tây.
Mặc dù Thiên hoàng Nhật Bản không phải là người đứng đầu chính phủ, không có quyền lực chính trị nhưng được coi là biểu tượng của quốc gia và của sự thống nhất nhân dân. Việc công bố tên triều đại mới là sự kiện lịch sử ở Nhật Bản, được đông đảo quần chúng đón đợi và được đánh dấu bằng hàng loạt đặc san từ các báo, triển lãm thư pháp và nhiều lễ kỷ niệm cho công chúng trên khắp đất nước Nhật Bản. Tới đây, nhân sự kiện Hoàng thái tử Naruhito đăng cơ ngôi vị thiên hoàng thứ 126, người dân Nhật Bản sẽ có kỳ nghỉ Tuần lễ vàng hiếm hoi kéo dài tới 10 ngày, từ 27-4 đến hết ngày 6-5.
Naruhito được phong Hoàng thái tử ngày 23-2-1991, sau khi ông nội ông là Thiên hoàng Chiêu Hòa qua đời ngày 7-1-1989. Ông tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ lịch sử ở trường hoàng gia của Nhật Bản-Đại học Gakushuin lần lượt vào các năm 1982 và 1988. Giai đoạn 1983-1985, ông du học ở Vương quốc Anh tại Đại học Merton, Oxford, trong thời gian này, ông đã viết hồi ký The Thames and I: A Memoir of two years at Oxford (tạm dịch: Sông Thames và tôi: Hồi ký hai năm ở Oxford).
Với niên hiệu mới, mở ra một thời kỳ mới, người dân Nhật Bản đang rất trông đợi vào tài đức của tân Thiên hoàng Naruhito tiếp tục đưa đất nước vững bước tới tương lai và đổi mới quyết tâm của đất nước, cùng nhau đoàn kết, chào đón kỷ nguyên mới với nhiều hy vọng và tốt lành.
THANH HƯƠNG