Tổng thống Mỹ Donald Trump chẳng hạn, cho rằng tới ngày 1-6, đại dịch sẽ đạt tới đỉnh điểm ở Mỹ và sẽ là may mắn nếu con số nạn nhân ở dưới mức 200.000 người. Và sau đó, theo ông Donald Trump, nếu may mắn thì Washington sẽ có thể bắt đầu cơ hội phục hồi…
Đáng tiếc là, trong lúc nhân loại nói chung và từng quốc gia nói riêng đang cần hơn bao giờ hết chung tay hơn nữa để vượt qua thử thách đen tối bi thiết này, thì lại càng bộc lộ rõ hơn những mâu thuẫn chính trị trầm kha trên trường quốc tế… Những nỗ lực hỗ trợ quốc tế đối với các quốc gia là nạn nhân lớn nhất của đại dịch Covid-19, như Italy chẳng hạn, đã bị bôi lem bởi những thế lực không lành mạnh trên các phương tiện truyền thông. Trên tờ La Stampa có trụ sở ở Turin (Italy), nhà báo Jacopo Jacoboni ngày 27-3, “dựa trên thông tin từ những nguồn cao cấp trong chính giới”, đã khẳng định rằng 80% sự giúp đỡ của Nga hoàn toàn vô dụng hoặc rất ít tác dụng. Nhà báo này thậm chí còn so sánh rằng, sự giúp đỡ của Moscow đối với thành Roma nhằm giải cứu các nạn nhân của đại dịch Covid-19 có thể giống như “cuộc xâm lăng của Liên Xô” đối với Afghanistan (?!) vì dường như các quân nhân Nga trong đội hình cán bộ y tế tới Italy những ngày qua với các phương tiện giải độc của mình là rất đáng khả nghi bởi những mục đích “đen tối” dành cho tương lai… Trong khi đó thì trước đấy, ngày 21-3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã chính thức lên tiếng cảm ơn Tổng thống Nga V.Putin về sự giúp đỡ kịp thời và to lớn dành cho thành Roma trong tình cảnh khó khăn hiện tại. Đích thân Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cũng đã cảm thấy mình phải trực tiếp có mặt tại sân bay quân sự Pratica di Mare để tiếp nhận những máy bay Nga chở trang thiết bị cần thiết cùng các chuyên gia tới thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở Italy và bày tỏ sự biết ơn đối với Moscow… Nhiều chính trị gia Italy khác cũng thể hiện thái độ thiện lành tương tự… Đại sứ Nga tại Italy Sergei Razov, với tất cả sự tôn trọng đối với quyền tự do ngôn luận, đã bắt buộc phải gửi thư ngỏ tới tòa soạn báo La Stampa nêu rõ rằng, sự so sánh được dẫn ra trên tờ báo này là “hoàn toàn không thích đáng”, hay nói kiểu dân dã là “dở quê dở tỉnh”!
Bộ Ngoại giao Cuba mới đây cũng đã bắt buộc phải lên tiếng về sự sai trái trong việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cáo buộc La Habana “lạm dụng, bòn rút tiền thù lao và bóc lột sức lao động của các bác sĩ” đang thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn ở Italy hay một loạt quốc gia như Nicaragua, Venezuela, Grenada… Cuba coi đây là một phần của chiến dịch làm trầm trọng thêm những dối trá và làm mất uy tín đối với sự hợp tác y tế quốc tế của “hòn đảo tự do”…
Đại dịch Covid-19 cũng đang làm nảy sinh thêm những lời buộc tội lẫn nhau giữa một số quốc gia về nguồn gốc của loại virus chết người và thực trạng đấu tranh chống lại đại dịch, gieo rắc tiếng xấu cùng những hoài nghi hiện vẫn không có căn cứ xác thực trên trường quốc tế… Con người theo lối tư duy “chân mình thì lấm bê bê…” trong mọi tai họa của mình vẫn có thiên hướng đổ lỗi cho những ai mà họ quen coi là đối thủ hay kẻ thù… Dường như những bài học cay đắng từ quá khứ vẫn chưa đủ để thế giới có thể bình tâm hơn chung tay đối phó với những tai họa không chỉ của riêng ai như đại dịch Covid-19… Mới đây, ngày 26-3, Hội nghị thượng đỉnh về đại dịch Covid-19, lần đầu tiên được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, với sự tham gia của lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng cho thấy, giấc mơ về sự thống nhất của EU vẫn còn xa vời lắm! Mặc dù vẫn có những lĩnh vực mà các nhà lãnh đạo các nước EU tìm được góc nhìn chung nhưng họ lại có quan điểm khác nhau tới trái ngược về những vấn đề quan trọng nhất. Thí dụ như về cái gọi là “trái phiếu virus Corona” mà khu vực đồng euro (trị giá khoảng 2% GDP từ Quỹ cứu trợ EU) có thể sử dụng được để giảm thiệt hại trong điều kiện khủng hoảng hiện nay. Những quốc gia lâm nạn sâu sắc nhất như Tây Ban Nha và Italy đã từ lâu đặt ra câu chuyện này và khu vực đồng euro đã bắt buộc phải một lần ra tay cứu vớt. Nói ngắn gọn là “phú ông” phương Bắc phải nới hầu bao để hỗ trợ cho “cậu Bờm túng thiếu” phương Nam. Và việc này không làm vui lòng trước hết là nước Đức, nơi trách nhiệm về ngân sách luôn được đặt lên vị trí hàng đầu. Thái độ của Berlin dĩ nhiên đã làm cho thành Roma hay Madrid cảm thấy “khó ở”. Và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã lớn tiếng yêu cầu Ban điều hành Hội đồng châu Âu (EC) phải tìm ra lối thoát khỏi khủng hoảng trong khoảng thời gian 10 ngày. Lãnh đạo Tây Ban Nha dĩ nhiên là rất ủng hộ “người bạn đồng cảnh ngộ” Italy. Cuộc tranh luận này tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 26-3 đã kéo dài tới 3 giờ và kết cục là tuyên bố chung tại đây đã được thông qua, như đánh giá của báo chí, rất “ông chẳng bà chuộc”, không có nội dung cụ thể nào khả dĩ giúp được cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 diễn ra hiệu quả hơn… Tình cảnh “đồng sàng dị mộng” vẫn tiếp tục tồn tại trong khu vực đồng euro, buộc các thành viên của nó trong những giãy giụa chống lại thảm họa y tế hiện tại vẫn chủ yếu theo nguyên tắc “thân ai nấy lo”, rất khó hy vọng vào những nguồn cứu trợ từ “nồi cơm chung”…
Thực tế cho thấy, thảm cảnh do đại dịch Covid-19 gây ra cũng đang bị một số thế lực tại không chỉ một quốc gia sử dụng vào những mục đích đấu tranh chính trị nội bộ, làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn và gây ra tình trạng rối loạn nhân tâm… Tại Mỹ chẳng hạn, như các nhà quan sát nhận xét, trong lúc hệ lụy từ đại dịch Covid-19 đang đe dọa làm phá sản nhiều mục tiêu trong chương trình vận động tái tranh cử của đương kim Tổng thống Donald Trump, thì đối thủ của ông, cựu Phó tổng thống Joe Biden lại rất biết cách biến những “gót chân Achilles” của ông Trump thành lợi thế cho chiến dịch vận động tranh cử được đánh giá là “tinh tế” của mình…
HỒNG THANH QUANG