Ngành công nghiệp nghìn tỷ USD

Thế giới đã chứng kiến thị trường bán dẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng nhanh trong suốt 20 năm qua. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng bán dẫn, khiến các nhà sản xuất ô tô, nhà cung cấp và đại lý ô tô phải đóng cửa.

Vượt qua khủng hoảng, đến nay thị trường chất bán dẫn tiếp tục được dự báo sẽ trở thành ngành công nghiệp với quy mô hàng nghìn tỷ USD vào năm 2050. Theo Tổ chức Số liệu thương mại chất bán dẫn toàn cầu (WSTS), thị trường chất bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng 13,1% trong năm 2024, đạt mức kỷ lục 588,36 tỷ USD và dự kiến tăng lên 990 tỷ USD vào năm 2030.

leftcenterrightdel

 Chất bán dẫn sẽ trở thành ngành công nghiệp với quy mô hàng nghìn tỷ USD vào năm 2050. Ảnh minh họa: RT 

Một báo cáo của Trường Đại học Tokyo cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ cung-cầu của chất bán dẫn có sự phân phối rõ ràng giữa một bên gồm Mỹ, châu Âu và Nhật Bản với một bên là châu Á. 80% sử dụng chip bán dẫn được sản xuất tại châu Á. Trong chiến lược của Chính phủ Nhật Bản, phát triển chất bán dẫn là yếu tố quan trọng để khẳng định vị thế.

Cũng giống như Nhật Bản, thời gian gần đây, nhiều nước đã tập trung đầu tư vào lĩnh vực chất bán dẫn. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, chính phủ các nước trên thế giới dành hơn 150 triệu USD hỗ trợ xây dựng mới các nhà máy wafer (wafer là một đế mà các chip sẽ được xây dựng trên đó) chủ yếu ở 3 công ty lớn: TSMC, Intel và Samsung. “Với sự mở rộng và xây dựng nhiều nhà máy wafer (gần 100 nhà máy được xây mới), đòi hỏi sự phát triển đồng bộ và đầu tư nhiều cho công đoạn cuối của sản phẩm là đóng gói. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị của đóng gói”, ông Dương Minh Tiến, kiều bào Hàn Quốc, chuyên gia về đóng gói chip Samsung Electro-Mechanics nhấn mạnh. Ông Tiến cho biết thêm, đầu tư vào ngành substrate (phụ thuộc mảng đóng gói) trong năm 2021-2022 đạt 15,5 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu chip toàn cầu.

Tận dụng cơ hội để đón làn sóng đầu tư

Theo các dự báo, năm 2028, nhu cầu của thị trường chip toàn cầu sẽ vượt quá năng lực sản xuất, từ đó tạo ra làn sóng đầu tư mở rộng nhà máy. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ này.

leftcenterrightdel

 PGS, TS Nguyễn Ngọc Mai Khanh, kiều bào tại Nhật Bản, chia sẻ về phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam. Ảnh: ANH TUẤN

Theo ông Dương Minh Tiến: Hiện tại, Malaysia chiếm 13% trong thị phần của đóng gói toàn cầu. Malaysia được hỗ trợ 5,3 tỷ USD và kỳ vọng thu hút được 107 tỷ USD đầu tư trong mảng đóng gói và đào tạo 60.000 kỹ sư để đáp ứng nhu cầu trong khi quy mô dân số chỉ bằng 1/3 Việt Nam.

Cũng giống như Malaysia, Việt Nam cũng có nhiều thế mạnh thu hút nguồn đầu tư vào lĩnh vực đóng gói toàn cầu, như: Có vị thế thuận lợi để thu hút các nhà sản xuất muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc nhờ có chi phí lao động cạnh tranh và vị trí gần "thung lũng Silicon" của Trung Quốc (Quảng Châu-Đông Hoản-Thâm Quyến), phù hợp cho chiến lược đa dạng chuỗi cung ứng Trung Quốc+1 của các công ty lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam có các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia; Việt Nam có cơ cấu dân số vàng và giỏi các môn khoa học. Sau khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong tuyên bố chung, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam”.

Những năm qua, Việt Nam đã thu hút thành công các công ty điện tử lớn đầu tư vào đóng gói chip và substrate (chất nền-bóng lưới chip bán dẫn) như Intel (1,5 tỷ USD), Samsung (gần 2 tỷ USD), Amkor (1,6 tỷ USD), Hana Micron (1 tỷ USD)... Đây cũng là những công ty sẽ giúp Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời phát triển chuỗi cung ứng.

Đồng quan điểm trên, theo PGS, TS Nguyễn Ngọc Mai Khanh, kiều bào tại Nhật Bản cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã tạo nhiều điều kiện thu hút nhân tài vào lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao nói chung. Trong đó, việc xây dựng mối quan hệ 3 bên giữa chính quyền - doanh nghiệp - cơ sở đào tạo, nghiên cứu tại Việt Nam đang được phát huy ngày càng hiệu quả, khả quan. Đây cũng là một trong những yếu tố khuyến khích kiều bào trở về đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

PGS, TS Nguyễn Ngọc Mai Khanh gợi ý, để trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, Việt Nam cần tập trung vào thiết kế đóng gói, đóng gói, kiểm thử và tập trung vào một mảng làm mũi nhọn, là lợi thế của các bạn trẻ, cũng như tránh được sự cạnh tranh của các nước bạn. “Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ trong và nước ngoài; các viện, trường đại học; có thể tham khảo một số mô hình thiết kế của các nước lân cận. Tuy nhiên, cũng cần có mô hình riêng cho Việt Nam. Với vành đai vi mạch trên thế giới đang tập trung ở Đông Bắc Á, Việt Nam đã lấy đà và tôi tin rằng sẽ cất cánh trong tương lai gần”, PGS, TS Nguyễn Ngọc Mai Khanh tin tưởng.

TRANG ANH