Ngược dòng thời gian, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (2-9-1945). Không lâu sau, thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương. Để tranh thủ thêm thời gian hòa bình xây dựng tiềm lực kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ (6-3-1946), sau đó là Tạm ước (14-9-1946).
Nội dung cơ bản của các văn kiện đó ghi nhận: Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là một quốc gia tự do có chính phủ, quân đội, nghị viện, tài chính riêng nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Chính phủ Việt Nam đồng ý để 15.000 quân Pháp vào thay quân đội Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc, quân Pháp phải rút khỏi Việt Nam sau 5 năm. Việt Nam bảo đảm cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế, văn hóa ở Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi thư tới nguyên thủ các nước Anh, Mỹ và nhiều nước thành viên khác của Liên hợp quốc, nêu rõ thiện chí hòa bình, mong mỏi Liên hợp quốc chấp nhận những yêu cầu chính đáng của nhân dân Việt Nam. Nhưng với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược với mục đích thiết lập lại nền thống trị chủ nghĩa thực dân như cũ. Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.
Bước vào Đông Xuân 1953-1954, Trung ương Đảng ta đề ra chủ trương mở mặt trận đấu tranh ngoại giao mới, kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, trong đó lấy đấu tranh quân sự giữ vai trò quyết định, buộc Chính phủ Pháp phải đi đến đàm phán chấm dứt chiến tranh xâm lược.
Thực hiện chủ trương đề ra, quân dân Việt Nam phối hợp cùng quân dân hai nước bạn Lào, Campuchia mở các cuộc tiến công trên khắp chiến trường Đông Dương, buộc thực dân Pháp bị động đối phó. Đặc biệt, từ ngày 13-3 đến 7-5-1954, quân dân Việt Nam mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của quân Pháp, gây “chấn động địa cầu”. Đây là thắng lợi có ý nghĩa quyết định buộc thực dân Pháp chấp nhận đàm phán kết thúc chiến tranh.
Ngày 8-5-1954, Hội nghị Geneva bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương khai mạc với sự tham dự của các nước Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mỹ, Anh, Pháp và 3 đoàn đại diện của chính quyền bù nhìn Việt Nam, Lào, Campuchia. Phái đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn bước vào hội nghị với tư thế chiến thắng.
|
|
Phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tham dự Hội nghị Geneva tại trụ sở phái đoàn ở Villa Cadre. Ảnh: TTXVN
|
Hội nghị Geneva trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng, phức tạp với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên họp toàn thể, 24 phiên họp hẹp cấp trưởng đoàn. Ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Theo đó, các nước tham dự hội nghị công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, cam kết rút hết quân đội nước ngoài ra khỏi lãnh thổ 3 nước Đông Dương.
Theo quy định của hiệp định, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 (dọc sông Bến Hải thuộc tỉnh Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời để lực lượng vũ trang hai bên tập kết: Quân đội nhân dân Việt Nam ở phía Bắc, quân đội “Liên hiệp Pháp” ở phía Nam giới tuyến. Sau hai năm, Việt Nam sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước (tháng 7-1956)...
Phát biểu tại phiên họp cuối cùng của Hội nghị Geneva, đồng chí Phạm Văn Đồng đọc lời Tuyên bố của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đồng thời đưa ra lời kêu gọi mang tính dự báo và chiến đấu cao: "Nhân dân Việt Nam! Đồng bào miền Nam! Thắng lợi thuộc về chúng ta! Độc lập và thống nhất Tổ quốc chúng ta là ở trong tay chúng ta. Những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới đều đồng tình với chúng ta. Đồng bào hãy nhớ lấy lời Hồ Chủ tịch: Cuộc đấu tranh gian khổ, nhưng cuối cùng chúng ta nhất định thắng".
Mặc dù còn một số hạn chế do tương quan lực lượng trên bàn đám phán, do bối cảnh quốc tế phức tạp mang lại, song Hiệp định Geneva năm 1954 vẫn là một thắng lợi to lớn, hội tụ giá trị ngoại giao Việt Nam trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Pháp. Điều này được thể hiện là lần đầu tiên trong lịch sử, các nước lớn tham dự một hội nghị đã cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Đây là giá trị cao nhất mà trước đó trong các bản Hiệp định sơ bộ (6-3-1946) và Tạm ước (14-9-1946) ta chưa đạt được; đồng thời là cơ sở pháp lý quốc tế để nhân dân 3 nước Đông Dương đấu tranh chống lại mọi hành động xâm lược của các thế lực thực dân, đế quốc thời gian tiếp theo.
Hiệp định Geneva năm 1954 chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Đông Dương, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ. Đồng thời, nó cũng kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến lâu dài, anh dũng của nhân dân Việt Nam, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn, vững mạnh cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Như tướng De Castries (Pháp) sau này đã nói: Hiệp định Geneva “sẽ cho phép nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thực hiện xây dựng tương lai chính trị và kinh tế của mình mà bản thân họ đã đấu tranh mạnh mẽ. Nó cho phép Việt Nam mở rộng cải cách ruộng đất, kiến thiết lại những hệ thống giao thông và các thành phố, bắt đầu sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, tăng của cải vật chất của nhân dân cũng như sự trồng cấy, bình thường hóa các trao đổi thương mại”.
Hiệp định Geneva còn thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên, phái đoàn ngoại giao ta tham gia một hội nghị đa phương, trực tiếp đấu tranh vì các quyền dân tộc cơ bản. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng, nhưng đoàn đàm phán nước ta đã dựa vững vào thắng lợi trên chiến trường, phát huy cao độ sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng trên bàn hội nghị. Qua đó, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao rõ rệt.
Hiệp định Geneva góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới, nhất là phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa của chủ nghĩa thực dân tại châu Á, châu Phi... Đặc biệt, lời phát biểu của đồng chí Phạm Văn Đồng trong buổi kết thúc hội nghị đã có sức lay động hàng triệu trái tim Việt Nam và nhân dân nhiều nước thuộc địa đang nung nấu khát khao cháy bỏng về hòa bình, độc lập, tự do.
Cuộc đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Geneva năm 1954 cũng đã để lại cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam những bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là phải bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng; kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia-dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, gắn kết đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế để tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn; kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”; coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình trong nước, khu vực và thế giới, nhất là tình hình các nước lớn có liên quan trực tiếp theo phương châm “Biết mình, biết người, biết thời, biết thế”, để từ đó có đối sách phù hợp; thường xuyên coi trọng sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế.
70 năm đã trôi qua, độ lùi thời gian ấy càng giúp chúng ta nhận thức đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn về giá trị, tầm vóc, ý nghĩa của Hiệp định Geneva năm 1954. Đó thực sự là đỉnh cao của ngoại giao Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Những bài học rút ra từ quá trình đàm phán đi đến ký kết văn kiện lịch sử này được Đảng và Nhà nước ta tiếp tục chắt lọc, vận dụng sáng tạo vào các chặng đường cách mạng tiếp theo, trực tiếp là cuộc đàm phán ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1968-1973).
Tiến sĩ TRẦN HỮU HUY