Trong chiến tranh, mặt trận chính trị và quân sự là quyết định. Nhưng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã nâng tầm ngoại giao lên thành một mặt trận có vai trò chiến lược, với nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính trị và mặt trận quân sự.

Từ đầu, Đảng ta đã đề ra khẩu hiệu phối hợp 3 mặt trận quân sự-chính trị-ngoại giao để kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là nét đặc thù của ngoại giao Việt Nam, rất hiếm thấy trên thế giới. Thông thường trong chiến tranh, ngoại giao chỉ có mặt khi kết thúc chiến tranh để đi đến ký một hiệp định ghi lại sự thắng bại của mỗi bên. Trái lại, trong kháng chiến chống Mỹ, ngoại giao của chúng ta có mặt từ đầu đến cuối, luôn luôn có vai trò, vị trí, nhiệm vụ nặng nề. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa III), năm 1967 đã khẳng định: “Chúng ta tiến công địch về ngoại giao bây giờ là đúng lúc vì ta đã và đang thắng địch, thế của ta bây giờ là thế mạnh...”.

leftcenterrightdel

Cuốn cờ Mỹ chấm dứt hoạt động của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam ngày 29-3-1973.  Ảnh tư liệu 

Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 4-1969 ghi rõ: “Ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược”. Trên chiến trường, ta đánh thắng trận nào thì ngoại giao phát huy, khuếch trương trên thế giới, đồng thời phục vụ và phối hợp với đấu tranh quân sự, chính trị tạo thành sức mạnh tổng hợp. Thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng, trong kháng chiến chống Mỹ, ngoại giao của ta đã thực hiện hai nhiệm vụ lớn:

Thứ nhất, tăng cường hậu phương quốc tế của ta và làm suy yếu hậu phương địch. Thực hiện khẩu hiệu của Đảng đề ra là thêm bạn bớt thù, ngoại giao tranh thủ sự ủng hộ từ những đồng minh chiến lược đến những người chỉ đồng tình với ta ở một điểm nào đó. Chúng ta nêu rõ, chống Mỹ là nhằm mục tiêu chung của loài người, của thời đại, từ mục tiêu cao là chủ nghĩa xã hội, cho đến mục tiêu thấp là hòa bình độc lập dân tộc. Ai đồng tình với ta trên cơ sở chiến lược là đi tới chủ nghĩa xã hội đều là bạn của ta. Ai chỉ đồng tình với ta dù trên cơ sở nhân đạo ta cũng coi là bạn.

Thứ hai, ngoại giao giải quyết vấn đề ta thắng, địch thua. Với một kẻ địch mạnh như Mỹ, cuộc đấu tranh của ta chống Mỹ không thể chỉ khi nào ta buộc đối phương phải quy hàng mới kết thúc. Phải có khái niệm thật rõ, thế nào là ta thắng, thế nào là địch thua. Ta thắng là khi ta bảo vệ được độc lập, tự do, giải phóng được đất nước. Mỹ thua là phải rút hết quân, chấm dứt xâm lược, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: ''Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút lui. Nhưng nếu Mỹ không rút thì phải đánh đuổi Mỹ''. Để thắng kẻ thù lớn như đế quốc Mỹ thì phải có sự đóng góp của ngoại giao.

Thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Paris và Hiệp định Paris 1973 là một thắng lợi to lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, trên cơ sở kế thừa truyền thống ngoại giao Việt Nam trong lịch sử; kế thừa tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

THẾ DŨNG