Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng:
“Ngoại giao cây tre” bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia
Trong bối cảnh khu vực và thế giới cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, “ngoại giao cây tre” được sử dụng để bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc. “Ngoại giao cây tre” tức là giữ vững nguyên tắc và có thể linh hoạt trong cách thức thực hiện. Với nguyên tắc đó, chúng ta đã làm rõ với các nước, các đối tác về những lợi ích căn bản của đất nước, những giá trị mà Việt Nam theo đuổi và sẽ không thay đổi. Nhưng chúng ta cũng có thể thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp với xu thế và tình hình. Uyển chuyển mà vẫn giữ được nguyên tắc. Khi chính sách đối ngoại của chúng ta rõ ràng thì việc hợp tác cũng dễ dàng hơn.
Trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, khi hiểu rõ những giá trị và nguyên tắc mà Việt Nam theo đuổi, phía Hoa Kỳ luôn thể hiện sự tôn trọng. Khi muốn đẩy mạnh, nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên đối tác chiến lược toàn diện, trước hết Hoa Kỳ phải tôn trọng những gì Việt Nam coi là nguyên tắc, giá trị. Sau đó, hai bên sẽ đi đến những hoạt động hợp tác khác, đáp ứng lợi ích của nhau, tùy từng hoàn cảnh và thời điểm. Xuất phát từ nhu cầu và mong muốn của Việt Nam, phía Hoa Kỳ nhất trí chọn lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có chất bán dẫn, sẽ là hợp tác trọng tâm trong quan hệ song phương. Điều này tạo động lực, thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp hai nước và tạo hiệu ứng rất tốt.
Chính sự chắc chắn về chiến lược, lợi ích cũng như sự uyển chuyển trong cách thức thực hiện đã tạo điều kiện cho Việt Nam thể hiện quan điểm của mình, trong đó có những điều phù hợp với xu thế chung, nhờ vậy giúp ta có thêm bạn bè, đối tác.
---------------
Ông Hoàng Hữu Anh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao:
Sức lan tỏa của ngoại giao văn hóa
Một điểm nổi bật trong năm 2023 là hoạt động ngoại giao văn hóa ở tầm lãnh đạo cấp cao. Đó là hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc trà, thưởng thức 3 sản phẩm trà thượng hạng của Việt Nam sau hội đàm ngày 12-12; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cuốn sách "Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh-Thư gửi nước Mỹ" trong tiệc chiêu đãi chiều 11-9, nhân chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam. Hay Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bức thư pháp với dòng chữ "Chân thành-Tình cảm-Tin cậy" bằng tiếng Việt và tiếng Nhật (Kanji) trong cuộc gặp gỡ thân mật tối 30-4 tại Hà Nội. Trong chuyến thăm Cuba cuối tháng 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao tặng cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernández. Những hình ảnh trên cho thấy thông điệp của Việt Nam phát đi rất mạnh ở cấp cao, mang tới cho mọi người cảm nhận rõ ràng về đường hướng phát triển, sự chân thành, mong muốn hợp tác của Việt Nam đối với các đối tác.
Từ kết quả thực tiễn triển khai công tác ngoại giao văn hóa trong những năm qua, có thể khẳng định rằng, ngoại giao văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Những đóng góp tích cực của công tác ngoại giao văn hóa được thể hiện rõ nét qua 3 khía cạnh. Một là, góp phần phát triển thương hiệu, hình ảnh của quốc gia, cũng như các địa phương. Các danh nhân, danh lam, thắng cảnh của Việt Nam được UNESCO ghi danh góp phần gia tăng sự nhận diện Việt Nam trên thế giới. Hai là, ngoại giao văn hóa đóng góp vào việc quy hoạch, định hướng phát triển của các địa phương. Ba là, ngoại giao văn hóa góp phần nâng cao đời sống của người dân. Có thể nói, ngoại giao văn hóa đang có sức lan tỏa rất mạnh, hiệu quả, thiết thực, đóng góp nâng tầm và tăng cường hiểu biết, không chỉ thắt chặt quan hệ giữa các cá nhân lãnh đạo mà còn giữa người dân Việt Nam với các nước.
------------
Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng:
Thị trường Saudi Arabia khó nhưng nhiều cơ hội
Nhận thức rõ ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia trong năm 2023 đã tích cực triển khai công tác ngoại giao kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Saudi Arabia. Tháng 9 vừa qua, một đoàn doanh nghiệp của Saudi Arabia và Qatar đã sang Việt Nam. Đây là đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay đến từ khu vực Trung Đông. Quá trình chuẩn bị cho hoạt động này tương đối vất vả nhưng chuyến đi của đoàn cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của các doanh nghiệp Saudi Arabia cũng như Qatar đối với khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Đặc biệt, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Saudi Arabia hồi tháng 10 là chuyến thăm cấp cao nhất của Việt Nam tới Saudi Arabia trong 13 năm qua. Thái tử đồng thời là Thủ tướng Saudi Arabia đã nhận lời mời thăm Việt Nam trong năm 2024. Nếu chuyến thăm cấp cao được thực hiện, sẽ có các đoàn của Saudi Arabia sang Việt Nam. Đó sẽ là kênh rất tốt để Việt Nam đẩy mạnh quan hệ, không chỉ về chính trị mà cả kinh tế, thương mại.
Saudi Arabia là đất nước có tới 95% lãnh thổ là sa mạc hoặc các vùng đất khô cằn và chỉ 1,45% diện tích đất có thể canh tác. Saudi Arabia chỉ có khoảng 15% sản phẩm là tự sản xuất được, còn lại phải nhập từ nước ngoài. Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm nông-thủy-hải sản. Năm 2023, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam sang Saudi Arabia vượt mốc 1 tỷ USD. Điều này cho thấy đây là lĩnh vực nhiều tiềm năng mà hai nước cần khai thác, nhất là trong xuất, nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn Hồi giáo Halal. Halal là thị trường mà Việt Nam mới đang hướng đến, do đó các doanh nghiệp, các nhà xuất khẩu của Việt Nam phải có sự chuẩn bị, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường Halal nói chung và thị trường Halal ở Saudi Arabia nói riêng.
Tuy nhiên, Saudi Arabia không phải là thị trường dễ vào do đòi hỏi cao về tiêu chuẩn và mức độ cạnh tranh tương đối lớn. Nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam không có cơ hội. Hiện nay, một trong những chủ trương lớn của Saudi Arabia là phát triển nền kinh tế không dầu mỏ và đang giảm dần các ngành kinh tế sử dụng nhiều dầu mỏ. Cả Saudi Arabia và Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu giảm khí thải carbon. Sản xuất xe điện là điểm chung giữa hai nước để thực hiện mục tiêu này. Cùng với nhiều tiềm năng đang được hai nước nỗ lực khai thác, tôi tin rằng hợp tác giữa Việt Nam và Saudi Arabia sẽ tiếp tục tiến triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
HOÀNG ĐAN - PHƯƠNG THẢO