Trong cuộc đàm phán “marathon” dài nhất thế kỷ 20 tổ chức tại Paris, thủ đô Cộng hòa Pháp, bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (từ ngày 13-5-1968 đến ngày 27-1-1973) giữa 2 bên là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ; sau đó là 4 bên (thêm Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đổi là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, từ ngày 25-1-1969 trở về sau và Việt Nam Cộng hòa), nổi lên một khía cạnh khá đặc biệt, đó là văn hóa ngoại giao. Văn hóa ngoại giao của Việt Nam tại Hội nghị Paris được hiểu là một biểu hiện của nghệ thuật đàm phán, sự kết hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa "đánh" và "đàm" (đấu tranh quân sự ở trên chiến trường và đấu tranh ngoại giao trên bàn đàm phán); đó còn là phát huy sức mạnh của truyền thống, nền văn hóa dân tộc, tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống xâm lược... vào suốt quá trình đàm phán.

Một trong những vấn đề mấu chốt nhất trong cuộc đàm phán tại Paris mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trương nhất quán, yêu cầu hai đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiên trì đấu tranh là yêu cầu Mỹ phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và quân Mỹ cùng quân các nước đồng minh phải rút nhanh chóng, triệt để toàn bộ lực lượng, vũ khí, trang bị ra khỏi miền Nam Việt Nam. Căn cứ vào thực tế tình hình trên chiến trường, khi Quân giải phóng miền Nam chưa đủ khả năng và điều kiện đánh tiêu diệt các đơn vị của Mỹ, Đảng chủ trương tập trung đánh bại âm mưu tiếp tục chiến tranh của Mỹ. Đây là một chủ trương đúng đắn là đánh đến mức độ đủ để chính quyền Mỹ hiểu rằng không thể giành chiến thắng được bằng sức mạnh của vũ khí quân sự. Hiểu rõ mối quan hệ hữu cơ giữa chiến trường với bàn đàm phán, Đảng ta chủ trương phải giành thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định khiến chính quyền Mỹ phải thay đổi quan điểm về tiến hành chiến tranh, phải xuống thang, rút quân về nước. Mở cuộc đàm phán cũng là để mở ra một lối thoát cho Mỹ rút khỏi Việt Nam.

Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1-1967), Đảng chủ trương mở mặt trận ngoại giao, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao. Trong cuộc họp Bộ Chính trị cuối năm 1967, đầu năm 1968, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát biểu nhấn mạnh: Cần mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa nhằm “làm tung tóe các khả năng” trong giải quyết vấn đề chiến tranh ở miền Nam. Quả vậy, sau khi Trung ương Đảng quyết định (tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14, tháng 1-1968) mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên toàn miền Nam dịp Tết Mậu Thân năm 1968, chính Tổng thống Mỹ Johnson, ngày 31-3-1968 đã phải lên đài truyền hình tuyên bố hạn chế ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc, đề nghị đàm phán không điều kiện, quyết định không đưa thêm quân Mỹ đến miền Nam Việt Nam... Như vậy, đòn tiến công quân sự đã mở ra cuộc đàm phán hòa bình trên thực tế.

Trong cuộc đàm phán, thành phần đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chỉ có cán bộ ngoại giao trực tiếp tham gia đàm phán mà còn có cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên truyền, dân vận, có nhiệm vụ vận động Việt kiều, nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam. Hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình, một phụ nữ duyên dáng, nhanh nhẹn, quyết đoán và kiên cường làm Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chính là hiện thân của tinh thần yêu hòa bình, phản đối bạo lực, cũng là biểu hiện của nét văn hóa ngoại giao Việt Nam.

Một biểu hiện rõ rệt về văn hóa ngoại giao của Việt Nam ở giai đoạn cuối cuộc đàm phán chính là việc đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ động đưa ra bản dự thảo Hiệp định ngày 8-10-1972 với những nhân nhượng quan trọng, đã tạo ra sự tiến bộ mang tính đột phá trên bàn đàm phán. Điều này cũng minh chứng cho chủ trương muốn kết thúc chiến tranh bằng một giải pháp hòa bình, thể hiện rõ sự tiếp nối truyền thống văn hóa của cha ông là chủ động tạo cơ hội tìm kiếm hòa bình ngay khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt.

leftcenterrightdel

Đồng chí Lê Đức Thọ và Tiến sĩ Henry Kissinger bắt tay sau lễ ký tắt Hiệp định Paris. Ảnh tư liệu 

Những thông tin và câu chuyện tôi kể sau đây sẽ làm rõ hơn chỗ dựa truyền thống, lịch sử văn hóa của dân tộc đã được các nhà ngoại giao của Việt Nam vận dụng một cách chủ động trong đàm phán tại Hội nghị Paris. Như chúng ta biết, bên cạnh 4 đoàn đàm phán chính thức của 4 bên thường xuyên tham gia các cuộc gặp công khai, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cử đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm cố vấn đặc biệt cho phái đoàn; phía Mỹ cử Tiến sĩ Henry Kissinger, Bộ trưởng Ngoai giao, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ làm cố vấn cho đoàn đàm phán Mỹ. Hai nhân vật này thường xuyên có các cuộc gặp riêng bắt đầu từ nửa sau năm 1969 để thúc đẩy đàm phán tiến bộ thực chất.

Năm 2010, tôi tham dự cuộc Hội thảo quốc tế quy mô lớn về chiến tranh Việt Nam tổ chức tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ với sự tham dự của nhiều nhà sử học đến từ các nước ở châu Âu, châu Á, Mỹ và nhiều quan chức, cựu quan chức của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông Kissinger cũng tham dự cuộc hội thảo này. Khi thấy đoàn các nhà sử học từ Việt Nam và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ vào hội trường, ông Kissinger đến chào, chụp ảnh với đoàn. Chụp ảnh xong, ông ta chỉ vào mặt mình rồi nói một cách hóm hỉnh: Ông Lê Đức Thọ làm tôi già nhanh như thế này đấy. Mọi người cùng cười vì câu pha trò có dụng ý của Kissinger.

Sau phát biểu khai mạc của bà Hilary Clinton, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông Kissinger, với tư cách là cựu Ngoại trưởng, được Ban tổ chức sắp xếp đọc tham luận đầu tiên về nội dung liên quan đến cuộc đàm phán ở Paris. Ngay sau tham luận của ông Kissinger, tôi là người đầu tiên giơ tay nêu hai câu hỏi. Câu thứ nhất, tôi hỏi về vai trò và trách nhiệm của ông ta trong cuộc ném bom B-52 dịp Giáng sinh tháng 12-1972 xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh ở miền Bắc Việt Nam. Ông Kissinger trả lời chung chung, cố ý tránh né nói về vai trò và trách nhiệm của ông. Câu hỏi thứ hai tôi hỏi: Vì sao ông lại nói Lê Đức Thọ làm cho ông già nhanh như thế? Câu hỏi này làm cho cả hội trường dậy lên tiếng cười. Về câu hỏi này, Kissinger trả lời rất thoải mái vừa thể hiện sự thực, vừa pha chút hài hước. Kissinger nói đại ý: Tôi đã họp với ông Lê Đức Thọ nhiều lần, tôi có nhận xét là ông Thọ tuy không được học hành về ngoại giao một cách bài bản nhưng là một người đàm phán lão luyện, thông minh, luôn kiên định mục tiêu, nguyên tắc đề ra. Tôi thường bị ông Thọ mắng. Hình như ông ấy cho rằng ông ấy nhiều tuổi hơn tôi nên có quyền mắng tôi thì phải. Cả hội trường lại cười vang vì câu pha trò của Kissinger.

Rồi ông Kissinger tiếp tục kể tại hội thảo kỷ niệm về một lần gặp riêng với ông Lê Đức Thọ: Thông thường một cuộc gặp riêng khoảng 45 phút, có lần bắt đầu vào cuộc gặp, ông Thọ đứng giảng giải cho tôi về lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Tôi kiên nhẫn ngồi nghe và xem đồng hồ. Được khoảng 40 phút, tôi giơ tay ngắt lời ông Thọ: Xin lỗi ngài, chỉ còn 5 phút nữa là kết thúc cuộc gặp, lát nữa mở cửa ra ngoài, phóng viên họ hỏi hôm nay các ngài có đạt được tiến bộ gì, thì theo ngài, chúng ta phải trả lời như thế nào? Ông Thọ nói ngay: Ông cứ bảo với họ là hôm nay tôi giới thiệu cho ông về truyền thống chống ngoại xâm của Việt Nam. Nghe tới đây, cả hội trường lại được dịp cười vui. Kissinger kết thúc: Đấy, tôi bị già nhanh là vì ông Thọ đấy!

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973, ông Kissinger có chuyến thăm Hà Nội. Đồng chí Lê Đức Thọ đã tiếp, dẫn ông ta đi thăm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Đồng chí Lê Đức Thọ dẫn Kissinger đến trước bài thơ thần gồm 4 câu (dịch nghĩa: Nước Nam này do vua Nam ở/ Sách trời ghi rành rành như vậy/ Cớ sao quân giặc dám xâm phạm/ Chúng sẽ bị đánh cho tơi bời). Rồi đồng chí Lê Đức Thọ giải thích ý nghĩa của 4 câu thơ cho Kissinger: Đây là bài thơ xuất hiện từ thế kỷ XI trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Bài thơ được xem như bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của Việt Nam. Nghe xong, Kissinger nhận xét: Đây chính là Điều 1 của Hiệp định Paris. Toàn văn Điều 1 như sau: Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneva năm một nghìn chín trăm năm mươi tư (1954) về Việt Nam đã công nhận.

Một ví dụ về văn hóa ngoại giao nữa liên quan đến việc Mỹ phải bồi thường chiến tranh do sự tàn phá của bom đạn, chất độc hóa học, chất da cam mà Mỹ rải xuống Việt Nam. Tuy nhiên, văn bản chính thức của Hiệp định Paris chỉ ghi như sau: “Chính phủ Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào công việc xây dựng lại sau chiến tranh ở Bắc Việt Nam mà không có bất cứ điều kiện chính trị nào”.

PGS, TS NGUYỄN MẠNH HÀ
Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh