Một trường phái ngoại giao đặc sắc

Các kết quả hoạt động ngoại giao năm 2023 bắt nguồn từ chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, phát triển đất nước mấy thập kỷ qua, trực tiếp là từ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết Đại hội XIII xác định xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại bao gồm 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Trong đó, đối ngoại Đảng giữ vai trò nòng cốt trong định hướng chiến lược, chủ trương, đường lối đối ngoại, phát triển quan hệ tốt đẹp với các chính đảng, góp phần xây dựng, củng cố nền tảng chính trị, tạo thuận lợi cho quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước, các đối tác. Ngoại giao Nhà nước (bao gồm cả ngoại giao nghị viện) đóng vai trò nòng cốt trong thể chế hóa, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng. Ngoại giao nhân dân đóng vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước, xây dựng nền tảng xã hội tích cực và thuận lợi cho quan hệ của Việt Nam với các nước; gắn kết chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa.

leftcenterrightdel

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ hai nước,ngày 13-12-2023.  Ảnh: TRỌNG HẢI 

 

Sau Đại hội XIII, ngày 14-12-2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc. Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự tiếp nối của chính sách đối nội mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Việt Nam đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam. Đó là gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển; mềm mại, khéo léo nhưng rất kiên cường. Muốn làm được như vậy, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước song phương cũng như đa phương. Phải đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá, sáng tạo, tìm ra cách làm mới, các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới... trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu, chân thành, khiêm tốn.

Một năm bận rộn, hiệu quả

Tiếp nối kết quả hoạt động ngoại giao trong năm 2021-2022, mà hoạt động nổi bật, trực tiếp tạo đà cho năm 2023 chính là chuyến thăm thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc, đầu tháng 11-2022, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, ngay sau khi Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc. Chuyến thăm này đặt cơ sở quan trọng, vững chắc cho quan hệ hai nước và hoạt động đối ngoại của Việt Nam sau đó.

Có thể nói, tính từ khi Việt Nam triển khai thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế theo tinh thần Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế đến nay, chưa năm nào Việt Nam lại có nhiều hoạt động đối ngoại toàn diện, sôi nổi, dồn dập và “được mùa” như năm 2023.

Về đối ngoại Đảng, nếu tính từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, đặc biệt là trong năm 2023, riêng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì, tham gia khoảng 140 hoạt động liên quan đến đối ngoại như tiếp xúc, điện đàm, trực tiếp, trực tuyến, gửi thư, tham dự các hội nghị quốc tế. Trong đó, đáng chú ý nhất là chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam tháng 9-2023 và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam tháng 12-2023.

Về ngoại giao Nhà nước, năm 2023 đã diễn ra tới 45 chuyến đi thăm, làm việc sôi động, hiệu quả của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tới các nước láng giềng, các nước đối tác, đối tác chiến lược, hầu hết các nước ASEAN, các nước bạn bè truyền thống. Đây cũng là năm có gần 50 nguyên thủ, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, người đứng đầu các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới... đến thăm Việt Nam. Chưa có năm nào như năm 2023, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cùng đón tiếp cả hai nguyên thủ của Hoa Kỳ và Trung Quốc đến thăm.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ từ đối tác toàn diện (thiết lập năm 2013) lên thẳng mức cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, mở ra cơ hội quan hệ và hợp tác toàn diện, rộng mở trên tất cả lĩnh vực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Lãnh đạo hai nước đã thống nhất thúc đẩy mối quan hệ chiến lược lên một tầm cao mới trên cơ sở cùng nhau: Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai.

Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (năm 2008), hai bên đã ký kết 36 văn kiện hợp tác, nhất trí xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc” trên cơ sở 16 chữ: Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai và 4 tốt: Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt. Trước chuyến thăm Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài viết đăng trên Báo Nhân Dân, nêu rõ mong muốn hai nước thực hiện 4 kiên trì: Kiên trì hài hòa lợi ích; kiên trì tin cậy lẫn nhau; kiên trì hữu nghị thân thiết; kiên trì đối xử chân thành bởi hai nước cùng có núi sông liền một dải, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, chia sẻ tương lai chung.

Cuối tháng 11-2023, trong chuyến thăm Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida Fumio nhất trí nâng cấp quan hệ từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện. Đây là quốc gia thứ 6 mà Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (sau Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ). Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính ở thủ đô Tokyo ngày 16-12-2023, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố: Hợp tác Nhật Bản-Việt Nam là không giới hạn.

Ngoại giao nhân dân cũng là lĩnh vực hoạt động được Đảng, Nhà nước Việt Nam rất chú trọng, đã hỗ trợ hiệu quả cho kênh đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước. Đề cập đến lĩnh vực này, ngay trước thềm cuộc gặp Kỷ niệm 50 năm quan hệ Nhật Bản-ASEAN vào giữa tháng 12-2023 và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản (1973-2023), Thủ tướng Nhật Bản đã gửi thư tới nhân dân Việt Nam, cho biết: Trong năm 2023, có hơn 500 sự kiện kỷ niệm đã và đang được tổ chức ở hai nước, tính trung bình là mỗi ngày có nhiều hơn một sự kiện kỷ niệm. Con số thống kê mà Thủ tướng Nhật Bản nêu lên là một ví dụ sống động thể hiện tính phong phú, hiệu quả, thực chất của đối ngoại nhân dân. Thủ tướng Kishida Fumio coi đây là “mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau trên tinh thần gắn kết “từ trái tim đến trái tim” vốn được vun đắp suốt thời gian dài thông qua hoạt động giao lưu nhân dân trên các lĩnh vực một cách sâu rộng.

Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng nhận được sự chú trọng, quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương. 94 cơ quan đại diện của Việt Nam ở trên thế giới chính là địa chỉ gắn kết với 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài trong việc chăm lo, bảo đảm cho quyền lợi chính đáng về quốc tịch, xuất, nhập cảnh, đầu tư, sở hữu tài sản, học tập, làm việc, đồng thời đoàn kết, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy các nguồn lực về vật chất và trí tuệ của kiều bào, đóng góp xây dựng quê hương.

Những thành công của ngoại giao Việt Nam trong năm 2023 đã tạo nên sự đột phá, bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế. Những kết quả trên là cơ sở quan trọng để ngoại giao Việt Nam gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới, góp phần xứng đáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

PGS, TS NGUYỄN MẠNH HÀ