1. Tôi biết anh từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi tôi còn là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, còn anh là phóng viên thường trú của Báo Pravda tại Đông Nam Á. Do công việc chuyên môn nên anh hay đến tòa soạn Báo Quân đội nhân dân ở số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội và tôi khi đó với tư cách là một người biết tiếng Nga nên hay được các thủ trưởng cho dự các cuộc trao đổi thông tin với anh. Dần dà, giữa tôi và anh do những sự “đồng thanh tương ứng” nào đó nên trở thành bạn tâm giao cả ở ngoài những mối quan hệ công việc thuần túy, đặc biệt là khi với tư cách người đứng đầu cơ quan đại diện cho Trung tâm hợp tác quốc tế về văn hóa và khoa học trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga tại Việt Nam, anh cùng gia đình rời TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội cư trú (tại khách sạn La Thành). Sự hiểu văn hóa Việt và thiện cảm thực lòng của Tsvetov đối với Việt Nam khiến anh luôn được coi là “người nhà” giữa những bạn bè Việt.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Piotr Tsvetov (bên trái) và tác giả có buổi gặp gỡ vào đầu tháng 10-2023 tại Moscow, Nga.

Tôi hay tới Trung tâm chơi, vì ở đó có cả một thư viện sách Nga vô cùng phong phú, đặc biệt là các tác phẩm thơ. Thêm vào đó, anh giống như tôi, cũng thích uống vodka trong khi đàm đạo... Cả hai chúng tôi đều thích uống rượu vodka ngâm ớt để lạnh trong ngăn đá. Tôi quý anh còn vì anh đã giúp tôi có thêm nhiều kiến thức lịch sử, xã hội. Và không chỉ quý anh mà tôi còn trở nên thân thiết với cả gia đình anh, với chị Natalia và hai cháu Pavel, Anton. Có lẽ vì thế nên tôi cũng tương đối thấu hiểu những cảm xúc của anh cùng gia đình trong giai đoạn mà Liên bang Xô viết tan rã và nước Nga phải vật vã trong những biến động để chuyển đổi hình thái phát triển.

Không chỉ riêng tôi mà nhiều người Việt khi tiếp xúc, gần gũi với gia đình anh ở giai đoạn đó cũng cảm nhận được những vân vi không dễ diễn tả thành lời của Piotr Tsvetov trước những chuyển mình lớn của tổ quốc Nga La Tư... Đầu thế kỷ 20, khi hai con trai của anh đã ở tuổi sắp vào đại học, vợ chồng Tsvetov đành quyết định trở về Moscow vì tương lai của các cháu (hiện nay, hai con trai của anh chị đều đang tham gia công tác liên quan tới ngoại giao và là những cây bút chính luận có uy tín về tình hình quốc tế). Những năm gắn bó với Việt Nam đã giúp anh trở thành “người nhà” đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với Hà Nội, Tsvetov gần như “phải lòng” thành phố cổ kính mà hiện đại này. Anh viết một bài thơ rất hay “Gửi Hà Nội” và tôi đã dịch ra tiếng Việt. Bài thơ này được chọn vào tuyển tập những bài thơ hay nhất về Thăng Long-Hà Nội một nghìn năm qua:

Thành phố này, tôi chưa xa đã nhớ,

Nét rêu xanh trong kỷ niệm bạn bè.

Hồ Gươm thẫm ánh mắt nhìn thiếu phụ,

Tiếng sấu rơi hút gió đêm hè...

 

Tôi xa lạ nhưng đã thành thân thuộc

Với con đường ve inh ỏi đồng ca,

Em ngơ ngác và em không quen biết

Mà nụ cười như môi nở ngàn hoa...

 

Thành phố này có bao nhiêu cổ tích,

Tôi ước thành Tháp Bút một lần thôi

Giá tôi viết được lên xanh biếc

Những câu thơ hòa hợp với mây trời...

 

Ba sáu lối hay nhiều hơn nữa

Cũng đưa về bầu bạn với thương yêu.

Thành phố này tôi chưa xa đã nhớ

Giọt nắng trong như giọt rượu say chiều.

 

Tôi đã lớn cùng bạch dương xứ tuyết,

Đến nơi đây thanh thản với tre ngà,

Tối hồ Tây trong vòng tay ngủ thiếp

Sóng sâm cầm nhè nhẹ vỗ mơ Nga...

Cũng xin nói thêm là, khi nói về sự cổ kính của Thủ đô Hà Nội, anh Tsvetov đã có lần đưa ra ý kiến: “Sang đây đúng vào dịp các bạn đang long trọng chuẩn bị Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, tôi bỗng nhớ là, thực ra thành Cổ Loa của các bạn đã có từ hai nghìn năm trước. Sao các bạn “khiêm tốn” thế, chỉ là đại lễ 1.000 năm mà không làm đại lễ 2.000 năm cho Thủ đô của mình?! Cổ Loa bây giờ vẫn là một phần của Hà Nội cơ mà...”. Theo tôi, ý kiến này rất đáng để lưu ý cho tương lai.

Đầu thập niên 2000, một nữ nhà văn Việt chỉ sau lần duy nhất tới thăm gia đình anh khi về đã viết cả một truyện ngắn, trong đó có đoạn mô tả: “Họ, hai vợ chồng người Nga... chồng già vợ trẻ tóc hoe, mắt xanh xám, to béo, có cái nhìn nồng nhiệt và hiền lành...”. Trong cuộc gặp đầu tháng 10-2023, Tsvetov vẫn nhớ tới đoạn mô tả này và vẫn giữ sự ấm ức như lưu cữu lại trong lòng từ lâu: “Tại sao cô nhà văn xinh đẹp ấy lại bảo tôi già?!”. Anh khoe: “Em nhìn xem, tôi bây giờ hơn 70 rồi mà trông ai cũng bảo chưa tới 60...”. Rồi anh cười, hồn nhiên, lôi cuốn... Và anh cũng khen tôi: “Trông em dạo này cũng trẻ ra...”.

2. Piotr Tsvetov sinh năm 1951. Duyên kỳ ngộ, ngay từ hồi trẻ, anh đã chọn Việt Nam là điểm đến cho con đường trau dồi tri thức của mình và năm 1973, đã tốt nghiệp Viện Nghiên cứu Á-Phi thuộc Đại học Quốc gia Moscow mang tên M.Lomonosov (MGU). Anh đã thâu nhận được vô số hiểu biết sâu sắc về lịch sử Việt Nam trong mối quan hệ đa dạng và phức tạp ở châu Á nói riêng và trên trường quốc tế nói chung. Anh tham gia giảng dạy tại nhiều giảng đường nổi tiếng như: Học viện Ngoại giao MGU, Viện Nghiên cứu Thực hành phương Đông, Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moscow... Anh cũng từng là phóng viên của Tạp chí Á-Phi ngày nay, Liên bang Nga ngày nay và Báo Pravda...

Những năm gần đây, anh công tác tại Văn phòng Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Nga. Hiện nay, anh vẫn tích cực tham gia công tác giảng dạy về phương Đông cho thế hệ sinh viên ngoại giao trẻ và vẫn tích cực viết báo. Có lẽ ở Nga hiện nay, Piotr Tsvetov là tác giả viết đều nhất, kịp thời nhất và nhiều nhất các bài báo liên quan tới tình hình Việt Nam và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều thông tin mà anh đưa ra rất lý thú và bất ngờ. Các lập luận mang tính khoa học cao và thiện chí lớn đối với đất nước và con người Việt Nam.

Gần như là mọi sự kiện quốc tế đáng kể liên quan tới Việt Nam đều được anh phản ánh, phân tích rất kịp thời và sâu sắc trong các bài viết công bố trên Báo Gazeta-Pravda, cơ quan của Đảng Cộng sản Liên bang Nga và trên Tạp chí Sputnik. Anh luôn có một góc nhìn đầy sự thấu hiểu và đồng cảm với người Việt, ngay cả trong những vấn đề quốc tế đa phương và nhạy cảm nhất. Anh cũng có nhiều bài báo hay về lịch sử quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô và với nước Nga. Chính nhờ những tìm tòi tư liệu và cách nhìn nhận vấn đề thấu đáo của anh mà độc giả Nga và Việt Nam biết rõ hơn về lý do khiến Bác Hồ đã không gặp được trực tiếp lãnh tụ cách mạng vô sản thế giới V.I.Lênin, mặc dù khi Người đặt chân lên lãnh thổ Liên Xô thì Lênin vẫn còn sống.

Và với vai trò một nhà nghiên cứu lịch sử, anh Tsvetov đã đưa ra nhận định: “Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh không gặp lãnh tụ Lênin có tác động gì chăng đối với vận mệnh của cách mạng Việt Nam? Tôi nghĩ, không mấy ảnh hưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự mình đến với chân lý cách mạng vô sản và lãnh đạo Đảng cùng nhân dân nước mình đi theo con đường mà Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga đã vạch ra. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh làm điều đó không phải là bắt chước nhà lãnh đạo của giai cấp vô sản thế giới một cách mù quáng hay giáo điều, mà bằng tài năng thông tuệ kiệt xuất đã nghiên cứu và đánh giá tính đúng đắn của học thuyết Mác-Lênin, chiến lược và chiến thuật của những người Bolshevik ở nước Nga Xô viết, để rồi vận dụng sáng tạo tại Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy làm tiếc rằng đã không có cơ duyên gặp gỡ Lênin trên đất Nga...”.

Bài và ảnh: HỒNG THANH QUANG