Người dám lao vào chỗ khó

Kể từ khi nhận thông báo từ Tổng thư ký LHQ Guterres hôm 26-12-2023, bà Kaag rối bời cảm xúc. Một mặt, bà háo hức khi thu xếp chuyển nhà đến Amman (Jordan) để tiếp nhận công việc mới, mặt khác, bà có chút lo lắng về công việc liên quan tới điều phối viện trợ ở dải Gaza-nơi đang xảy ra xung đột ác liệt kể từ ngày 7-10-2023. Nhưng những lo lắng trên không khiến người phụ nữ 62 tuổi chùn bước. 30 năm làm việc trong các tổ chức của LHQ, bà đã tích cóp cho mình nhiều kinh nghiệm để xử lý những vấn đề khó khăn, phức tạp.

leftcenterrightdel
 Bà Sigrid Kaag. Ảnh: RVD

 

Sigrid Kaag sinh ra trong một gia đình Công giáo ở Rijswijk , Hà Lan. Bà từng tốt nghiệp các trường: Đại học Mỹ ở Cairo (Ai Cập), Oxford (Anh) và ENA ở Paris (Pháp). Bà Kaag bắt đầu làm việc cho các tổ chức của LHQ từ năm 1994. Từ năm 1998 đến 2004, bà giữ các vị trí trong Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Chương trình cứu trợ LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) tại Jerusalem. Bà Kaag đã nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo trong hệ thống LHQ như: Phó tổng thư ký Chương trình phát triển LHQ (UNDP) từ năm 2010 đến 2013; Giám đốc khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Jordan từ năm 2007 đến 2010. Từ năm 2013 đến 2015, bà là Điều phối viên đặc biệt của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) và Phái bộ giám sát của LHQ tại Syria (UNSMIS). Tại đây, bà cùng hàng trăm chuyên gia chịu trách nhiệm bảo đảm phá hủy kho vũ khí hóa học được cho là của Syria. Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã ca ngợi việc phá hủy kho vũ khí hóa học trên là một “thành tựu quan trọng”. Sau đó, bà Kaag tiếp tục được bổ nhiệm là Điều phối viên đặc biệt của LHQ tại Lebanon từ năm 2015 đến 2017-giai đoạn được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Syria. Ở cương vị nào, bà cũng làm việc hết khả năng của mình. Với năng lực và những kết quả đạt được trong công việc, bà Kaag được mọi người đặt cho biệt danh: “Người đàn bà thép” của Hà Lan. 

Một trong những điểm thuận lợi khi làm việc ở nước ngoài là bà Kaag đọc thông, viết thạo 6 ngôn ngữ. Ngoài tiếng mẹ đẻ, bà còn thông thạo các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Arab và Tây Ban Nha. Bà Kaag từng học tiếng Arab tại Đại học Utrecht trước khi theo đuổi các khóa học về nghiên cứu Trung Đông tại Anh và Ai Cập.

Trở về Hà Lan vào năm 2017, bà Kaag nhanh chóng có một vị trí trong bộ máy chính quyền. Bà được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Thương mại và Hợp tác phát triển Hà Lan từ tháng 10-2017 đến tháng 5-2021 và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho đến tháng 9-2021. Gần đây nhất, bà giữ chức Phó thủ tướng thứ nhất và là nữ Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên trong Chính phủ Hà Lan vào tháng 1-2022. 

Phần lớn thời gian làm việc của bà Kaag gắn với khu vực Trung Đông. Gia đình bà cũng có mối liên hệ mật thiết với Nhà nước Palestine. Chồng bà, ông Anis al-Qaq, 76 tuổi, từng là Thứ trưởng dưới thời Tổng thống Palestine Yasser Arafat giai đoạn 1994-2003 và là Đại sứ Palestine tại Thụy Sĩ những năm 2003-2009. Theo phương tiện truyền thông Al-Monitor, vợ chồng bà Kaag đã nhận nuôi đứa con út trong số 4 đứa con của họ tại trại trẻ mồ côi ở Bethlehem.

Sứ mệnh không giống ai

Quyết định bổ nhiệm bà Kaag làm Điều phối viên cấp cao về nhân đạo và tái thiết tại dải Gaza được Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đưa ra ngày 27-12-2023, sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết then chốt liên quan tới cuộc xung đột tại dải Gaza. Nghị quyết trên kêu gọi các bên tuân thủ nghĩa vụ luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân đạo quốc tế; tăng cường cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp, an toàn và không bị cản trở một cách trực tiếp cho dân thường Palestine ở dải Gaza; trả tự do cho các con tin ngay lập tức và vô điều kiện; nhanh chóng thiết lập một cơ chế của LHQ để đẩy nhanh những chuyến hàng viện trợ nhân đạo đến dải Gaza thông qua các quốc gia không tham gia vào cuộc xung đột.

Quyết định bổ nhiệm trên được nhiều nước, trong đó có Mỹ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất ủng hộ. “Tôi tin rằng, bà Kaag có kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để thực hiện sứ mệnh không giống ai. Hà Lan tự hào về bà Kaag”, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố. Trong khi đó, một quan chức Chính phủ Hà Lan nói với CNN rằng, bà Kaag “rất phù hợp” cho vai trò này. “Bà ấy là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, hiểu rõ về Trung Đông và còn nói được tiếng Arab”, vị quan chức này nói. 

Việc bổ nhiệm bà Kaag làm Điều phối viên cấp cao về nhân đạo và tái thiết tại dải Gaza diễn ra trong bối cảnh người dân ở đây đang phải đối mặt với “thảm họa nhân đạo thảm khốc”, theo như lời người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus miêu tả sau chuyến thăm gần đây. Ông Tedros nêu rõ: “WHO mới cung cấp vật tư cho hai bệnh viện trong ngày 27-12. Tuy nhiên, 21 trong số 36 bệnh viện ở dải Gaza không còn hoạt động. Các báo cáo ghi nhận nhu cầu thực phẩm tiếp tục là vấn đề cấp bách trên khắp dải Gaza. Bên cạnh đó, khả năng cung cấp thuốc, vật tư y tế và nhiên liệu cho bệnh viện của WHO đang ngày càng bị hạn chế bởi nạn đói và tâm lý tuyệt vọng của người dân”. Theo Tổng giám đốc WHO, sự an toàn của đội ngũ nhân viên cứu trợ nhân đạo và khả năng duy trì hoạt động hỗ trợ liên tục phụ thuộc vào việc có nhiều thực phẩm hơn được chuyển đến toàn bộ dải Gaza ngay lập tức.

Kể từ khi xảy ra xung đột, Israel chỉ cho phép một số lượng hạn chế xe tải chở viện trợ nhân đạo vào dải Gaza qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập. LHQ mô tả số hàng viện trợ này là “nhỏ giọt” và không thể đáp ứng được nhu cầu của dân số hơn 2 triệu người. Tổng thư ký LHQ Guterres cũng cáo buộc các chiến thuật của Israel ở dải Gaza, bao gồm việc ném bom dữ dội từ trên không, là “tạo ra những trở ngại lớn cho việc phân phối viện trợ nhân đạo bên trong Gaza". Về phần mình, trong một bài phát biểu hồi tháng trước, bà Kaag nhấn mạnh sự cần thiết của “việc viện trợ nhân đạo đầy đủ” đến dải Gaza.

Trong vai trò mới, nhiệm vụ của bà Kaag là phải tạo ra một cơ chế thúc đẩy nhanh quá trình vận chuyển viện trợ vào dải Gaza, đồng thời tạo điều kiện điều phối, giám sát, xác minh nỗ lực cứu trợ cũng như bảo đảm các xe tải vận chuyển hàng viện trợ vào Gaza không mang theo vật liệu phi nhân đạo. “Hòa bình, an ninh và công lý luôn là động lực của tôi. Tôi đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ đặc biệt này”, bà Kaag tuyên bố.

HUYỀN ANH