Biến ước mơ thành hiện thực
Nếu ngô là cây lương thực quan trọng, lúa mì là ngũ cốc chính của 1/3 dân số thế giới thì riêng gạo đã nuôi sống một nửa thế giới. Từ một đất nước thiếu thốn lương thực nhưng với việc nhà khoa học Viên Long Bình tìm ra các giống lúa mới, Trung Quốc đã trở thành quốc gia tự chủ được nguồn lương thực, đáp ứng nhu cầu của người dân nước này. Cũng vì lẽ đó, Viện sĩ Viên Long Bình là một trong những nhà khoa học được kính trọng nhất ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Sinh ra tại Bắc Kinh vào ngày 7-9-1930, Viên Long Bình là con trai của một quan chức đường sắt và giáo viên tiếng Anh. Do chiến tranh, gia đình Viên Long Bình thường xuyên di chuyển chỗ ở. Thời trẻ, Viên Long Bình theo học ngành nông học tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp Tây Nam ở Trùng Khánh. Năm 1953, ông tốt nghiệp và trở thành giảng viên của một trường cao đẳng nông nghiệp ở tỉnh Hồ Nam. Vào thời kỳ đó, ngô lai năng suất cao đã được đưa vào sản xuất nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu lương thực ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Vì thế, Viên Long Bình tìm cách làm điều gì đó tương tự với cây lúa.
Cuối thập niên 1950, nhà khoa học trẻ họ Viên có thêm động lực cho chương trình nghiên cứu của mình sau khi Chính phủ Trung Quốc phát động một chiến dịch nhằm đưa công nghiệp về nông thôn, dẫn tới tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. “Vào thời điểm đó, ngũ cốc thậm chí còn quý hơn vàng. Tôi chưa bao giờ no bụng trong suốt thời gian đó và ký ức đó không thể nào quên được”, Viện sĩ Viên Long Bình chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nhân dân nhật báo năm 2011. Viện sĩ cho biết, thời đó, ông đã nhìn thấy ít nhất 5 người nằm gục bên đường, chết vì đói. Trong một cuốn tự truyện, ông Viên kể lại rằng một số người đã cố gắng chống lại cơn đói bằng cách ăn rễ cỏ và vỏ cây hoặc hấp cơm hai lần khiến nó nở ra.
Chính lý do đó khiến nhà khoa học Viên Long Bình dồn hết tâm sức của mình vào nghiên cứu giống lúa mới. Vào giữa thập niên 1960, nhà khoa học này kết luận rằng, dòng lúa bất dục đực là chìa khóa để tạo ra một dòng lúa lai có năng suất cao. Để củng cố cho kết luận trên, ông Viên đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu và đến năm 1970, ông và các cộng sự quyết định trồng thử nghiệm giống lúa mới trên đảo Hải Nam.
Sử dụng cây trồng ở Hải Nam và áp dụng kỹ thuật chuyển đổi gene, nhóm nghiên cứu do ông Viên đứng đầu đã phát triển thành công giống lúa lai mới vào năm 1973. Giống lúa lai này cho năng suất lúa cao hơn 20% so với các giống truyền thống. Việc mở rộng trồng lúa lai quy mô lớn được triển khai từ năm 1976. Hiện nay, khoảng 16 triệu héc-ta đất nông nghiệp ở Trung Quốc trồng giống lúa lai này, chiếm 57% tổng diện tích trồng lúa trên cả nước, qua đó giúp nuôi sống thêm 80 triệu người mỗi năm.
Với thành công và đóng góp này, nhà nông học Viên Long Bình được coi là "cha đẻ" của giống lúa lai, góp phần đưa Trung Quốc trở thành một trong những nước sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới. Tờ New York Times của Mỹ dẫn lời ông Jauhar Ali thuộc Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) tại Philippines, khi đó đã ca ngợi rằng: “Người Trung Quốc đã dẫn đầu cuộc chơi. Hơn hết, không giống như các nhà khoa học khác, Viên Long Bình quyết định áp dụng các kết quả nghiên cứu của mình rất nhanh chóng”.
Tuy nhiên, ông Viên chỉ nhận mình là một “nông dân trí thức”. Mỗi ngày, ông dành vài giờ trên đồng ruộng, đôi khi nằm nghỉ ngay tại cánh đồng để cảm nhận “dàn nhạc lúa” chơi vĩ cầm vào giữa trưa hè.
Lúa lai vươn tầm thế giới
Mặc dù giải quyết được tình trạng khủng hoảng thiếu lương thực đã gắn liền với quá khứ của Trung Quốc nhưng nhà nông học Viên Long Bình còn có tham vọng lớn hơn nhiều, đó là giải cứu thế giới khỏi nạn đói. Do đó, thay vì giới hạn công nghệ trồng lúa và kỹ thuật trồng lúa của mình ở Trung Quốc, ông Viên đã thúc đẩy việc chia sẻ chúng với thế giới. Ông hợp tác với Liên hợp quốc; gửi các giống lúa tặng IRRI để viện nghiên cứu này phát triển các giống lúa lai trồng ở những nước nhiệt đới; tổ chức các khóa tập huấn cho nông dân ở Ấn Độ, Madagascar và các nơi khác cách trồng lúa lai nhằm cung cấp nguồn lương thực cho người dân những khu vực có nguy cơ đói kém cao. Lúa lai sau đó xuất hiện ở hàng chục quốc gia tại châu Phi, châu Mỹ và châu Á, mang lại năng suất cao hơn lúa truyền thống.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ Nhân dân nhật báo cách đây 5 năm, nhà khoa học Viên Long Bình cho biết, ông đang có hai ước mơ. Một là, tạo ra “những cây lúa cao hơn đầu người”, trong đó “mỗi bông lúa to bằng cái chổi và mỗi hạt to bằng một hạt đậu phộng”. Hai là, tạo ra giống lúa lai có thể được trồng rộng rãi trên khắp thế giới để giải quyết tình trạng khan hiếm lương thực trên toàn cầu. “Tôi ước mơ được tận hưởng sự mát mẻ dưới bóng những cây lúa cao hơn đầu người”, Viện sĩ Viên Long Bình nói với truyền thông trong nước.
Với nỗ lực không mệt mỏi, Viện sĩ Viên Long Bình đã biến ước mơ thành hiện thực. Theo tờ Nhân dân nhật báo, Trung Quốc hiện có tới 100 triệu héc-ta đất mặn kiềm, nhưng trong số này chỉ có 18,7 triệu héc-ta có thể được sử dụng để trồng lúa. Trước thực tế trên, ông Viên và các cộng sự đã nghiên cứu trồng loại “lúa biển” có thể trồng được trên đất mặn kiềm tại thành phố Hàm Đan thuộc tỉnh Hà Bắc. Tháng 9-2017, nhóm nghiên cứu đã tuyên bố thành công trong việc cấy trồng loại lúa có tên Xiangliangyou 900, cho sản lượng trung bình 17,2 tấn/héc-ta.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng trồng thành công loại lúa khổng lồ cao tới 2,2m, cho sản lượng nhiều hơn 50% so với những loại lúa thường. Để trồng cấy loại lúa khổng lồ này, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã sử dụng hàng loạt công nghệ mới, trong đó bao gồm biện pháp đột biến quy nạp và lai giống giữa các cây lúa mọc hoang dã.
Những năm gần đây, trọng tâm của các dự án lúa lai của nhà nông học Viên Long Bình đã thay đổi, chuyển từ tăng sản lượng sang phát triển xanh và bền vững. Năm 2017, một dòng gạo indica có hàm lượng cadmium thấp do nhóm của ông và Viện Khoa học Nông nghiệp tỉnh Hồ Nam phát triển đã có thể làm giảm hơn 90% lượng cadmium trung bình trong gạo ở những vùng bị ô nhiễm kim loại nặng.
Viện sĩ Viên Long Bình từng nhận định, so với năm 1995, đến năm 2030, số gạo cần sản xuất sẽ tăng thêm 60%. Hiện tại, một héc-ta lúa cung cấp đủ lương thực cho nhu cầu của 27 người. Nhưng đến năm 2050, một héc-ta sẽ đáp ứng được cho 43 người. “Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, trên toàn cầu vẫn còn hơn 820 triệu người thiếu đói vào năm 2018. Và nếu lúa lai được trồng trên một nửa diện tích trong tổng số 147 triệu héc-ta đất lúa trên thế giới, thì chỉ riêng năng suất tăng thêm đã có thể nuôi sống được 500 triệu người”, Viện sĩ Viên Long Bình nói.
Với những đóng góp của mình, năm 2004, Viện sĩ Viên Long Bình cùng với nhà nghiên cứu lúa gạo Monty Jones của Sierra Leone được Liên hợp quốc trao Giải thưởng Lương thực Thế giới vì có đóng góp trong việc “tạo ra một nguồn cung cấp lương thực dồi dào hơn và bền vững hơn cho thế giới”. Trước đó, nhà khoa học Trung Quốc này cũng được coi là nhà lãnh đạo của cuộc Cách mạng xanh. Tên của ông được dùng đặt cho 4 thiên thể ngoài vũ trụ. Ngày 3-6-2008, ông vinh dự là người rước đuốc Olympic trong một sự kiện tiếp sức được tổ chức ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc.
Mặc dù thành công mang lại sự nổi tiếng, nhưng Viện sĩ Viên Long Bình sống rất khiêm tốn và giản dị. Đồng nghiệp của ông cho biết, ông là người tiết kiệm, ngay cả bộ đồ đắt nhất của ông cũng không bao giờ vượt quá 800 nhân dân tệ. Khi đi làm việc, Viện sĩ Viên Long Bình yêu cầu toàn bộ tiến sĩ do ông đào tạo đều phải xuống ruộng. Nhà khoa học này từng nói rằng: "Máy tính rất quan trọng, sách vở rất quan trọng, nhưng sách vở không trồng ra được lúa nước, không trồng được lúa mì. Chúng ta hiện nay có một số tiến sĩ nặng về lý luận mà coi nhẹ thực hành, nắm được nhiều kiến thức từ sách vở, nhưng không có thực tiễn thì chẳng làm được gì”. Viện sĩ Viên Long Bình tiên đoán việc tận dụng công nghệ sinh học để ươm giống cây nông nghiệp là định hướng phát triển và xu thế tất yếu trong tương lai. Đối với thực phẩm từ công nghệ biến đổi gene, ông nói cần có thái độ thận trọng, không nên phủ nhận hoàn toàn.
Tháng 3 vừa qua, trong chuyến công tác tại một trung tâm giống lúa ở miền Nam Trung Quốc, Viện sĩ Viên Long Bình bị ngã và phải nhập viện. Dù nằm trên giường bệnh, nhưng ông vẫn theo dõi thời tiết và mùa màng thông qua các cộng sự và học trò của mình. Ngày 22-5, ông qua đời do suy đa tạng, thọ 91 tuổi. Trong lời chia buồn sâu sắc, Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) viết: "Vô cùng đau buồn trước sự ra đi của Giáo sư Viên Long Bình-người thầy kính yêu của tôi. Ông đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu lúa lai, giúp hàng tỷ người có được an ninh lương thực. Ông là người hùng lương thực không chỉ với Trung Quốc mà cả thế giới".
MINH ANH