“Tôi đã trở nên hụt hẫng vì tôi không còn nhiều thời gian nữa. Cơ bắp chân của tôi đã trở nên yếu hơn do teo cơ, sau đó cơ thể tôi sẽ mất dần cảm giác. Tôi phải chạy đua, cạnh tranh với thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng”, bác sĩ Zhang Dingyu, 57 tuổi, Giám đốc Bệnh viện Kim Ngân Đàm tại Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc nói. Ông cùng với hơn 600 đồng nghiệp đã chiến đấu tại bệnh viện trong suốt một tháng kể từ khi nhận được vài trường hợp viêm phổi đầu tiên, căn bệnh gây ra bởi một chủng mới của virus Corona (nCoV).
    |
 |
Bác sĩ Zhang Dingyu tại Bệnh viện Kim Ngân Đàm ở Vũ Hán, Trung Quốc. |
Vào tháng 10-2018, bác sĩ Zhang Dingyu được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên, căn bệnh tấn công vào các tế bào thần kinh kiểm soát cơ bắp. Trong tháng vừa qua, bác sĩ Zhang Dingyu thường đi ngủ vào khoảng 2 giờ sáng. Giấc ngủ của ông kéo dài khoảng 2 tiếng, rồi ông lại tỉnh dậy để trả lời các cuộc gọi về những trường hợp khẩn cấp của bệnh nhân. Điều khiến vị bác sĩ tận tụy và kiên cường bật khóc là chính vợ ông cũng bị nhiễm nCoV khi làm việc tại một bệnh viện khác ở Vũ Hán. Bà được điều trị và hiện đã hồi phục.
“Tôi nhớ đó là ngày 13-1. Tôi về nhà rất muộn và nói chuyện với cô ấy về một bệnh nhân đang cố gắng thở sau một cơn động kinh. Vợ tôi nói với tôi rằng cô ấy có các triệu chứng tương tự”-ông kể. Bác sĩ Zhang Dingyu cảm thấy có lỗi khi vợ mình được xác nhận là đã bị nhiễm bệnh. “Có thể tôi là một bác sĩ giỏi nhưng không phải là một người chồng tốt”-ông Zhang Dingyu nói. Ông cho biết, hai người đã kết hôn được 28 năm và điều ông sợ nhất là mất đi người bạn đời của mình.
Bác sĩ Zhang Dingyu và ê kíp của mình đã được thay ca vào ngày 31-1, khi đoàn viện trợ y tế gồm 150 người từ Đại học Quân y Trung Quốc đến bệnh viện. “Trong tháng vừa qua, chúng tôi đã quá tải. Thông thường, các y tá thay đổi ca mỗi hai giờ nhưng gần đây đã kéo dài đến 4 hoặc thậm chí 5 giờ, chưa kể số giờ các bác sĩ phải làm. Kiệt sức về thể chất sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh. Bây giờ, tình hình đã trở nên tốt hơn”-ông nói.
Còn Wu Xing, người làm việc trong phòng thí nghiệm lâm sàng ở Vũ Hán cho biết: “Tháng 12 là cao điểm của bệnh cúm ở Vũ Hán. Chúng tôi đã làm việc suốt ngày đêm và đã rất mệt mỏi. Vì vậy, khi dịch viêm phổi do virus Corona xảy ra, điều đó giống như một sự suy sụp tinh thần đối với chúng tôi”.
Theo Wu, những chuyên gia y tế tại các bệnh viện ở Vũ Hán và nhiều thành phố khác ở Hồ Bắc đang rất cần các thiết bị bảo hộ đáp ứng các tiêu chuẩn y tế, đặc biệt là khẩu trang N95 và quần áo bảo hộ. Trước khi các trang thiết bị bảo hộ mới đến, những bác sĩ và y tá ở một số bệnh viện phải sử dụng khẩu trang y tế thông thường, mũ tắm, kính bơi và áo mưa để tự bảo vệ mình. Các trang thiết bị bảo hộ đặc biệt như vậy chỉ được sử dụng trong những tình huống dịch bệnh nghiêm trọng, như dịch SARS năm 2003, do đó, số lượng sản xuất ở Trung Quốc rất hạn chế. Khi nCoV xuất hiện đột ngột, cung và cầu không cân bằng nên phải mất nhiều thời gian để cung cấp đủ quần áo bảo hộ.
“Quần áo bảo hộ thường có thể phân hủy được và Vũ Hán có hơn 100.000 nhân viên y tế, vì vậy nhu cầu rất lớn. Tôi hy vọng sẽ có những nhà cung cấp quần áo bảo hộ thường xuyên để chúng tôi có cảm giác an toàn, bởi vì những người lính tiền tuyến không thể ngã bệnh”-Wu nói.
Cô kêu gọi xã hội quan tâm tới những nhân viên vệ sinh và nhân viên bảo vệ, những người vẫn đang làm việc trong các bệnh viện của Vũ Hán giữa tâm dịch. “Họ là người già, không biết sử dụng internet và có thu nhập thấp hơn, họ cần sự giúp đỡ. Ngoài ra, các nhân viên vệ sinh phải xử lý chất thải y tế, có nghĩa là phải chịu rủi ro cao hơn nên họ cần nhiều khẩu trang”-cô cho biết.
    |
 |
Một bệnh nhân đang hồi phục đưa ra ý kiến cho các nhân viên y tế tại Bệnh viện Trung Nam của Đại học Vũ Hán, ngày 30-1-2020. Ảnh: China Daily |
Với Wu, giờ đây, cô đau lòng khi thấy những con đường vắng vẻ của Vũ Hán. Vũ Hán không phải là một thị trấn ma, mà là nơi cô đã sinh ra và lớn lên. Cô cảm thấy buồn cho Vũ Hán, nhưng cô tin thành phố sẽ phục hồi bởi công dân Vũ Hán có tinh thần đoàn kết. Một số tình nguyện viên chấp nhận rủi ro đưa đón bác sĩ và y tá từ nhà đến nơi làm việc, mang thức ăn và vật liệu y tế đến bệnh viện bằng ô tô riêng.
Wu chỉ về nhà một lần một tuần. Việc đầu tiên cô làm là đi tắm và giặt quần áo bằng chất khử trùng trong chậu riêng. “Các đồng nghiệp của tôi và tôi không sợ bị nhiễm virus, nhưng chúng tôi sợ rằng con cái hoặc cha mẹ của chúng tôi sẽ bị nhiễm bệnh. Người cao tuổi thường có nguy cơ tử vong cao hơn. Vì vậy, chúng tôi không dám về nhà để gặp họ”-cô chia sẻ.
Đến nay, đã có thêm nhiều nghìn chuyên gia y tế từ khắp lục địa Trung Quốc đến Hồ Bắc để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị cho những người bị nhiễm nCoV.
PHƯỢNG NGUYỄN