QĐND - Trước bối cảnh những nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng khan hiếm, việc tìm kiếm những nguồn năng lượng có khả năng tái tạo là bước tiến tất yếu của giới khoa học.

Mới đây nhất, các nhà khoa học Nga đã khai thác phương pháp sản xuất điện từ những vật dụng thông thường nhất. Ví dụ, đôi giày hoặc tấm thảm đều có thể biến thành máy phát điện mi-ni. Cơ sở của phát minh này là kỹ thuật áp điện. Đó chính là một kiểu hộp xi-lanh sứ làm từ các loại bột khác nhau được xử lý ở nhiệt độ cao. Trong quá trình nén hay va chạm, các thành phần áp điện tạo ra tia lửa và tạo ra điện năng.

Lắp đặt tấm IPEG PAD. Ảnh: Ubergizmo

 

Ông Lê-ôn-nít Y-u-phê-rép, Chủ nhiệm phòng thí nghiệm thuộc Viện Nghiên cứu điện khí Nga cho biết, công nghệ sản xuất năng lượng bằng các thành phần áp điện được nghiên cứu, không chỉ tập trung chiếu sáng đường giao thông mà phục vụ cả cho xe ô tô điện. Theo đó, ống dẫn sóng được cài đặt vào nền đường phát ra năng lượng có tần số thấp vô hại đối với sức khỏe. Một bộ thu không dây trên chiếc xe sẽ chuyển đổi năng lượng sóng thành dòng điện một chiều, cung cấp điện cho xe. Như vậy, chiếc xe chuyển động sẽ tự sản xuất ra điện.

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Pua-đu, Mỹ, cũng đã sáng tạo một hệ thống độc đáo có thể hấp thu nhiệt từ khói thải của ô tô để tạo ra điện và đồng thời làm giảm bớt sự tiêu thụ nhiên liệu của chiếc xe. Lượng điện được tạo ra này sẽ cung cấp điện trở lại cho bình điện trên xe giúp giảm tải cho động cơ và từ đó giảm được sự tiêu hao nhiên liệu.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu của hãng IBM đã sáng tạo ra một loại tế bào năng lượng mặt trời được làm bằng những nguyên liệu rẻ tiền và dễ kiếm. Tầng hấp thu ánh sáng mặt trời và chuyển đổi thành điện năng được làm bằng đồng đỏ, thiếc, kẽm, lưu huỳnh và selen. Tuy nhiên, đại bộ phận của tế bào còn trong vòng xử lý để đạt được hiệu quả cao nhất.

Mới đây, hãng Innowattech đã nghiên cứu chế tạo những thiết bị phát điện áp điện có thể được sử dụng như tấm đệm đường ray thông thường, nhưng có thể tạo ra năng lượng tái tạo vào bất cứ khi nào con tàu chạy ngang qua chúng. Công ty đã tiến hành thay thế 32 tấm đệm đường ray bằng những tấm IPEG PAD mới để thử nghiệm công nghệ. Tốc độ con tàu và đường kính bánh xe cũng được tính toán. Thử nghiệm cho thấy, những tấm IPEG PAD mới có khả năng tạo ra 120KW/giờ điện tái tạo trong một giờ để sử dụng cho con tàu hay chuyển sang cho lưới điện thông thường.

Thành phố Đu-ban của Nam Phi đang xem xét một dự án táo bạo nhằm khai thác dòng hải lưu A-gun-hát chảy nhanh về phía bắc tại Ấn Độ Dương để sản xuất điện. Hệ thống nguyên mẫu, được đặt tên là Oceanus, sẽ sử dụng các máy phát điện nổi có chiều cao tương đương tòa nhà 5 tầng, neo vào đáy biển, cách mặt biển khoảng 1000m để không cản trở việc đi lại trên biển.

Người đứng đầu Cơ quan xúc tiến đầu tư Đu-ban, ông Rút-xen Cu-tít cho biết, cần phải hoàn thành những nghiên cứu về ảnh hưởng môi trường và nếu không có sự phản đối, Đu-ban sẽ là khách hàng đầu tiên được mua điện từ dự án này. Tuy nhiên, ông cũng tin tưởng rằng nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng môi trường sẽ chứng minh tính khả thi của dự án, vì các cánh quạt tuốc-bin quay rất chậm và khoảng cách giữa những cánh quạt lên đến 2m, cho phép các loài cá sống tại những tầng nước sâu hơn bơi qua. Các tổ hợp máy phát cũng được đặt cách mặt biển tới 1000m để không ảnh hưởng đến các tuyến đường biển, và thường cách bờ biển tới 30-40km. Các máy phát cũng dự kiến được đặt bên lề dòng hải lưu A-gun-hát, chứ không phải ở giữa để tận dụng sức mạnh của dòng hải lưu. Thêm vào đó, tổ hợp Oceanus sẽ không gây ồn, làm phiền đến các sinh vật biển như cá heo và cá voi.

Nếu dự án Đu-ban được xây dựng, đây sẽ là nhà máy điện hải lưu đầu tiên trên thế giới và nếu thành công, có thể trở thành nguyên mẫu để lắp đặt các hệ thống như vậy trên khắp thế giới.

NGUYỄN VĂN HÀ (Theo Scence và ABC)