Trong thư gửi Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Na Uy Berit Reiss-Andersen mới đây, WPC cho rằng: “Đại dịch Covid-19 là một ví dụ cho thấy sự cần thiết của tình đoàn kết quốc tế trong việc thúc đẩy hòa bình và xoa dịu nỗi đau của người dân trong những trường hợp khẩn cấp”. WPC đề nghị công nhận “nỗ lực can đảm và sự gương mẫu” của đoàn bác sĩ mang tên Henry Reeve-một chiến sĩ quốc tế người Mỹ hy sinh vì cuộc đấu tranh giành độc lập đầu tiên của Cuba (1868-1878).

“Biệt đội áo trắng” là một cách gọi của đoàn y tế tình nguyện quốc tế Cuba, được chính lãnh tụ cách mạng vĩ đại Cuba Fidel Castro thành lập ngày 19-9-2005 để sẵn sàng giúp đỡ khắc phục hậu quả cơn bão Katrina tại bang New Orleans của Mỹ. Đoàn cũng tham gia cứu trợ y tế và thảm họa ở nhiều nước trên thế giới kể từ sau khi thành lập. Theo thống kê chính thức, chỉ riêng trong nhiệm vụ đối phó với đại dịch Covid-19, hiện tại đoàn y tế Henry Reeve gồm 3.700 chuyên gia y tế, được chia thành 46 nhóm, hoạt động tại 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Còn theo thống kê của WPC, đoàn đã tham gia giúp đỡ hỗ trợ các nạn nhân của 16 trận lụt, 8 cơn bão lớn, 8 trận động đất và 4 đại dịch y tế trên khắp thế giới.

leftcenterrightdel
Đoàn y sĩ, bác sĩ Cuba tới hỗ trợ Italy trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

WPC ca ngợi “Biệt đội áo trắng” Cuba là một ví dụ chân thật nhất về tình hữu nghị quốc tế. Biệt đội Henry Reeve đã hoạt động trên tinh thần đó từ rất lâu, trước cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát. WPC cũng khẳng định công việc của đoàn y tế tình nguyện Cuba không chỉ mang tính tình thế mà là một phần của “truyền thống lâu năm của Cuba trong việc chăm sóc đầy tính nhân văn tới các dân tộc khác, bất chấp việc phải chịu đựng những trừng phạt vô cùng nặng nề từ hơn 6 thập kỷ qua và từng tước đi nhiều quyền lợi chính đáng của người dân Cuba”.

Phát huy chủ nghĩa đoàn kết quốc tế trong hoạt động y tế từ thập niên 1960, các hoạt động nhân đạo quốc tế của “Biệt đội áo trắng” Henry Reeve đã phản ánh đúng tinh thần của một chiến sĩ quốc tế. Trong đó phải kể tới việc Cuba thường xuyên cử các y sĩ, bác sĩ tới những quốc gia đang phát triển để trợ giúp y tế, điển hình như trong dịch tả tại Haiti và dịch Ebola ở Tây Phi. Nhưng lần đầu tiên, họ đã có mặt ở một quốc gia phát triển ở châu Âu là Italy hồi tháng 3 năm nay, đây cũng là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19. Chính phủ Cuba đã cử đoàn nhân viên y tế gồm 52 người đến Italy theo yêu cầu của chính quyền Bologna, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19.

Theo Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Na Uy Berit Reiss-Andersen, nền y học Cuba đã cung cấp, hỗ trợ y tế nhân đạo trong khoảng 60 năm qua, ngay cả khi nước này trải qua những thách thức kinh tế kéo dài nhiều thập kỷ và người dân trong nước gặp phải những khó khăn nghiêm trọng. “Người Cuba đã vượt qua rào cản này, chứng minh cho thế giới thấy cách tốt nhất để xây dựng hòa bình và cầu nối, để các dân tộc khác có cơ hội vượt qua thách thức của chính mình”, WPC khẳng định.

Theo thống kê, các đoàn y tế Cuba đang cứu giúp bệnh nhân Covid-19 ở 24 quốc gia Mỹ Latin và Caribe, 27 quốc gia ở châu Phi, hai quốc gia ở Trung Đông và 7 quốc gia ở khu vực châu Á trong nỗ lực ứng phó với Covid-19.

Đối với các thành viên của “Biệt đội áo trắng”, được tham gia trợ giúp các quốc gia đang trong tình trạng khẩn cấp là một niềm vinh dự, tự hào. Vượt lên nỗi sợ hãi, họ sẵn sàng nhận nhiệm vụ quốc tế bất cứ khi nào được giao. Leonardo Fernandez, một chuyên gia y tế chăm sóc tích cực, 68 tuổi chia sẻ: “Chúng tôi đều rất sợ, nhưng chúng tôi có sứ mệnh cao cả cần hoàn thành, vì thế, chúng tôi phải gạt bỏ nỗi sợ hãi sang một bên”.

Với sứ mệnh quốc tế cao cả, các “sứ giả nhân đạo” quốc tế trong “Biệt đội áo trắng” đã góp phần truyền đi thông điệp tốt đẹp về đất nước bên kia bán cầu: “Cuba với thế giới là những bác sĩ chứ không phải đạn bom”, như đích thân Chủ tịch Cuba Miguel Diáz-Canel tuyên bố khi ông thông báo về đề cử chính thức của WPC cho Giải Nobel Hòa bình danh giá. Những việc làm mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo cao cả mà các y sĩ, bác sĩ Cuba đã và đang làm cho thế giới, hoàn toàn xứng đáng được vinh danh. Nhưng lớn hơn cả giải thưởng cao quý đó chính là “phần thưởng từ trái tim” mà họ đã được trao từ lâu, đó chính là sự biết ơn và ghi nhận của những người dân cùng bạn bè quốc tế từ khắp nơi trên thế giới.

HẠNH NGUYÊN