Giải thưởng vì nỗ lực loại bỏ vũ khí hạt nhân

Nihon Hidankyo được thành lập năm 1956, tập hợp những người sống sót trên khắp Nhật Bản sau các vụ ném bom nguyên tử ở thành phố Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8-1945, còn được gọi là “hibakusha” trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là tổ chức “hibakusha” lớn nhất và có tầm ảnh hưởng nhất tại Nhật Bản.

Theo AFP, Nihon Hidankyo có nhiệm vụ ghi lại hậu quả tàn khốc của hai quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản vào ngày 6 và 9-8-1945, gây ra cái chết của 140.000 người ở Hiroshima và 74.000 người ở Nagasaki. Các vụ ném bom nguyên tử đã giải phóng bức xạ có hại trong ngắn hạn và dài hạn, khiến các “hibakusha” trong suốt quãng đời còn lại có nguy cơ cao mắc một số bệnh ung thư, đồng thời cô lập họ trong xã hội Nhật Bản, nơi từ lâu vẫn tồn tại niềm tin rằng “bệnh bức xạ” có tính lây lan. Bên cạnh đó, Nihon Hidankyo còn bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân, cung cấp hỗ trợ y tế, và vận động cho hòa bình, cũng như ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong tương lai.

leftcenterrightdel

   Ông Toshiyuki Mimaki, người đứng đầu tổ chức Nihon Hidankyo bật khóc khi hay tin tổ chức được trao giải Nobel Hòa bình 2024. Ảnh: AFP

 

Là ứng cử viên tiềm năng lâu năm cho giải Nobel Hòa bình, Nihon Hidankyo đấu tranh nhằm “ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và loại bỏ vũ khí hạt nhân” và ký kết một thỏa thuận quốc tế cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Một chiến dịch được xây dựng dựa trên những câu chuyện có thật của các thành viên, được Nihon Hidankyo gửi đi khắp thế giới, tới Liên hợp quốc và các quốc gia có vũ khí hạt nhân, từ đó chia sẻ về nỗi kinh hoàng của các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân cũng như hậu quả của chúng. 

Jiro Hamasumi, 78 tuổi, là một trong những “hibakusha” trẻ nhất của tổ chức Nihon Hidankyo. Ông kể, mẹ ông mang thai ông vào thời điểm Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima tháng 8-1945, cướp đi sinh mạng người cha thân yêu mà ông chưa từng gặp mặt. Sinh vào tháng 2-1946 và thoát khỏi hậu quả mà nhiều đứa trẻ phải gánh chịu do nhiễm phóng xạ trong bụng mẹ, những gì ông biết về vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima cách đây 79 năm đều do anh chị của ông kể: “Ánh sáng chói mắt, âm thanh chói tai từ vụ nổ quả bom mang tên Little Boy và nỗi kinh hoàng sau đó”, ông Hamasumi nói.

Với mong muốn thế giới không còn phải chứng kiến một thảm họa hạt nhân nào nữa, từ nhiều năm qua, ông Hamasumi đã đi vận động người dân chống lại các cuộc chiến sử dụng vũ khí hạt nhân.

Thông điệp đanh thép

Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc chiến tranh. Theo Chương trình dữ liệu xung đột của Đại học Uppsala (Thụy Điển), năm 2023 có tới 59 cuộc xung đột vũ trang trên thế giới, tăng gần gấp đôi so với năm 2009. Với tình hình đó, nhiều người dự đoán giải Nobel Hòa bình 2024 có thể sẽ vinh danh những cá nhân hoặc tổ chức đang nỗ lực bảo vệ trật tự thế giới, như Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Cơ quan Cứu trợ và hành động của Liên hợp quốc (UNRWA) hoặc Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Thậm chí, một số chuyên gia bi quan cho rằng, có thể sẽ không có người nhận giải Nobel Hòa bình năm nay. Tuy nhiên, Ủy ban Nobel Na Uy khẳng định việc tôn vinh những nỗ lực hòa bình “có lẽ quan trọng hơn bao giờ hết”.

Theo ủy ban trên, tổng cộng có 286 ứng viên, bao gồm 197 cá nhân và 89 tổ chức, được đề cử nhận giải Nobel Hòa bình năm nay. Cuối cùng, Nihon Hidankyo đã được xướng tên trong buổi công bố ngày 11-10 vừa qua. Đây không phải lần đầu tiên Ủy ban Nobel trao giải cho các nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân. Trước đó, Giáo sư Joseph Rofblat và Hội nghị Pugwash về khoa học và các vấn đề thế giới đã cùng nhận giải vào năm 1995 vì những đóng góp trong việc giảm bớt vai trò của vũ khí hạt nhân. Đến năm 2017, Tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân đã giành được Nobel Hòa bình. Và chưa đến 7 năm sau, lại một tổ chức nữa được trao giải.

Việc Nihon Hidankyo được trao giải Nobel Hòa bình 2024 có ý nghĩa quan trọng bởi vào tháng 8-2025, Nhật Bản sẽ kỷ niệm sự kiện 80 năm ngày Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Ngoài ra, với việc trao giải Nobel Hòa bình cho một tổ chức chống vũ khí hạt nhân, Ủy ban Nobel Na Uy đã gửi đi một thông điệp đanh thép rằng thế giới vẫn còn nhiệm vụ lớn hơn nữa là bảo vệ các thế hệ tiếp theo khỏi nỗi kinh hoàng của chiến tranh hạt nhân. Ủy ban Nobel Na Uy cũng đánh giá những nỗ lực phi thường của tổ chức Nihon Hidankyo trong nỗ lực loại bỏ vũ khí hạt nhân. “Tôi hy vọng rằng thế hệ tiếp theo sẽ tiếp tục tham gia hoạt động vì hòa bình, vì hòa bình không có vũ khí hạt nhân”, ông Toshiyuki Mimaki, người đứng đầu tổ chức Nihon Hidankyo, nhấn mạnh.

Giải Nobel Hòa bình là giải duy nhất được công bố tại Oslo (Na Uy), trong khi các giải khác được công bố tại Stockholm (Thụy Điển). Giải thưởng Nobel bao gồm một bằng chứng nhận, một huy chương và số tiền thưởng 1 triệu USD. Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Stockholm và Oslo vào ngày 10-12, kỷ niệm ngày mất của nhà khoa học và người sáng lập giải thưởng Alfred Nobel năm 1896.

MINH PHONG