QĐND - Trong chiến tranh thuộc địa xâm chiếm Đông Dương, quân đội Pháp đã tìm đủ mọi cách để tránh phong trào phản chiến của binh lính. Thế nhưng, trong hàng ngũ binh lính Pháp ở Việt Nam, phong trào chống chiến tranh ngày càng lan rộng…

Trước khi sang chiến trường Việt Nam, binh lính Pháp đều nhận được những “thông điệp” tốt đẹp từ phía chính phủ. Đó là: Giải phóng Đông Dương khỏi ách phát xít Nhật, đem lại hòa bình và hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, bảo vệ danh dự và công cuộc khai hóa của nước Pháp, chiến tranh Việt Nam chỉ là một “hành động cảnh sát” và làm cuộc “bình định” ở Việt Nam chỉ là một cuộc du lịch…

Thế rồi, hàng nghìn binh lính hồi hương đều lên án những hành động tàn ác, tội lỗi của quân đội Pháp ở Việt Nam, từ việc cướp bóc, đốt phá, hãm hiếp, giết chóc… y như những hành động vô nhân đạo của lính phát xít Đức.

Trong một bản hiệu triệu gửi cho cựu binh sĩ ở Việt Nam đã về Pháp, cho gia đình những binh lính chết ở Đông Dương, cho gia đình những binh lính còn đang đánh nhau ở Việt Nam, Trung úy trù bị Ô-vi-đê Lơ-gờ-răng và 13 binh lính nữa viết: “Chúng tôi không thể nào cứ ngậm miệng mãi. Họ đã lừa dối chúng tôi một cách đê nhục cũng như hiện giờ đang lừa dối những thanh niên phải sang Đông Dương…”.

Hưởng ứng lời hiệu triệu, một số binh lính Pháp hồi hương lên tiếng: “Cuộc chiến này đã giết bao nhân mạng và chúng tôi, những người sống sót, đem theo về đầy bệnh sốt rét, bệnh lỵ. Đa số chúng tôi không có công ăn việc làm, không nhà cửa và có cả một cuộc đời phải làm lại. Những điều ấy cho chúng tôi quyền được nói và bổn phận phải nói để: Yêu cầu hòa bình ở Việt Nam; Triệu hồi quân đội viễn chinh; Đòi cho được những quyền lợi của chúng tôi là công ăn việc làm, nghề nghiệp tử tế và được chăm sóc thuốc thang; Báo cho tất cả thanh niên Pháp và nhất là thanh niên thất nghiệp chớ có đi đánh nhau ở Việt Nam”.

Ngày 17-12-1949, hàng vạn binh sĩ hồi hương đã hội họp ở U-a-gơ-ram. Thay mặt cho bạn bè đã chết và còn đang đánh nhau ở Đông Dương, họ tố cáo cuộc chiến tranh tội lỗi, vạch mặt những kẻ thực dân lừa bịp và đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Một người lính bị cụt một chân tuyên bố: “Chúng ta và nhân dân Việt Nam có một kẻ thù chung: Tư bản, chủ nhà băng và chính phủ tay sai của chúng”.

Binh sĩ hồi hương đã thành lập Hội Cựu chiến binh Đông Dương để bảo vệ quyền lợi và ngăn cản thanh niên nam nữ “chớ để người ta rủ rê, lừa gạt mà sang chết ở Việt Nam”.

Nhân dân Pháp phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh tư liệu

Các chi hội Cựu chiến binh Pháp cũng quyết nghị yêu cầu chính phủ phải tìm ngay phương hướng chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và nhất là điều đình với Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phong trào phản chiến ở Pháp ngày càng lan rộng với vô vàn tấm gương. Ở Tác-bơ, 115 thanh niên đến tuổi nhập ngũ đã biểu tình và tuyên bố không bao giờ sang đánh nhau ở Việt Nam, cũng như không bao giờ đi đánh Liên Xô. Tại Li-vuốc-nơ, không một người lính nào trả lời đồng ý khi viên chỉ huy tập hợp đội ngũ để lấy tình nguyện sang Việt Nam. Tờ “Công báo” Pháp ngày 1-10-1949 thông tin: “Danh sách những hạ sĩ quan và bộ binh đi các chiến trường hải ngoại: 25 tình nguyện và 2.549 bị chỉ định”.

Để vơ vét quân số cho đội quân viễn chinh, Chính phủ Pháp làm cả những việc trái luật như đem cảnh sát sang làm lính chiến ở Việt Nam. Tờ “Nước Pháp trước đã” phản đối việc làm trái luật ấy và đã bị đưa ra tòa. Ông Phéc-đi-năng Mai-ê, Thị trưởng thị xã Ít-xi lê Mu-li-nô bị truy tố vì tuyên bố rằng, đem cảnh sát sang đánh nhau ở Đông Dương là trái với tinh thần giao kèo đã ký và kết án những cảnh sát không chịu đi là trái luật.

Lực lượng hải quân của quân đội Pháp cũng không tìm đâu ra tình nguyện nên cũng phải dùng cách chỉ định trái phép như việc lấy 16 người cai, thợ máy và tài xế của tàu Đích-muýt ra khỏi công tác chuyên môn và đổi làm thủy binh chiến đấu để phái sang Đông Dương.

Vẫn chưa đủ, Chính phủ Pháp còn cho phép tuyển mộ cả phụ nữ vào làm lính, y tá, cứu thương và lái xe trong quân đội viễn chinh. Cơ quan tuyển mộ dùng đủ mọi mánh lới để tuyên truyền, dụ dỗ nữ thanh niên đang bị nạn thất nghiệp giày vò. Đáp lại, các báo chí tiến bộ Pháp loan báo việc này trong nữ giới và kêu gọi họ đề phòng những lời đường mật của Bộ Quốc phòng.

Không dừng lại đó, để lấp đầy chỗ trống trong đội quân viễn chinh, quân đội Pháp còn tuyển mộ cả phụ nữ Ma-rốc. Lập tức, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Ma-rốc lên tiếng phản đối và nhắc lại rằng, nhân dân Ma-rốc, cả nam lẫn nữa, đều chống lại cuộc chiến tranh ở Việt Nam và đòi hồi hương tất cả binh lính Ma-rốc đang ở Đông Dương.

Nếu như trong việc tuyển mộ binh lính sang chiến đấu tại chiến tranh Đông Dương có nhiều trở lực thì việc đưa binh lính xuống tàu còn gặp khó khăn hơn. Luôn luôn có những vụ bỏ trốn, thậm chí cả tự tử. Ngày 12-12-1949, 7 lính Pháp trên tàu Lơ Ca-le chạy sang Đông Dương đã nhảy xuống biển trốn thoát sau khi tàu vừa rời cảng Mác-xây. Ngày 28-12-1949, 14 lính Pháp trên một chuyến tàu khác đã bắn lại bọn chỉ huy rồi nhảy xuống biển trốn thoát ở gần Cô-lôm-bô. Báo “Quân du kích” của Pháp đăng tin: “Tàu rời khỏi bến Po Sai-ích, 1 trong 700 lính sang Đông Dương nhảy xuống biển trốn. Sóng biển đang to, không tìm được xác người lính đáng thương ấy”. Báo “Nhân loại” ngày 29-12-1949 đăng tin: “180 lính sắp lên tàu ở ga A-vi-nhông để sang Đông Dương thì một người nhảy bổ vào đường sắt, bạn bè anh đã liều chết lôi ra kịp”. Tờ “Cơ-li-ma” của Bộ Thuộc địa Pháp nhiều lần phàn nàn về các cuộc “phá hoại" (binh lính trốn, nhân dân ngăn cản không cho tàu chạy, không cho chuyển vũ khí lên tàu…) và thú nhận phải dùng đến cách cho tàu nhổ neo vào ban đêm.

Ở Đông Dương, mặc dù phải chịu sự đàn áp dã man và những hình phạt nặng nề, nhiều binh lính Pháp vẫn phản đối mệnh lệnh và đòi hồi hương. Phong trào lôi cuốn đến từng tiểu đội, trung đội. Nhiều người chỉ chờ dịp hành quân hay ra trận là chạy sang hàng ngũ Việt Minh. Trong các trại tù binh và hàng binh của Việt Minh, các ủy ban binh lính đòi hồi hương đội quân viễn chinh được thành lập. Hiệu triệu, truyền đơn và báo chí kêu gọi phản chiến do những ủy ban này viết ra bay đến Hà Nội, Thuận Hóa, Sài Gòn, các đồn, các trại… Các sĩ quan tù binh từ Trung tá Sác-tông và Lơ Pa-giơ cũng lên tiếng đòi chấm dứt chiến tranh, hồi hương binh sĩ, yêu cầu nhân dân Pháp kén chọn và cử đại biểu xứng đáng trong dịp tổng tuyển cử tới.

Cùng phong trào phản chiến của binh lính Pháp, hầu hết các giới chức ở nước Pháp đều lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam. Đặc biệt, phong trào phản chiến đã đi vào giới trí thức và văn nghệ sĩ. Nhiều người đã hưởng ứng lời kêu gọi của giáo sư Rôn Ri-vê cùng gửi cho Tổng thống Pháp một bức thư đòi ngừng chiến ở Việt Nam: “Đã 3 năm nay, chiến tranh tàn khốc và vô ích tiếp diễn ở Đông Dương. 17 nghìn bà mẹ Pháp đã mất con trong cuộc giết hại này. Chúng ta tiêu phí vào cuộc phiêu lưu đau đớn này 130 ngàn triện quan trong năm 1949. Đa số người dân Việt Nam đã ruồng bỏ không tin gì một người cầm đầu bù nhìn do Pháp chọn và nhờ Pháp che chở. Mục đích và hy vọng duy nhất của chúng tôi là đi tới một nền hòa bình vững chãi ở Đông Dương. Nước Pháp có thể giao thiệp thẳng thắn với phe kháng chiến Việt Nam để đi tới một thỏa thuận như đại đa số nhân dân Việt Nam mong muốn…”. Bức thư có chữ ký của 30 giám đốc, giáo sư các trường đại học, 5 chủ bút các báo, 6 nghị sĩ, các luật sư, công chức cao cấp, văn nghệ sĩ, học giả…

Giới công giáo tiến bộ Pháp cũng đã lên án cuộc chiến tranh tại Đông Dương. Tháng 4-1949, Hội Liên hiệp Công giáo cấp tiến, trong một bài đăng trên tạp chí “Những người Công giáo tỏ thái độ” đã nêu rõ lập trường đối với chiến tranh ở Việt Nam. Sau khi vạch rõ những thất bại về quân sự, những tổn thất về kinh tế và tài chính của Pháp do cuộc chiến này gây ra, bài báo viết: “Hòa bình ở Việt Nam! Đó là phương châm chính trị của chúng tôi. Chúng tôi luôn luôn đấu tranh để đòi chấm dứt cho kỳ được chiến tranh ở Việt Nam. Chúng tôi quyết tâm bênh vực cho hòa bình. Chúng ta phải đem mọi khả năng ra đấu tranh. Muốn đi đến thành công, chúng ta hãy liên minh với những người, những đoàn thể cùng một lập trường với chúng ta: Những người công nhân, những người cộng sản Pháp, Hội Pháp-Việt và nhiều tổ chức khác nữa. Trong cuộc chiến đấu cho hòa bình ở Việt Nam, trong giai đoạn đấu tranh quyết liệt cho hòa bình thế giới này, chúng ta kết hợp được lương tâm của người Công giáo chân chính với tư tưởng cấp tiến của chúng ta”.

NGÔ VĂN LƯỢNG