Tại Trung Quốc, người dân nghỉ ăn Tết từ Ba mươi đến mồng 7 tháng Giêng. Đón Tết Nguyên đán, người Trung Quốc trang trí nhà cửa bằng những vật dụng màu đỏ như: Treo đèn lồng, chuỗi ớt, dán giấy đỏ lên cửa ra vào và cửa sổ. Mặc quần áo màu đỏ cũng được cho là mang lại may mắn trong năm mới. Nhận bao lì xì đỏ là một trong những phong tục truyền thống vào ngày Tết ở Trung Quốc. Số tiền lì xì này là để chuyển vận may từ những người lớn tuổi sang những đứa trẻ.

leftcenterrightdel

Gói bánh chưng ngày Tết - phong tục truyền thống của người dân Việt Nam. Ảnh: TUẤN HUY

Tết âm lịch ở Hàn Quốc cũng tương tự như một số quốc gia khác. Đêm Giao thừa, người dân tắm nước nóng để tẩy trần, mặc trang phục hanbok truyền thống để cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Người Hàn Quốc được nghỉ 3 ngày (từ mồng Một đến mồng Ba âm lịch). Mồng Một, các gia đình quây quần làm cơm cúng với nhiều món ăn được bày thành 5 hàng, gồm: Cơm, canh bánh gạo (tteokguk), thịt, cá, các loại bánh chiên; sau đó tráng miệng bằng trái cây và bánh truyền thống. Đặc biệt, món canh bánh gạo thường được ăn coi như đem lại may mắn đầu năm. Dịp Tết, trẻ em sẽ cúi lạy người lớn khi nhận lì xì. Để nhận được “phúc lộc” vào buổi sáng đầu tiên của năm mới, người Hàn Quốc thường treo bokjori (gọi là xẻng lộc, được tết bằng rơm và tre nhiều màu sắc) ngoài cửa.

Tết tháng Trắng là tên gọi của Tết âm lịch tại Mông Cổ. Người Mông Cổ dọn dẹp nhà cửa, tắm và mặc quần áo mới, chuẩn bị các món ăn đón năm mới. Trong mâm cơm ngày Tết của người Mông Cổ có những món đặc biệt như: Cơm và sữa đông, nho khô, thịt cừu nướng... mang đậm hương vị thảo nguyên hoang dã. Trước Giao thừa, nam giới sẽ thực hiện nghi thức đi lên núi hoặc đồi để cầu nguyện. Họ sẽ chọn một hướng phù hợp với tuổi để xuất hành.

Singapore cũng là nước đón Tết âm lịch từ mồng Một cho tới rằm tháng Giêng với nhiều sự kiện, hoạt động đa dạng. Vào ngày 23 tháng Chạp, người Singapore tổ chức lễ cúng ông Công, ông Táo. Điều độc lạ trong ngày này là họ sẽ thoa một ít đường, mật ong và rượu lên môi của hình nhân. Phong tục này có ý nghĩa rằng, ông Táo sẽ báo cáo giải trình những điều tốt đẹp nhất tới Ngọc Hoàng và gia chủ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Ngoài ra, Tết ở Singapore thường được tổ chức với 3 lễ hội nổi bật là: Lễ hội hoa đăng, lễ hội River Hongbao, lễ hội đường phố Chingay.

Tại Malaysia, Tết âm lịch cũng là dịp quan trọng và là kỳ nghỉ lễ chính thức của quốc gia này. Thủ đô Kuala Lumpur và đảo Penang là hai địa điểm đón Tết Nguyên đán sôi động nhất của Malaysia. Thời gian này sẽ có nhiều hoạt động truyền thống được tổ chức, đặc biệt là màn bắn pháo hoa hoành tráng ở tháp đôi Petronas.

Năm 2012, Chính phủ Philippines mới chính thức công nhận Tết âm lịch là một trong những ngày lễ lớn trong năm. Ngày Tết, người dân Philippines thường đi chùa, đi nhà thờ cầu cho năm mới may mắn, an lành và thịnh vượng. Hoạt động đón mừng năm mới của người Philippines có múa lân, múa rồng. Ẩm thực ngày Tết là món bánh gạo ngọt, gọi là tikoy, có ý nghĩa cầu phúc cho mọi người trong gia đình luôn bên nhau. Ngoài ra, người Philippines sẽ mặc quần áo có hình tròn tượng trưng cho sự thịnh vượng trong năm mới.

Ở Việt Nam, vào dịp Tết, những người con xa quê đều trở về, cùng gia đình ăn bữa cơm đoàn viên và cúi đầu thành kính trước bàn thờ tổ tiên. Vào ngày 23 tháng Chạp, người người, nhà nhà cùng nhau tiễn ông Công, ông Táo về trời. Những ngày giáp Tết, từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi tất bật trang trí nhà cửa bằng các loại cây, hoa: Đào, quất, mai... và gói bánh chưng, bánh tét, làm cỗ tất niên. Món ăn ngày Tết dù giản dị nhưng đậm đà hương vị dân tộc. Thời khắc Giao thừa mừng năm mới, mỗi người con đất Việt đều dành cho nhau những lời chúc an khang, thịnh vượng, mở đầu cho mùa xuân ấm áp, ngập tràn hạnh phúc.

Trong xã hội hiện đại, Tết Nguyên đán trở thành một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu ở nhiều quốc gia, mỗi quốc gia lại mang một nét đặc sắc riêng. Nhưng dù ở quốc gia nào, Tết luôn mang ý nghĩa là ngày đoàn viên, sum họp với những lời chúc mong năm mới an lành đến với người thân và đất nước.

HẢI ANH (tổng hợp)