Người hiểu rõ giá trị của hòa bình
Không phải ngẫu nhiên ông Lula lại đưa thông điệp “hòa bình và đoàn kết” vào trong bài phát biểu hôm 31-10 vừa qua khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng hai diễn ra một ngày trước đó. Trong suốt 4 năm, dưới sự lãnh đạo của đương kim Tổng thống Jair Bolsonaro, chính trường Brazil đã trải qua nhiều biến động và bị chia rẽ sâu sắc, trong khi nền kinh tế chịu các tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra. Vì lẽ đó, “hòa bình và đoàn kết” là mục tiêu mà Tổng thống đắc cử Lula hướng tới trong nhiệm kỳ sắp tới, như ông từng mang lại cho người dân nước này trong hai nhiệm kỳ trước đây (2002-2010). Ông nói thêm: “Kể từ ngày 1-1-2023, tôi sẽ điều hành 215 triệu người Brazil và không chỉ cho những người đã bỏ phiếu cho tôi. Không có hai Brazil. Chúng ta là một đất nước, một dân tộc và một quốc gia vĩ đại”.
Ở tuổi 76, ông Lula hiểu rõ giá trị của hòa bình. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại bang Pernambuco khô cằn ở Đông Bắc Brazil, cậu bé Lula có một tuổi thơ đầy khó khăn. Năm Lula lên 7 tuổi, gia đình ông tham gia làn sóng di cư đến trung tâm công nghiệp Sao Paulo. Ở đây, Lula đã làm nghề đánh giày và bán đậu phộng trước khi trở thành thợ kim khí khi mới 14 tuổi. Vào những năm 1960, Lula đã bị mất một ngón tay trong một tai nạn tại nơi làm việc. Tất cả những điều này khiến Lula thấm thía sâu sắc nỗi khổ của người nghèo.
Ban đầu, ông Lula không có hứng thú với chính trị. Nhưng sau khi vợ ông mất do viêm gan mà không có tiền chữa chạy vào năm 1969, ông bắt đầu tham gia các hoạt động của nghiệp đoàn. Ông Lula nhanh chóng vươn lên trở thành người đứng đầu tổ chức công đoàn và dẫn dắt các cuộc đình công lớn vào những năm 1970 nhằm thách thức chế độ độc tài quân sự lúc bấy giờ.
Năm 1980, ông Lula đồng sáng lập Đảng Lao động, trở thành ứng cử viên của Đảng này cho chức tổng thống 9 năm sau đó. Thua cả 3 cuộc tranh cử tổng thống từ năm 1989 đến 1998, cuối cùng ông đã thành công vào năm 2002 và cả 4 năm sau đó. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống (2002-2006, 2006-2010), ông Lula luôn đặt mục tiêu hòa bình lên hàng đầu. Bởi theo ông, chỉ có hòa bình mới đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.
|
|
Nhà lãnh đạo cánh tả Lula da Silva ăn mừng chiến thắng sau khi đắc cử Tổng thống Brazil. Ảnh: AFP
|
Cũng giống như cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez hay cựu Tổng thống Chile Michelle Bachelet, ông Lula luôn ngưỡng mộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Nhà lãnh đạo Brazil đã dành tình cảm đặc biệt với đất nước Việt Nam, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 7-2008 trong vai trò là người đứng đầu Chính phủ Brazil, ngoài các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cấp cao nước chủ nhà, Tổng thống Lula đã đặc biệt dành thời gian thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bởi “Ông không thể rời Việt Nam mà không đến thăm Đại tướng” như lời các nhà báo có mặt tại cuộc gặp hôm đó kể lại.
Trong không gian ấm cúng ở ngôi nhà số 30 phố Hoàng Diệu, Hà Nội hôm đó, Tổng thống Lula khẳng định: “Người Việt Nam có thể tự hào về thành tích chiến thắng cả Pháp lẫn Mỹ trong cùng một thế kỷ”. Theo ông, thắng lợi trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam là di sản cho cả nhân loại. Trong tương lai, thanh niên Việt Nam cũng như thanh niên Brazil mãi mãi có quyền tự hào về chiến thắng vĩ đại đó...
Năm 2010, ông Lula rời nhiệm sở với tư cách là một anh hùng cổ cồn xanh, người đã tạo ra một cuộc bùng nổ kinh tế dựa trên hàng hóa, giúp 30 triệu người thoát khỏi đói nghèo. Bất chấp lo ngại vào thời điểm đó rằng “thương hiệu” chủ nghĩa cánh tả quá cực đoan, chính quyền của Tổng thống Lula đã kết hợp các chương trình xã hội mang tính tiên phong với chính sách kinh tế thân thiện với thị trường. Có thể nói, giai đoạn 2002-2010 là thời kỳ bùng nổ kinh tế của Brazil khi giá trị hàng hóa xuất khẩu gia tăng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế. Vận may đã giúp mang lại ngân sách cho Brazil để nước này mở rộng các chương trình xã hội, bao gồm cả Chương trình “Bolsa Família” chuyển tiền mặt trực tiếp cho các gia đình có thu nhập thấp để đổi lấy việc bảo đảm trẻ em được đi học, qua đó củng cố tiếng tăm của ông Lula trong tầng lớp dân nghèo ở Brazil. Vào cuối thời gian cầm quyền, tỷ lệ ủng hộ ông Lula ở mức 87%-một điều chưa từng có tiền lệ.
Đứng lên từ trong bóng tối
Chỉ 18 tháng trước, Lula-người anh hùng cánh tả để râu và có giọng nói khàn khàn đặc trưng-là một chính trị gia bị bỏ rơi và cầm tù với cáo buộc bê bối tham nhũng gây chia rẽ đất nước, điều mà ông luôn bác bỏ. May mắn, năm 2021, Tòa án Tối cao Brazil đã bác bỏ bản án trên, đồng thời khẳng định quyền được xét xử công bằng của ông Lula đã bị xâm phạm. Phán quyết này sau đó được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhất trí, qua đó cho phép ông Lula được tái tranh cử và đối đầu với đương kim Tổng thống Bolsonaro trong cuộc bầu cử năm 2022.
Theo Reuters, cách chính quyền của đương kim Tổng thống Bolsonaro xử lý đại dịch Covid-19, kết hợp với các cuộc tấn công của ông nhằm vào nền dân chủ của Brazil vô hình trung đã giúp cựu Tổng thống Lula xây dựng được một liên minh thống nhất. Trong một chiến dịch vận động tranh cử không mệt mỏi, ông Lula đi khắp đất nước và xuất hiện trên các tấm podcast phổ biến để thu hút những cử tri trẻ tuổi. Ông nói: “Chúng ta cần phải sửa chữa đất nước này... để người dân Brazil có thể mỉm cười trở lại”.
Chính trị gia 76 tuổi hứa hẹn rằng, dưới sự lãnh đạo của mình, người Brazil có thể quay trở lại “ăn picanha và uống bia” vào cuối tuần. Picanha là loại thịt bò rất được ưa chuộng ở Brazil, nhưng lạm phát cao khiến nhiều người không thể mua được loại thịt này. Ông còn nói với các nhà báo: “Một trong những giấc mơ khiến tôi trở thành ứng cử viên trong cuộc bầu cử này là khôi phục hòa bình giữa những người Brazil”. Những phát biểu này cho thấy kỹ năng chính trị lão luyện, chạm được tới lòng dân của ông, khiến ông được nhiều người trên toàn cầu yêu mến, trong đó cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng gọi ông là “chính trị gia được ưa chuộng nhất trên trái đất”.
Tuy nhiên, những người chỉ trích ông Lula cho rằng, chiến dịch tranh cử của ông chủ yếu dựa vào hoài niệm và vị cựu Tổng thống này đã từ chối cho biết chi tiết về kế hoạch kinh tế làm nền tảng cho tầm nhìn của ông dành cho Brazil. Bất luận những chỉ trích trên, ông Lula nói với phóng viên Tạp chí Time hồi tháng 3-2022: “Tôi là ứng cử viên duy nhất mà mọi người không nên lo lắng (về chính sách kinh tế). Bởi vì tôi đã từng hai lần làm tổng thống. Chúng tôi không thảo luận về các chính sách kinh tế trước khi thắng cử”.
Cuộc bầu cử Tổng thống Brazil trải qua hai vòng vào các ngày 2 và 30-10 với chiến thắng sít sao thuộc về nhà lãnh đạo cánh tả Lula da Silva. Brian Winter, Tổng biên tập tờ Americas Quarterly viết trên Twitter rằng, chiến thắng của Lula là “một trong những sự trở lại ngoạn mục nhất trong lịch sử chính trị hiện đại”.
Trở thành Tổng thống đắc cử Brazil, ông Lula “thừa hưởng” một đất nước bị chia rẽ chính trị sâu sắc, nền kinh tế vô cùng khó khăn. Di sản này khác xa hoàn toàn với “siêu chu kỳ” hàng hóa từng giúp ông dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin vượt qua giai đoạn đầy biến động trong thập niên 2000. Theo hãng AFP, đại dịch Covid-19 trong hơn hai năm qua đã tàn phá nền kinh tế Brazil, đẩy mức lạm phát lên tới hai con số và số người phải đối mặt với nạn đói tăng gấp đôi, lên 33 triệu người. “Brazil đang bắt đầu đứng dậy sau 4 năm chìm trong bóng tối. Bây giờ, với chiến thắng của ông Lula, tôi thực sự tin rằng mọi thứ sẽ bắt đầu tốt hơn”, Larissa Meneses, 34 tuổi, một cư dân ở Sao Paulo tin tưởng nói.
Mặc dù vậy, sự phân rẽ mạnh mẽ giữa hai luồng tư tưởng cho thấy, ông Lula da Silva sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong thời gian tới và đặc biệt trong bối cảnh phe cánh tả không nắm quyền kiểm soát tại Quốc hội. Hy vọng chính trị gia lão luyện này sẽ phát huy được những kinh nghiệm chính trường, vượt qua những thách thức trước mắt để đưa đất nước Brazil quay trở lại con đường phát triển vì lợi ích của đại bộ phận người dân.
HOÀNG ĐĂNG