Mười phút làm nên lịch sử
Năm 1961, hình ảnh mặt cười được xuất hiện trên sản phẩm áo len do đài phát thanh WMCA sản xuất để quảng cáo cho chương trình talk show có tên “Good Guys”. Nhưng phải đến năm 1963, hình ảnh mặt cười mới chính thức được ra đời dưới bàn tay tài năng của Harvey Ball, một nhân viên quảng cáo ở bang Massachusetts, Mỹ.
Harvey Ball sinh ngày 10-7-1921 tại Worcester (bang Massachusetts). Khi còn là học sinh trung học, Ball từng học vẽ tại nhà một họa sĩ ở Worcester. Sau đó, cậu thi đỗ và theo học tại Trường Bảo tàng nghệ thuật Worcester, chuyên ngành mỹ thuật.
Theo trang mạng worldsmileday.com, ông Ball từng có 27 năm phục vụ trong lực lượng vệ binh quốc gia, nghỉ hưu năm 1973 với quân hàm thiếu tướng. Sau đó, ông có thêm 6 năm phục vụ trong quân đội dự bị. Trong thời gian quân ngũ, Harvey làm việc thêm cho một công ty quảng cáo ở Worcester. Năm 1959, ông mở công ty quảng cáo riêng lấy tên là “Harvey Ball Advertising”.
Tháng 12-1963, Harvey Ball được Công ty bảo hiểm nhân thọ State Mutual thuê thiết kế một logo bao gồm một mặt cười nhằm thúc đẩy tinh thần của nhân viên. Chỉ sau 10 phút, phiên bản đầu tiên của icon huyền thoại ra đời. Biểu tượng Smiley ban đầu có hai chấm đen làm mắt cùng một nụ cười mang đến cảm giác tràn đầy năng lượng. Tác giả còn cố tình vẽ mắt trái nhỏ hơn mắt phải để tăng tính sinh động cho gương mặt này. “Tôi vẽ một khuôn mặt tròn với cái miệng cười tươi trên nền màu vàng bởi muốn nó luôn tươi sáng và mang lại năng lượng tích cực”, ông Ball từng nói. Với tác phẩm ngộ nghĩnh trên, Ball đã được trả 45USD.
Sau khi được ra mắt, biểu tượng Smiley được in trên 100 huy hiệu và được công ty State Mutual phát cho nhân viên. Nhờ hiệu ứng cực tốt của icon, công ty tiếp tục đặt hàng theo lô 10.000 cái/lần để đáp ứng nhu cầu của cả nhân viên và khách hàng.
Vào thời kỳ đó, thiết kế biểu tượng Smiley chưa được đăng ký bản quyền ở bất cứ đâu. Năm 1971, nhận thấy điều này có thể mang lại lợi ích kinh doanh, hai anh em Bernard và Murray, người Tây Ban Nha, chủ sở hữu của chuỗi cửa hàng văn phòng phẩm Hallmark, có trụ sở tại Philadelphia (Mỹ) đã đăng ký bản quyền cho một mô hình kết hợp giữa biểu tượng Smiley với khẩu hiệu: “Have a happy day” (tạm dịch: Chúc một ngày hạnh phúc). Chỉ trong một năm, họ bán được hơn 50 triệu huy hiệu, thu lời hàng triệu USD.
Đưa mặt cười trở thành thương hiệu quốc tế
Năm 1972, Franklin Loufrani, một nhà báo người Pháp, đã trở thành người đầu tiên đăng ký biểu tượng mặt cười làm nhãn hiệu, biến ông trở thành chủ sở hữu hợp pháp của logo này. Cấp phép hoặc cho phép những công ty khác sử dụng logo của mình để trao đổi một phần doanh số, không phải là mô hình kinh doanh quá phổ biến ở châu Âu thời kỳ đó. Loufrani đã trở thành một trong những người tiên phong của lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Franklin Loufrani đã thành công trong việc thuyết phục nhật báo “France-Soir” lập chuyên mục mang tên “Dành thời gian để mỉm cười”. Chuyên mục được gắn logo biểu tượng Smiley và đăng tải các câu chuyện, tin tức tốt lành. Sau đó, một số tờ báo khác đã trả tiền để sử dụng biểu tượng mặt cười này. Franklin nhận ra rằng, ông có thể mở rộng quy mô để thu hút nhiều công ty thuộc nhiều lĩnh vực hơn. Vì thế, Franklin đã thành lập công ty mang tên “The Smiley”, chuyên cấp phép biểu tượng mặt cười cho các tờ báo, công ty và nhiều sản phẩm khác nhau. Khi biểu tượng này trở thành một phần của văn hóa đại chúng thì các nhãn hàng cũng lần lượt gõ cửa Công ty The Smiley. Franklin đã có những mối làm ăn béo bở như hợp tác với công ty kẹo Mars, cho phép họ in mặt cười lên bao bì socola Bonitos; hợp tác với Levis trong sản phẩm quần jean in mặt cười; hợp tác với Agfa (một hãng phim cực lớn của Đức) sản xuất các hộp hình mặt cười; đồng thời hợp tác với rất nhiều hãng bán lẻ văn phòng phẩm, báo chí, bút chì... Biểu tượng mặt cười đã giúp Công ty The Smiley nổi lên như cồn. Ở đâu người ta cũng nhìn thấy mặt cười và cảm thấy lạc quan vào tương lai.
Năm 1996, Nicolas Loufrani, con trai của Franklin, kế nghiệp cha điều hành công ty. Cũng từ thời điểm này, Công ty The Smiley vướng vào một cuộc tranh chấp bản quyền với Walmart do hãng bán lẻ của Mỹ sử dụng biểu tượng mặt cười cho các cửa hàng và quảng cáo trên tivi. Cuộc chiến pháp lý kéo dài 10 năm khiến cả hai công ty tiêu tốn hàng triệu USD và chỉ kết thúc với phần thắng thuộc về Công ty The Smiley. “Chúng tôi đã rất nỗ lực để bảo vệ thương hiệu”, Nicolas chia sẻ.
Sau cuộc chiến pháp lý với Walmart, Nicolas quyết định xây dựng lại công ty gia đình. Chiến lược của ông hoàn toàn khác với cha mình ngày trước. Nicolas bắt đầu giao dịch biểu tượng mặt cười trên khắp thế giới, phát triển thêm các phiên bản kỹ thuật số của biểu tượng mặt cười, đồng thời mày mò thiết kế và thử các phiên bản mới 3D.
    |
 |
Nicolas Loufrani, Giám đốc Công ty The Smiley với chiếc ô in biểu tượng mặt cười. Ảnh: The Observer
|
Gần 60 năm sau khi được tạo ra, nửa thế kỷ trở thành nhãn hiệu được đăng ký, vị trí của biểu tượng mặt cười chưa bao giờ lung lay. “Harvey Ball đã phát minh ra biểu tượng mặt cười, còn Franklin Loufrani đã biến Smiley trở thành thương hiệu quốc tế. Không chỉ vậy, biểu tượng mặt cười còn mang lại doanh thu khổng lồ cho Công ty The Smiley. Ước tính, công ty này thu lợi nhuận khoảng 500 triệu USD trong năm 2021 nhờ ký hợp đồng với các công ty, tập đoàn lớn như: Nutella, McDonald's, Coca-Cola, Dunkin 'Donuts, Nivea.... Theo tờ The Guardian của Anh, The Smiley được xếp hạng là một trong 100 công ty cấp phép lớn nhất thế giới, với 458 giấy phép. The Smiley còn tự hào được gắn trên 1000 sản phẩm, từ thời trang cho đến đồ gia dụng.
Theo ông Nicolas, hai yếu tố tạo nên thành công của Công ty The Smiley chính là sáng tạo và bảo vệ thương hiệu. “The Smiley chính là sự lạc quan, suy nghĩ tích cực, đồng cảm và lòng nhân từ. Trong bối cảnh thế giới bị tàn phá bởi đại dịch, xung đột và suy thoái kinh tế, việc đem lại nụ cười sẽ mang hiệu ứng tích cực hơn”, ông Nicolas nhấn mạnh.
Hãy quan tâm đến nụ cười
Trở lại với người thiết kế biểu tượng mặt cười, ông Harvey Ball. Theo trang web worldsmileday.com, cựu quân nhân, nhà thiết kế đồ họa người Mỹ này chưa bao giờ đăng ký nhãn hiệu hoặc bản quyền của mặt cười và chỉ kiếm được 45USD cho tác phẩm của mình. Tương tự, Công ty State Mutual cũng không kiếm được tiền từ thiết kế trên. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Telegram & Gazette, Charles Ball, con trai của nhà thiết kế Harvey Ball nói rằng, cha anh không bao giờ hối hận vì đã không đăng ký bản quyền. “Cha tôi không phải là người ham tiền. Ông ấy không đòi hỏi điều gì cả. Ông được trẻ con ngưỡng mộ, được nhận thư của mọi người khắp nơi trên thế giới. Họ gửi lời cảm ơn vì nụ cười rạng rỡ màu vàng. Những thứ đó là vô giá”, Charles Ball nói.
Tuy nhiên, khi biểu tượng Smiley được sử dụng vào mục đích quảng cáo tràn lan, dẫn đến cạnh tranh giữa hai Công ty The Smiley và Walmart, nhà thiết kế Ball quyết tâm hành động. Ông thành lập công ty World Smile vào năm 1999 và kêu gọi người dân trên khắp thế giới cùng kỷ niệm Ngày nụ cười thế giới (World Smile Day) vào thứ Sáu đầu tiên của tháng 10 hằng năm. Thông điệp của Ngày nụ cười thế giới là: “Làm một việc tử tế-giúp một người mỉm cười”. Sự kiện này nhằm gây quỹ cho Harvey Ball World Smile Foundation-một tổ chức từ thiện hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Khi chia sẻ về ý tưởng này, Harvey Ball từng nói: “Chúng ta, mỗi người trong số chúng ta, trong từng ngày sống trên đời, hãy quan tâm hơn tới nụ cười của mình và của những người xung quanh. Nụ cười là một thông điệp tuyệt vời nhất, dễ hiểu, không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo, chính trị...”.
Ngày 12-4-2001, Harvey Ball qua đời vì bệnh suy gan ở tuổi 79, nhưng thiết kế của ông vẫn còn trường tồn mãi theo thời gian. Mặt cười mà Harvey Ball sáng tạo ra trở thành biểu tượng được nhận diện nhiều nhất trên internet. Mặt cười cũng là một biểu tượng đại diện cho thiện chí-điều rất cần cho cuộc sống hòa bình và hạnh phúc trên hành tinh.
NGUYÊN AN