Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm chậm đà phát triển kinh tế đã mang lại hiệu quả. Mức tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, từ 12% trong quý đầu năm nay xuống còn 10,3 trong quý II.

Chính phủ Trung Quốc biết rằng, từ nhiều năm qua, kinh tế nước này vẫn đang lâm vào tình trạng sản xuất thừa trong đó nhiều sản phẩm được tạo ra mà không ai muốn mua hoặc ít nhất những sản phẩm này không nên được sản xuất với khối lượng lớn đến như vậy. Ví dụ như người ta đã xây dựng nên những vùng ngoại ô được lấp đầy bởi các căn hộ mà không ai muốn dọn vào ở. Tuy nhiên, nếu mức tăng trưởng cứ tiếp diễn theo đà này thì một ngày nào đó sự tăng trưởng không có tính bền vững ấy sẽ sụp đổ. Vì lý do đó, Trung Quốc đang cố gắng kìm hãm đà tăng trưởng này lại.

Nền sản xuất Trung Quốc cần chú trọng hơn tới nhu cầu tiêu dùng trong nước

Ông Sheng Laiyun thuộc Tổng cục Thống kê Trung Quốc đã công bố những số liệu vừa đề cập, đồng thời ông đề cập tới lợi ích của việc giảm đà tăng trưởng kinh tế. Ông cho hay, việc làm chậm đà tăng trưởng một cách thích hợp sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế vì nó giúp kinh tế không tăng trưởng quá nhanh tới mức quá nóng. Việc giảm đà tăng trưởng cũng sẽ có ích lợi trong việc tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi hình thức tăng trưởng.

Một phần của vấn đề sản xuất quá mức hiện nay có liên quan tới việc mức cầu từ Hoa Kỳ và châu Âu sụt giảm. Đây là những khu vực có khả năng tiêu thụ bất kỳ hàng hóa và dịch vụ giá rẻ nào mà Trung Quốc sản xuất. Giờ đây, Trung Quốc cũng giống như bất kỳ nước nào khác trên thế giới đang phải trải qua một giai đoạn bất ổn. Ông Sheng Laiyun nói: "Chúng ta hiện đang sống trong giai đoạn kinh tế thế giới không ổn định và các nước vẫn đang hồi phục một cách chậm chạp. Chúng ta cần đặt các chính sách vào những hoàn cảnh mới và làm cho chúng thích hợp, uyển chuyển hơn. Trong quá khứ mức tăng trưởng của Trung Quốc đã dựa rất nhiều vào đầu tư và xuất khẩu, chúng tôi ý thức rất rõ đó không phải là mô hình phát triển bền vững cho Trung Quốc. Mức cầu của nước ngoài giảm đi đang tạo áp lực mỗi lúc càng nặng nề lên khu vực xuất khẩu truyền thống của Trung Quốc".

Nhà kinh tế Xiang Songzuo, trước đây từng làm việc tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho hay, ông đồng ý rằng về lâu về dài thách thức mà Trung Quốc phải đương đầu là rất lớn. Tuy nhiên theo ông, khi mức sống của người dân bình thường tăng lên, nước này sẽ không còn phải lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu nữa vì sự đóng góp vào nền kinh tế của hệ thống xuất khẩu hoặc mức tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục giảm. Như vậy, theo ông Xiang Songzuo, nếu Trung Quốc muốn tiếp tục giữ vững tiến trình tăng trưởng, người tiêu dùng trong nước phải tạo ra được mức cầu đáng kể và đây quả là một thách thức lớn. Việc các nhà xuất khẩu, doanh nhân, giới lãnh đạo trung ương cũng như địa phương phải giữ vững mức tăng trưởng là một thách thức to lớn đối với Trung Quốc. Do đó, theo ông Xiang Songzuo, Trung Quốc cần phải chú trọng tới vấn đề tiêu dùng trong nước. Người dân bình thường tại Trung Quốc sẽ là nhân tố quyết định vấn đề tiêu dùng khi họ sử dụng tiền kiếm được từ lương bổng hoặc thu nhập để chi tiêu. Vì vậy, ông cho rằng, Trung Quốc cần thiết lập hệ thống an sinh xã hội để khuyến khích người dân chi tiêu đồng thời gia tăng mức lương bổng và các nguồn thu nhập khác.

Trần Long (Theo Economy)