QĐND - Theo nhận định của các chuyên gia về hạt nhân giàu kinh nghiệm của thế giới, Trung Quốc có triển vọng trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới trong việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân.

Các nhà khoa học tại Trung Quốc cho biết, đã phát triển thành công công nghệ tái xử lý nguyên liệu hạt nhân nhằm giải quyết những khó khăn về sự thiếu hụt nguồn cung uranium mà nước này đang phải đối mặt một cách hiệu quả. Theo các nhà khoa học, bước đột phá này của Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Quốc gia Trung Quốc có thể tạo ra một nguồn cung uranium khổng lồ đủ để sử dụng trong vòng ba ngàn năm.

Một nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc.Nguồn: internet

Còn theo Tân Hoa xã, Trung Quốc hiện cũng nhắm tới mục tiêu gia tăng công suất của các nhà máy điện hạt nhân lên tới 80 gigawatts, chiếm khoảng 5% của tổng công suất năng lượng quốc gia. Giám đốc của Tổ chức Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Ô-xtrây-li-a, TS. Gíc-ghi Xít-câu-xki cho biết, Trung Quốc hiện đã có 12 lò phản ứng hạt nhân đang đi vào hoạt động và 24 lò phản ứng khác đang trong quá trình xây dựng. Ông nhận định: “Dường như Chính phủ Trung Quốc đã lên rất nhiều kế hoạch và chương trình phát triển trong lĩnh vực hạt nhân. Chính phủ đã cam kết sẽ gia tăng việc sử dụng năng lượng hạt nhân trong các thập kỷ tới. Bên cạnh đó, nhiều kỹ sư cũng như các nhà khoa học hàng đầu thế giới cũng sẽ tham gia vào các chương trình phát triển hạt nhân của Trung Quốc. Vì vậy, tôi cho rằng, Trung Quốc hiện đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc thiết kế các lò phản ứng hạt nhân đời mới và các vấn đề liên quan tới lĩnh vực quản lý năng lượng”.

Trên thực tế, năng lượng hạt nhân hiện chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng nguồn cung năng lượng quốc gia của Trung Quốc. Theo tiến sĩ Xít-câu-xki, mặc dù các nước phương Tây là các nước đi đầu trong việc phát triển các lò phản ứng hạt nhân, tuy nhiên, Trung Quốc lại hoàn toàn có tiềm năng để trở thành cường quốc trong lĩnh vực này.

Việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân là một công nghệ rất phức tạp. Rất nhiều nước phương Tây như Mỹ, các nước trong khu vực châu Âu, đặc biệt là Pháp, Anh, Nga và Nhật Bản đều tiến hành nghiên cứu và phát triển công nghệ này. Tuy vậy, Trung Quốc cũng đang dần bắt kịp các nước trên với tốc độ nhanh chóng và nhiều khả năng sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này bởi Trung Quốc có thể xây dựng các lò phản ứng hạt nhân với tốc độ nhanh nhất trên thế giới.

Giám đốc chiến dịch Khí hậu và Năng lượng thuộc tổ chức phi chính phủ Hòa bình Xanh của Trung Quốc (Greenpeace China), bà Yang Aluin cho biết, các nhà môi trường học sẽ cần có thời gian để kiểm định những tác động về mặt môi trường của công nghệ tái xử lý nguyên liệu hạt nhân.

Tuy nhiên, TS. Xít-câu-xki lại cho rằng, việc sử dụng năng lượng hạt nhân phổ biến trên toàn thế giới sẽ góp phần làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo ông, một số nước phát triển hiện đang dần trở nên tụt hậu so với các quốc gia châu Á do chưa phát triển năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Pa-ki-xtan đều đã sử dụng loại năng lượng này. Ngay cả các quốc gia vừa thoát khỏi mức thu nhập trung bình như Việt Nam cũng đang chuẩn bị xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân đầu tiên, còn Thái Lan và In-đô-nê-xi-a đã được phép phát triển ngành công nghiệp hạt nhân.

Trần Long (Theo Roi-tơ)