Thật may, những người nhập cư trái phép tại Bỉ và Pháp vẫn trong tình trạng khỏe mạnh.

Di cư quốc tế là hiện tượng phổ biến trong lịch sử nhân loại. Con người ngay từ thời tiền sử đã thực hiện hoạt động di cư từ nơi này sang nơi khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên, nhưng phổ biến nhất vẫn là xuất phát từ nguyên nhân kinh tế. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong năm 2018, người lao động tại Australia đang được hưởng mức lương tối thiểu cao nhất thế giới với 12,14USD/giờ. Những nước khác trong top 10 bao gồm: Luxembourg, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, New Zealand, Vương quốc Anh, Ireland và Canada với trung bình mức lương tối thiểu từ 9 đến 12USD/giờ.

Bên cạnh đó là các nguyên nhân về sự chênh lệch nhu cầu nguồn nhân lực, chiến tranh, xung đột, môi trường, sắc tộc. Ngày nay, trong môi trường toàn cầu hóa, sự thuận lợi trong giao thông vận tải và các chương trình trợ giúp nhân đạo cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy hiện tượng trên.

Liều mạng đến phương trời Âu

Mỗi năm có hàng trăm nghìn người tìm cách vào châu Âu, nhất là qua con đường Địa Trung Hải, với mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Năm 2018, ước tính 150.000 người đã vào Liên minh châu Âu bằng cách vượt biên trái phép, theo Cơ quan Bảo vệ biên giới và bờ biển Frontex. Đó là con số thấp nhất kể từ năm 2013 và thấp hơn 92% so với mức đỉnh được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015.

Trong khi đó, số lượng người đến Tây Ban Nha qua tuyến đường phía tây Địa Trung Hải, xuất phát từ Morocco, đã tăng gấp đôi vào năm 2018, trong năm thứ hai liên tiếp lên tới 57.000 người. Cũng theo Frontex, hầu hết những người di cư trên tuyến đường này đến từ các quốc gia ở châu Phi cận Sahara, mặc dù số lượng người đến từ Morocco đã tăng lên trong những tháng gần đây. Trong đó, cũng có nhiều người đến từ Guinea, Mali và Algeria.

leftcenterrightdel
Bỉ phát hiện hai chiếc xe tải chở hàng chục người nhập cư vào nước này. Ảnh: Reuters

Nhập cư đã trở thành vấn đề nóng bỏng trên khắp châu Âu. Tại Vương quốc Anh, trước đó xảy ra “sự cố lớn” sau khi vài chục người đã cập bến tại bờ biển Anh dịp Giáng sinh 2018, sau một hành trình nguy hiểm bằng thuyền qua kênh đào Anh. Hải quân Hoàng gia đã được kêu gọi để hỗ trợ lực lượng biên phòng Anh ngăn chặn những người di cư khác vượt biên từ Pháp.

Ở Ý, chính sách bãi bỏ danh mục “bảo vệ nhân đạo” của Ý đối với những người di cư không đáp ứng được các tiêu chí tị nạn nghiêm ngặt của nước này hoặc những người đang chờ phản hồi đơn xin tị nạn đã có hiệu lực vào cuối tháng 11-2018. Chính sách trên cũng giúp Ý dễ dàng trục xuất những người này hơn. Theo luật mới, một số người di cư sẽ mất tư cách pháp lý được bảo vệ và do đó sẽ phải rời khỏi các trung tâm nhập cư, đưa họ vào tình trạng khó khăn như không có triển vọng về việc làm, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe hoặc hòa nhập xã hội.

Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ đã chịu áp lực ngăn chặn các hoạt động cứu hộ Địa Trung Hải cho người di cư. Nhiều người di cư bị bọn buôn người nhồi nhét vào những chiếc thuyền không đáng tin cậy. Trong số đó, một số người rời bỏ cuộc sống nghèo khổ để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, số khác thì chạy trốn chiến tranh, bạo lực và đàn áp. Theo Frontex, phụ nữ chiếm gần 1/5 số những người bị phát hiện vượt biên trái phép vào châu Âu năm 2018. Số người dưới 18 tuổi chiếm tỷ lệ tương tự với gần 4.000 trẻ vị thành niên không có người đi kèm.

Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ước tính, số người di cư và người tị nạn đến châu Âu năm 2018 là gần 142.000 người, hầu hết trong số họ đã vượt biển Địa Trung Hải đầy nguy hiểm. Cơ quan Liên hợp quốc đã báo cáo hơn 2.200 người di cư bị mất tích hoặc chết ở Địa Trung Hải vào năm 2018.

Giấc mơ Mỹ

Giấc mơ Mỹ hay “American dreams” luôn là một loại tiêu chuẩn mà không ít người đã và đang hướng đến. Nhiều người sẵn sàng bất chấp cả tính mạng, hành trình gian khổ băng qua những sa mạc khô cằn, nhiều người di cư từ các quốc gia Trung Mỹ đã chết trên đường đi và không bao giờ có thể chạm đến đất Mỹ. Ước tính mỗi năm, hàng trăm người di cư Trung Mỹ bỏ mạng khi cố gắng tới Mỹ, chủ yếu do đột quỵ vì nóng vào mùa hè và hạ thân nhiệt vào mùa đông. Năm 2017, lực lượng tuần tra biên giới Mỹ đã tìm thấy gần 300 người chết, nhưng con số đó còn cao hơn. Nhiều người không bao giờ được tìm thấy.

Số người nhập cư trái phép vào Mỹ đã tăng trong các năm từ 2007 đến 2017, chủ yếu đến từ châu Á và Trung Mỹ. Lượng người đến từ Nam Mỹ, châu Âu và Canada đã giảm trong thập niên trên. Theo thống kê, trong số 20 quốc gia có số lượng người nhập cư trái phép lớn nhất ở Mỹ, có 5 quốc gia lượng người nhập cư trái phép vào Mỹ tăng đáng kể từ năm 2007 đến 2017. Ở vùng Trung Mỹ, lượng người nhập cư trái phép vào Mỹ đến từ 3 quốc gia vùng tam giác phía bắc gồm: El Salvador, Guatemala và Honduras cũng tăng đáng kể. Số người đến từ Ấn Độ và Venezuela cũng tăng trong thập niên này.

Tuy nhiên, theo thống kê, nhìn vào sự thay đổi so với một năm trước đó, Brazil là quốc gia duy nhất có tổng số người nhập cư trái phép ở Mỹ tăng đáng kể từ năm 2016 đến 2017. Bên cạnh đó, Mexico là một trong những quốc gia có số người nhập cư trái phép vào Mỹ nhiều nhất. Năm 2017, có 10,5 triệu người nhập cư trái phép ở Hoa Kỳ, bao gồm 4,9 triệu người Mexico.

Trong khi vấn đề người nhập cư vốn là bài toán hóc búa, thì một phát hiện mới được cho là sẽ tác động không nhỏ đến việc giải quyết tình trạng này. Đó là thực trạng “giả làm người tị nạn”. Trước khi có lệnh siết chặt quản lý vấn đề nhập cư của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc định cư dạng tị nạn là một ngành kinh doanh bùng nổ tại nhiều nước. Tuy nhiên, bất chấp quy định siết chặt quản lý nhập cư, những nguy hiểm có thể phải trả giá bằng cả mạng sống, nhiều người vẫn kiên trì theo đuổi giấc mơ tới cùng.

Vấn đề toàn cầu

Tuy nhiên, không chỉ những người nghèo, người trong vùng xung đột mới nghĩ đến chuyện di cư. Theo số liệu do tổ chức New World Wealth có trụ sở tại Johannesburg (Nam Phi) công bố, năm 2018, trên thế giới có khoảng 108.000 triệu phú di cư, tăng 14% so với năm 2017 và tăng gấp đôi so với năm 2013, trong đó Australia là lựa chọn định cư hàng đầu của các triệu phú đến từ khắp nơi trên thế giới. Nước này đứng đầu danh sách điểm đến mong muốn của người nhập cư vì sự an toàn, không áp dụng thuế tài sản thừa kế, có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, và đặc biệt đang duy trì tăng trưởng bền vững, đã tránh được suy thoái kinh tế liên tục trong 27 năm qua.

Cũng tính riêng năm 2018, Trung Quốc và Nga là những nước có số lượng triệu phú di cư nhiều nhất. Tại châu Âu, Brexit và thuế là lý do khiến khoảng 3.000 triệu phú rời khỏi Anh. Nguyên nhân khiến giới giàu có các nước di cư còn là do tình hình tội phạm, thiếu cơ hội kinh doanh, căng thẳng tôn giáo hoặc cơ hội phát triển trong tương lai.

Việc giải quyết các vấn đề trong nhập cư đã khiến các nước châu Âu bất đồng sâu sắc. Tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người được biết đến là có chính sách nhập cư rất cứng rắn, đã áp dụng hàng loạt biện pháp, từ xây bức tường biên giới với Mexico đến cấm người từ hàng loạt quốc gia nhập cảnh trái phép. Tuy nhiên, các chính sách này gây tranh cãi và khiến nội bộ nước Mỹ chia rẽ sâu sắc. Rõ ràng, đây là vấn đề vô cùng nhạy cảm. Cho dù mỗi khu vực, mỗi quốc gia đều đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay, song thực trạng di cư toàn cầu đang cho thấy những giải pháp này chưa thực sự triệt để và hiệu quả. Nên chăng, cộng đồng quốc tế cần ưu tiên những vấn đề mang tính gốc rễ để loại bỏ những nguyên nhân khiến người dân di cư bất hợp pháp, như tạo môi trường hòa bình và ổn định lâu dài cho các nước đang có chiến tranh và xung đột, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội, tạo việc làm...

NAM KHÁNH