Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI nhấn mạnh phát triển con người phải “chú trọng vai trò của gia đình”. Nhưng những quan điểm tiến bộ này chưa được thấm nhuần trong đời sống nên văn hóa gia đình phát triển có phần tự phát (dù số hộ được công nhận “gia đình văn hóa” vẫn không ngừng tăng lên), các “đại gia” có nhiều nhưng tác động tích cực đến xã hội còn ít. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã cảnh báo hiện tượng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên lợi dụng vị trí lãnh đạo và quyền lực để mưu lợi cá nhân, lo thu vén cho cá nhân, gia đình, họ tộc, coi nhẹ lợi ích tập thể, cộng đồng. Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải đi kiểm tra 9 địa phương có biểu hiện “cả họ làm quan”; vụ gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La mà đối tượng vi phạm chủ yếu là con cán bộ, đảng viên; nhiều “đại gia” là bố-con, anh-em, chị-em cùng hầu tòa trong các vụ án tham nhũng đã phát lộ vấn đề “văn hóa gia đình” của họ là thứ văn hóa “cậy chức, cậy quyền, cậy tiền, cậy của” chứ không phải là những nét đẹp về trí tuệ, nhân ái, trung nghĩa trong văn hóa gia đình Việt Nam.

Để phát huy vai trò tích cực của các “đại gia”, trước hết chúng ta cần thừa nhận tầm ảnh hưởng của các “danh gia vọng tộc”, coi đó là mẫu mực, điển hình cần nhân rộng trong xã hội; đồng thời kiên quyết chống lại quan điểm “gia đình chủ nghĩa”. Phải khuyến khích các gia đình vươn lên “danh gia vọng tộc” chân chính, tiến bộ; phê phán các gia đình “trọc phú”, đả kích các “đại gia” dính vào tham nhũng, “buôn gian bán lận”. Và đặc biệt, phải có chính sách phát triển “danh gia vọng tộc” làm nòng cốt cho phát triển văn hóa gia đình Việt Nam.

HỒNG HẢI