QĐND - Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong bài phát biểu tại Hội nghị Tổng kết chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban Dân vận Trung ương và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã đánh giá: Qua các thời kỳ cách mạng, quân đội luôn tổ chức và tiến hành tốt công tác dân vận; dựa chắc vào dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân và được dân tin yêu, che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng để quân đội ngày càng phát triển lớn mạnh.

Có điểm gì mới trong đánh giá đó của đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng?

Đất nước mở cửa, hội nhập mạnh mẽ, cùng với những cái “được” to lớn thì mở cửa cũng tạo ra muôn vàn kẽ hở cho những cơn gió “độc” lùa vào. Hệ lụy rõ ràng là tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn đúng như đánh giá của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Nhiều thang giá trị xã hội bị xô lệch, niềm tin trong xã hội giảm sút...

Điểm mới trong lời khẳng định của Đại tướng Ngô Xuân Lịch nằm ở thực tế này. Rõ ràng là, dù cho xã hội đang tồn tại nhiều vấn đề phức tạp, nhưng niềm tin của nhân dân vào Bộ đội Cụ Hồ, vào quân đội vẫn vững “như kiềng ba chân”. Niềm tin yêu ấy của nhân dân không phải là niềm tin duy tâm mà hoàn toàn dựa trên những điều kiện thực tiễn khách quan; từ bản chất truyền thống không gì thay đổi được của quân đội cách mạng; từ quy luật ra đời, trưởng thành, lớn mạnh của quân đội “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”; từ những hình ảnh sống động của cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm giúp nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình vượt qua thiên tai “lũ chồng lũ”...

Và niềm tin ấy càng được củng cố chắc chắn hơn khi chúng ta giở ngay trang đầu trong cuốn sử vàng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22-12-1944, 34 đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đọc 10 lời thề danh dự, trong đó có lời thề thứ 9: “Khi tiếp xúc với dân sẽ làm đúng ba điều răn: "Không lấy của dân" - "không dọa nạt dân" - "không quấy nhiễu dân" và ba điều nên: "Kính trọng dân" - "giúp đỡ dân" - "bảo vệ dân", để gây lòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí giết giặc cứu nước”.

72 năm đã qua, lời thề thứ 9 cũng đã được bổ sung, phát triển hơn để phù hợp với hoàn cảnh mới, nhưng “ba điều răn” và “ba điều nên” thì vẫn giữ nguyên vẹn từng câu chữ. Đó chính là “thẻ căn cước” của bộ đội trong lòng dân, là điều kiện để giữ cho tình đoàn kết quân dân luôn là một thành trì vô địch, không thể công phá. 

Lời thề thứ 9 đã, đang và sẽ luôn là “cẩm nang” để mỗi quân nhân, mỗi đơn vị luôn vững vàng dù phải trải nghiệm, vượt qua những nhiệm vụ mới mẻ, phức tạp chưa từng có tiền lệ.

Đại tá, PGS, TS LÊ DUY CHƯƠNG