Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhắc lại, mấy năm trước, khi đi kiểm tra một số bệnh viện, thấy trương khẩu hiệu “Bệnh nhân-khách hàng là thượng đế”, ông đã trực tiếp nhắc nhở, yêu cầu phải chấn chỉnh tư tưởng này.
Nghề thầy thuốc là một trong những nghề xuất hiện sớm trong lịch sử nhân loại. Gọi là nghề, nhưng đó là nghề đặc biệt cao quý. Lời thề Hippocrates thiêng liêng, người được xem như “ông tổ” của nghề thầy thuốc toàn thế giới nhấn mạnh “suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”. Trong 12 điều quy định về y đức của Bộ Y tế cũng nêu: “Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ”.
“Lương y phải kiêm từ mẫu”, “người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là người mẹ hiền”, đó là những lời căn dặn chí nghĩa, chí tình của Bác Hồ với các thế hệ thầy thuốc thời đại Hồ Chí Minh. Chính vì thế, ngay từ khi một số bệnh viện trương khẩu hiệu “Bệnh nhân-khách hàng là thượng đế”, dư luận đã có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng quan niệm đó là biểu hiện rõ ràng của tư duy thương mại hóa ngành y. Tuy nhiên, đến khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến trong hội nghị toàn ngành nêu trên thì nhận thức về quan niệm đó mới được công khai trong đội ngũ thầy thuốc. Nếu xem bệnh nhân là khách hàng thì quả thực đã tầm thường hóa nghề y, một nghề được xã hội ta tôn kính gọi là “thầy” với tất cả ý nghĩa tốt đẹp của từ này.
Ngay cả ở những bệnh viện tư cao cấp, nơi người bệnh phải trả rất nhiều tiền mới được vào, thì các thầy thuốc ở đây cũng khẳng định rằng, người bệnh có thể dùng tiền đặt ra nhiều yêu cầu, nhưng có một thứ mà tiền không thể mua được, đó là tấm lòng.
Chống chạy theo doanh thu ở các bệnh viện hiện nay, không chỉ là việc gỡ bỏ câu khẩu hiệu sai trái, mà quan trọng hơn là phải giáo dục lại về y đức cho những người thầy thuốc, trước hết là những người lãnh đạo, quản lý bệnh viện.
HỒNG HẢI