Ai cũng biết sự nghiêm khắc luôn đi đôi với vất vả, gò bó; còn dễ dãi thì sẽ nhàn nhã, thoải mái.
Nhưng vì sao lại “sợ nhất… không nghiêm”?
- Vì cô giáo cháu dễ tính nên nhiều học sinh cứ nói chuyện tự do trong giờ học và trêu chọc các bạn, làm ảnh hưởng đến cả lớp. Lớp trưởng nhiều lần báo cáo về những trường hợp vi phạm nhưng cô giáo vẫn không nghiêm khắc nhắc nhở nên các bạn càng nhờn.
- Trung đội tôi có một số chiến sĩ thiếu tự giác trong huấn luyện mà cán bộ không kiên quyết chấn chỉnh nên lần nào cấp trên kiểm tra cũng phê bình cả trung đội, rồi tất cả mọi người đều phải luyện tập lại...
- Đơn vị tôi có hai chiến sĩ làm gì cũng hời hợt, ỷ lại, những anh em tốt cứ phải gánh vác, làm thay. Đáng buồn là chỉ huy đại đội chẳng nghiêm khắc phê bình, lại còn bao che, thiên vị nên hai chiến sĩ ấy càng được đà và mọi người thì chán nản, ức chế.
Kể lại những tâm sự trên đây để thấy rằng, hầu hết chúng ta không hề ngại vất vả, gian khổ, mà chỉ sợ sự thiếu nghiêm minh-điều dẫn đến tâm lý bất bình và “tư tưởng không thông vác bình tông không nổi”!
Là cán bộ quân đội từng nhiều năm công tác ở đơn vị cơ sở, trực tiếp quản lý và huấn luyện bộ đội, tôi rất vui mỗi khi nhận được lời cảm ơn của các chiến sĩ cũ, rằng “may là ngày xưa anh nghiêm khắc phê bình, chấn chỉnh, rèn luyện để giúp em tiến bộ”...
Ở tuổi trưởng thành, mọi người đều biết ơn các thầy cô giáo và cán bộ cấp trên đã chân thành, nghiêm túc rèn giũa mình. Ngược lại, chắc chẳng ai đồng tình với những thầy cô, cán bộ quá dễ dãi, nhất là vì thiếu trách nhiệm hay thiên vị, hoặc đơn giản chỉ vì chẳng muốn mất lòng ai.
Ngẫm ra, dù là việc gì, ở đâu-nếu dễ dãi, không nghiêm minh là có hại, có lỗi với tổ chức và tất cả mọi người.
HUY QUANG