Nhớ lại mấy chục năm trước theo lề thói “xuân thu nhị kỳ” của ông bà xa xưa, người dân thị xã Tuyên Quang (nay là thành phố Tuyên Quang), từng gia đình, từng nhóm, từng tổ dân phố lại xúm nhau làm đèn ông sao, đèn lồng hình các con vật để cho con trẻ rước đèn, trông trăng, phá cỗ. Để đám trẻ vui hơn, người dân đã làm các mô hình lớn hơn, tạo dáng, trang trí đẹp hơn...

Chung nỗi lo làm cho trẻ em vui, người dân vui, lãnh đạo các cấp, cơ quan, đơn vị và thành phố đã thử nghiệm và tổ chức các cuộc rước mô hình, rồi cao hơn là thi các mô hình của các tổ dân phố, các phường... Các cuộc thi mỗi năm lại được cán bộ, nhân dân và cả chiến sĩ Quân đội, Công an hưởng ứng nồng nhiệt hơn.  

leftcenterrightdel

Lễ hội Trung thu Thành Tuyên. Ảnh minh họa: VOV.vn 

Thế đấy, được làm cho con trẻ vui, người dân vui thì ai cũng vui. Và rồi những mô hình độc, lạ liên tiếp ra mắt, từ con ngựa, con rồng... đến "đám cưới chuột", "nhà miu trẩy hội", rồi "cá chép vượt vũ môn", "rồng vàng huyền thoại". Từ hàng chục đến năm nay là cả trăm mô hình. Không lặp lại đơn điệu, sáo mòn, luôn sáng tạo mới mẻ là yêu cầu cao mà đặc sắc, tạo cho Lễ hội Thành Tuyên sức thu hút và lan tỏa, nhất là trong bối cảnh du lịch đang phát triển sôi động hiện nay. Dù đã lập được đến 3 kỷ lục Guinness Việt Nam nhưng lễ hội ngày càng mở và đã sớm có được dáng dấp một Festival quốc gia và quốc tế với sự kết hợp của nhiều loại hình văn hóa, du lịch và thương mại, trong đó có cả những đơn vị nước ngoài tham gia.

Trung thu trăng sáng mọi nhà, việc tổ chức lễ hội của dân, do dân đã và sẽ có sức sống, sức sáng tạo, phát triển không ngừng.

NGUYỄN MẠNH