Năm 2004, Hội truyền thống Chiến sĩ Điện Biên Phủ TP Hải Phòng được thành lập (tiền thân là Ban liên lạc). Trụ sở không có, lãnh đạo hội đều bỏ tiền túi ra để công tác nhưng hội đã làm được rất nhiều việc: Tập hợp, đoàn kết, thăm hỏi hội viên; vận động hội viên viết hồi ký và sưu tầm nhật ký, kỷ vật liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ; liên hệ, tổ chức nói chuyện truyền thống Điện Biên Phủ ở các trường học, cơ quan, doanh nghiệp... Đến nay, các cựu chiến binh Điện Biên Phủ đã hai lần tái bản sách “Ký ức Điện Biên”. Mỗi lần tái bản, cuốn sách lại dày hơn. “Có nhà, 3 anh em tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ, nhưng chỉ mỗi người em út còn sống, tôi phải “ép” đồng chí ấy kể lại để người khác chấp bút. Những chuyện như thế, phải kể cho con cháu sau này biết”, ông Đặng Lâm kể.

Điều đặc biệt về các chiến sĩ Điện Biên Phủ mà tôi thấy là các cụ có lẽ sống rất đẹp. Sau khi ca khúc khải hoàn Điện Biên Phủ, trở về quê, hầu hết các cụ đều làm cán bộ, “bé” nhất cũng là cán bộ hợp tác xã, nhưng không ai vướng vào “viên đạn bọc đường”, không ai dính vào suy thoái hay tham nhũng. Nhiều cụ học vấn thấp nhưng nắm mục tiêu, lý tưởng của Đảng, nắm định hướng XHCN chắc hơn cả lớp trẻ.

 Và đáng yêu, đáng quý nhất là “tinh thần Điện Biên Phủ” của các cụ. Hiện toàn hội đang vận động, quyên góp để có kinh phí tái bản lần ba cuốn sách “Ký ức Điện Biên”. Ông Đặng Lâm tâm sự: “Chúng tôi phát hành “Ký ức Điện Biên” không phải để khoe thành tích mà cốt là để tinh thần Điện Biên Phủ đến được với càng nhiều người càng tốt. Bây giờ có nhiều bạn trẻ nói: “Danh hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ quý hơn vàng”. Nhưng các bạn ấy lại không thấm nhuần Chủ nghĩa Mác-Lênin; không nắm được mục tiêu, lý tưởng của Đảng thì chưa hiểu cội nguồn chiến thắng ấy. Chúng tôi nỗ lực trao truyền tinh thần Điện Biên Phủ là vì lẽ ấy”.

HỒNG HẢI