Những cống hiến của thế hệ nhà văn chống Mỹ rất đáng trân trọng nhưng ở góc nhìn mới, dường như vẫn còn nhiều thiếu hụt. Đã xứng tầm với những tháng năm dân tộc đầm đìa mồ hôi, nước mắt và máu để làm nên những chiến thắng vĩ đại chưa? Đó vẫn là một câu hỏi canh cánh trong lòng người viết, bạn đọc. Tôi nhớ lời phát biểu gan ruột của nhà văn Chu Lai trong hội thảo: "Chiến tranh và người lính là đề tài lớn nhưng hầu như chưa có tác phẩm nào chạm đến đỉnh cao của nó". Một sự tự vấn đáng kính trọng và nhà văn hy vọng: “Thế hệ này chưa làm được thì thế hệ sau sẽ làm”.

leftcenterrightdel
Công chúng tham quan trưng bày sách văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng bên lề hội thảo. Ảnh: NGUYỄN MINH 

Tại sao cho đến bây giờ văn học về chiến tranh chưa có tác phẩm đỉnh cao? Phải chăng, vẫn có cái gì đó đang lấn cấn trong mỗi nhà văn về quan niệm hay tư duy sáng tạo ở đề tài này. Một số người viết chưa dám vượt qua hoặc đi đến tận cùng sự miêu tả và suy ngẫm về cuộc chiến bi tráng, vĩ đại mà dân tộc ta đã trải qua. Hay trong ý thức người viết muốn tạo ra sự cân bằng giữa khoảng sáng và tối, giữa cái hùng và cái bi để có được độ “an toàn” nhất định trong tác phẩm của mình. Nỗi sợ vu vơ có thể làm cho tác giả không dám mạnh tay đẩy những tình tiết, trạng huống, xung đột đến tận cùng... Có lẽ “điểm nghẽn” ấy cần được khơi thông nhằm giải phóng năng lượng cho người viết. Thế hệ nhà văn chống Mỹ không còn trẻ nữa. Tài năng của họ có lẽ cũng đã được dốc hết và đạt tới giới hạn, trong khi những tác phẩm về chiến tranh ở đỉnh cao chưa xuất hiện.

Gánh nặng văn chương đang đặt lên vai thế hệ cầm bút trẻ. Điều đó có nghĩa, những tác phẩm văn học chiến tranh đỉnh cao đang ở phía trước...

NGUYỄN HỮU QUÝ