“Sợi chỉ hồng”
Trước ngày chuẩn bị kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập CLB Mô-tô Hà Nội (2-9-1962/2-9-2017), chúng tôi tìm gặp ông Trần Hợp Trí, nguyên Chủ nhiệm CLB Mô-tô Xe đạp từ năm 1975 đến năm 1997, người từng được nhiều thế hệ thành viên CLB Mô-tô Hà Nội gọi là “thầy”. Tại ngôi nhà số 9, Lô 4B, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, mặc dù đã gần 76 tuổi nhưng ông Trí vẫn rất tinh tường. Ông lật những bức ảnh đen trắng, kỷ niệm vàng son một thời mà như ông khoe, đó là tài sản quý, là “sợi chỉ hồng” về truyền thống của CLB. Những bức ảnh ghi cảnh trình diễn mô-tô "xít-đờ-ca" (Sidecar) cách đây hơn nửa thế kỷ của ông có sức hút lạ kỳ. Ông Trí giải thích, những người trong bức ảnh là thành viên của CLB Mô-tô Hà Nội đang trình diễn động tác quỳ bắn, đứng bắn và tránh đạn... trong khi xe chạy với tốc độ cao. Tiếp đó là những bức ảnh mà các thành viên CLB này “làm xiếc”, đứng ở yên xe, dang hai tay, nhoài người về trước, ngả người về sau giống như chim nhạn đang bay; vừa lái xe, vừa thực hiện động tác kênh thuyền tháo bánh, thay lốp khi xe vẫn đang lao nhanh về phía trước.
Ông Trí hào sảng kể, vào năm 1962, TP Hà Nội thành lập các CLB thể thao mô-tô, nhằm lôi cuốn, cổ vũ các tầng lớp nhân dân, nhất là những người ở lứa tuổi thanh niên, sinh viên, công nhân viên chức.... tham gia hoạt động rèn luyện, vui chơi, nâng cao sức khỏe, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các thành viên CLB Mô-tô Hà Nội trong Cuộc đua xe đạp “Về Trường Sơn-2017, Cúp Báo Quân đội nhân dân”. Ảnh: TRỌNG HẢI
Từ đây, môn thể thao mô-tô thu hút rất lớn sự chú ý của lớp trẻ, nhất là những người đam mê tốc độ, thích cảm giác mạnh, sự mạo hiểm. Qua rất nhiều đợt tuyển chọn, CLB đã đào tạo được nhiều thành viên tiêu biểu để trình diễn trong các dịp, sự kiện của thành phố. Bên cạnh đó, CLB còn đào tạo nhiều thanh niên là công nhân, dân quân, tự vệ của các nhà máy, xí nghiệp sử dụng xe máy, mô-tô vào các nhiệm vụ cần thiết. Mặt khác, CLB còn phối hợp phục hồi và sửa chữa hàng trăm xe 2 và 3 bánh, góp phần cùng bộ đội thông tin giữ vững liên lạc trong những lần đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc.
Ông Trí cho biết, thời đó, nhiều thiếu nữ Hà thành yểu điệu nghe tiếng mô-tô nổ tanh tanh, giòn tan là mê tít. Nhiều người đã vượt qua sự ngăn cấm của gia đình, tham gia tập luyện mô-tô. Chính những thiếu nữ chân yếu tay mềm ấy đã chinh phục được những chú “chiến mã hung dữ”, buông hai tay, ôm súng trường lướt trên những chiếc mô-tô phân khối lớn thực hiện động tác quỳ, đứng, nằm bắn, khiến cánh đàn ông lác mắt khâm phục. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Duy Hưng thời đó đã từng khen ngợi: “CLB mô-tô Hà Nội là CLB của những người dũng cảm...”. Cuối câu chuyện với chúng tôi, ông Trí luyến tiếc vì không có nhiều thời gian để kể thêm nhiều kỷ niệm vàng son một thời.
“Lá chắn” của các cua-rơ
Xã hội phát triển, điều kiện kinh tế thay đổi, việc trình diễn mô-tô như ông Trí khoe ở trên đã trở thành “của hiếm”. Nhiều năm trở lại đây, người đam mê mô-tô ở Hà Nội chuyển sang chơi xe theo nhiều cách khác nhau, như đi "phượt" tới các vùng miền xa xôi và rất đáng chê là hành động chạy xe với tốc độ cao, rú ga, bấm còi inh ỏi trong phố đông người để... khoe chiến tích. Các thành viên ở CLB Mô-tô Hà Nội, thuộc Liên đoàn Xe đạp - Mô-tô thể thao Hà Nội lại có cách chơi riêng, hết sức điềm đạm, chắc chắn, nhân văn, không mất đi màu sắc cùng sự máu lửa. Đỉnh cao của thú chơi ấy chính là việc được cùng “vợ thứ hai” cống hiến, làm “lá chắn” cho các cua-rơ trong những giải đua xe đạp, giải chạy việt dã hay dẫn đoàn khách trong đối ngoại. Anh Nguyễn Hồng Sơn, một thành viên tích cực của CLB giải thích: Tham gia giải đua xe đạp là ước vọng của các thành viên trong CLB Mô-tô Hà Nội. Vì tại đó, các thành viên được cống hiến khả năng, khuấy động, tạo khí thế, mang lại màu sắc cho giải đấu và là dịp phát huy tính hiệp đồng chuyên nghiệp trong hộ tống, dẹp đường, bảo vệ an toàn các cua-rơ và cả đoàn đua qua các cung, chặng suốt hành trình cuộc đua.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính đến nay, CLB Mô-tô Hà Nội là thành viên tích cực và đặc biệt không thể thiếu của các giải đua xe đạp do Báo Quân đội nhân dân tổ chức như: Giải “Về Trường Sơn” các năm 2007, 2012, 2017; Giải đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ” tổ chức vào năm 1994, 1999, 2004, 2009, 2014; Giải đua xe đạp Xuyên Việt Cúp Quốc phòng năm 2014. Ngoài ra, CLB còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thể thao quần chúng như: Giải chạy việt dã của TP Hà Nội; phối hợp với các lực lượng chức năng hộ tống các đoàn khách quý thăm và tham gia các sự kiện chính trị, văn hóa diễn ra tại Hà Nội. Bên cạnh đó, CLB còn lập quỹ từ thiện, giúp đồng bào nghèo tại các vùng bị thiên tai: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Sốp Cộp (Sơn La), Mường Ảng (Điện Biên), Ma Li Chải (Lai Châu). Hai năm gần đây, CLB Mô-tô Hà Nội đã trích quỹ gần 300 triệu đồng, góp phần xây dựng 2 trường học mầm non tại huyện Bát Xát (Lào Cai) và huyện Ba Bể (Bắc Kạn).
Quy định “hai mở” và “một đóng”
Người đầu tiên trong CLB Mô-tô Hà Nội mà chúng tôi tiếp xúc tại Cuộc đua xe đạp “Về Trường Sơn-2017, Cúp Báo Quân đội nhân dân” tổ chức hồi tháng 7 vừa qua là anh Đặng Mạnh Hùng. Anh Hùng hiện đảm nhiệm Phó chủ tịch của CLB, là người rất nhiệt tình và thân thiện. Anh cũng chính là người chỉ huy lực lượng mô-tô bảo vệ cuộc đua này từ Hà Nội vào tới Quảng Trị. Anh Hùng đi chiếc GoldWing được mệnh danh là “vua đường trường” bóng lộn, màu sắc bắt mắt có giá hơn một tỷ đồng. Anh chia sẻ, để được là thành viên của CLB này, người yêu mô-tô phải có xe từ 250cm3 trở lên; có Giấy phép lái xe hạng A2; có phẩm chất đạo đức tốt; không vi phạm pháp luật, không lợi dụng phương tiện của CLB (quần, áo và các trang bị đi kèm) vào việc cá nhân. Đặc biệt, ngoài tiêu chí do người có uy tín giới thiệu thì thành viên mới phải thực hiện “hai đóng” và “một mở”. Điều ấy có nghĩa là, trong thời gian 2 tháng thử thách, nếu vi phạm một trong những điều cấm của CLB thì mãi mãi không bao giờ được kết nạp là thành viên. Thế nên, cho vàng cũng không thể tìm thấy một thành viên của CLB này làm náo loạn phố phường bằng mô-tô.
Các thành viên CLB Mô-tô Hà Nội nêu cao tinh thần trách nhiệm ngay cả khi đoàn đua đã về đến đích ở Cuộc đua xe đạp “Về Trường Sơn-2017, Cúp Báo Quân đội nhân dân”. Ảnh: TÔ NGỌC ANH MINH
Trong suốt Cuộc đua xe đạp “Về Trường Sơn-2017, Cúp Báo Quân đội nhân dân”, chúng tôi đã được tận thấy chiến thuật bảo vệ đoàn đua của CLB Mô-tô Hà Nội hết sức chuyên nghiệp. Đội mô-tô được phân làm 5 tổ. Tổ tiền phương đi trước đoàn đua, nhưng đi sau xe dẫn đoàn của cảnh sát giao thông và có nhiệm vụ báo động, dẹp đường. Tiếp đó là tổ dẫn gồm 3 đến 5 xe mô-tô GoldWing rất đẹp, đi ở phía trước các cua-rơ. Tổ bảo vệ luôn đi sát bên phải và trái của các cua-rơ, có nhiệm vụ ngăn cản các hành vi bất ngờ, hoặc đề phòng các tình huống ở ngã ba và ngã tư hai bên hành lang đường đua. Tổ chở phóng viên và trọng tài có tính cơ động cao. Bởi theo yêu cầu của phóng viên, trọng tài, các lái xe mô-tô có thể vượt lên phía trước để ghi hình hoặc để trọng tài xác định cua-rơ về nhất chặng. Đi cuối cùng là tổ khóa đuôi.
Theo sát cuộc đua, chúng tôi nhận thấy, tổ khóa đuôi là tổ phải xử lý rất nhiều tình huống phát sinh. Bởi khi phía trước và hai bên đoàn đua đã được bao bọc kỹ thì cổ động viên ở các địa phương dễ lợi dụng khe hở phía sau để vượt lên, bám, đuổi đoàn đua rất nguy hiểm. Trước tình huống này, tổ khóa đuôi thường sử dụng chiến thuật “hai tiến, một lùi”. 2 xe mô-tô của CLB hú còi lao nhanh về phía trước. Xe đi đầu vượt lên trên, chạy cùng tốc độ với xe đối phương rồi giảm dần. Tiếp đó, xe phía sau ép sát xe đối phương vào lề đường. Nếu đối phương còn hung hăng, tiếp tục phóng thì sẽ bị cả hai mô-tô cùng khóa chặt. Khi thấy đối phương không còn nguy hiểm thì chiếc xe ở bên lề sẽ vượt lên phía trước, tiếp tục làm nhiệm vụ. Chiếc mô-tô ở đầu buộc đối phương phải đi chậm, thậm chí dừng lại, nhường đường cho đoàn đua đi qua an toàn sau đó mới “cởi trói” cho đối phương.
Anh Hùng tâm sự chân tình, trong các cuộc đua xe đạp, ngoài xăng, dầu, nhớt do Ban tổ chức cuộc đua cấp, các lái xe mô-tô được lo ăn, ở và bồi dưỡng 150.000 đồng/người/ngày. Tuy số tiền ít ỏi, nhưng phần lớn các thành viên CLB rất hào hứng thu xếp công việc để cùng “vợ hai” đăng ký tham gia bảo vệ cuộc đua. Với họ, đó cũng là dịp để được vật lộn, tắm trong mưa gió, nắng nóng và bụi bặm cùng cảnh đẹp suốt dọc dài đất nước.
Được bảo vệ và cống hiến hết mình cho các hoạt động xã hội trong các cuộc đua xe đạp, trong các giải thi đấu thể thao, làm cho cuộc sống ngày càng ý nghĩa, tốt đẹp hơn, để tính nhân văn của người Việt lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng là cách mà CLB Mô-tô Hà Nội đã làm. Thiết nghĩ, đó mới là thú đam mê cao nhất, cao hơn cả đam mê tốc độ, đam mê khám phá mà những người yêu thích mô-tô thường tìm đến.
ANH THU - MẠNH THẮNG