Hoàn thành chỉ tiêu về suất tham dự

Sau khi Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 kết thúc vào tháng 10-2023, lãnh đạo Cục Thể dục thể thao (TDTT), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng các liên đoàn/hiệp hội thể thao lập kế hoạch chuẩn bị cho Olympic Paris 2024. Theo đó, TTVN xác định giành từ 12 đến 15 suất chính thức dự Thế vận hội. Tính đến ngày 22-6, tức trước thời điểm khai mạc Olympic Paris 2024 một tháng, TTVN hoàn thành chỉ tiêu khi giành 13 suất chính thức, gồm: Nguyễn Thị Thật (xe đạp); Nguyễn Huy Hoàng (bơi); Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng); Trịnh Văn Vinh (cử tạ); Nguyễn Thị Hương (canoeing); Phạm Thị Huệ (rowing); Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát (cầu lông); Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing); Lê Quốc Phong (bắn cung); Hoàng Thị Tình (judo).

Vui mừng khi TTVN hoàn thành chỉ tiêu về suất dự Olympic Paris 2024, nhưng ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1, Cục TDTT bày tỏ sự tiếc nuối khi chúng ta hụt mất 3 suất của Trương Thị Kim Tuyền (taekwondo), Vũ Thành An (đấu kiếm) và Trịnh Hải Khang (thể dục dụng cụ). Trước khi "chốt sổ", TTVN hy vọng có thêm hai suất đặc cách dự Thế vận hội ở môn điền kinh và bơi.

Hướng tới tham dự Olympic Paris 2024, Cục TDTT đã có kế hoạch để các vận động viên (VĐV) đạt suất chính thức được đi thi đấu và tập huấn ở nước ngoài. Theo đó, Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng) sẽ tham gia tập huấn tại Hàn Quốc và Hungary, trước khi di chuyển sang Pháp thi đấu Olympic. Võ sĩ Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing) được tạo điều kiện sang Pháp sớm để tập luyện làm quen với điều kiện thời tiết, múi giờ. Lực sĩ Trịnh Văn Vinh (cử tạ) đang tập huấn tại Trung Quốc nhằm cải thiện thành tích thi đấu. Trong khi đó, Lê Đức Phát và Nguyễn Thùy Linh (cầu lông) đang tập luyện tại Trường Đại học TDTT Bắc Ninh trước khi tham dự giải cầu lông quốc tế tại Australia và Đài Bắc Trung Hoa...

leftcenterrightdel

Lực sĩ Trịnh Văn Vinh (cử tạ) có cơ hội cạnh tranh huy chương tại Olympic Paris 2024. Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Trông vào may mắn

Mặc dù đã có 13 suất chính thức nhưng mục tiêu giành huy chương Olympic Paris 2024 của TTVN rất gian nan. Khi được hỏi về cơ hội nào cho TTVN tại Thế vận hội sắp tới, ông Hoàng Quốc Vinh bày tỏ: “Chúng tôi đã tư vấn các huấn luyện viên rằng chỉ nên hỏi nguyện vọng, ước mơ của VĐV chứ đừng đặt chỉ tiêu mà tạo ra áp lực. Olympic là đấu trường đẳng cấp nên ngoài thi đấu hết mình, khát khao giành chiến thắng vì màu cờ sắc áo, VĐV phải trông vào may mắn. Nói thế không có nghĩa là chúng ta không có cơ hội. Một số môn như boxing, bắn súng, cử tạ... hoàn toàn có thể giành huy chương. Biết đâu khi bốc thăm nhánh đấu, hai võ sĩ boxing của chúng ta gặp may mắn không phải đụng độ đối thủ mạnh và chỉ cần vào bán kết là có huy chương. Trong khi đó, các xạ thủ bắn súng phấn đấu vào chung kết là có khả năng cạnh tranh huy chương”.

Trong lịch sử tham dự Olympic, cử tạ được xem là môn thế mạnh của TTVN, khi từng có lực sĩ Hoàng Anh Tuấn đoạt Huy chương Bạc Olympic Bắc Kinh 2008 và Trần Lê Quốc Toàn giành Huy chương Đồng Olympic London 2012. Tại Olympic Paris 2024, cử tạ Việt Nam có 1 suất chính thức tham dự, đó là lực sĩ Trịnh Văn Vinh. Đánh giá về khả năng cạnh tranh huy chương của Trịnh Văn Vinh, ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT nhận định: “Trước đây, khi đấu trường Olympic có hạng cân 56kg nam, cử tạ Việt Nam luôn sáng cửa giành huy chương. Tuy nhiên, nay hạng cân này không còn, thay vào đó là hạng 61kg nên cơ hội cạnh tranh tốp đầu khó khăn hơn nhiều. Thành tích hiện tại của Trịnh Văn Vinh là 294kg tổng cử, xếp thứ 9 trong số các lực sĩ tham dự Olympic nội dung này. 294kg cũng là thành tích tương đương với tấm huy chương đồng hạng 61kg tại Olympic Tokyo 2020, nhưng hiện thành tích thi đấu của các đối thủ được nâng lên nhiều. Tại hạng 61kg nam, có 6 lực sĩ đạt mức tổng cử trên 300kg, trong đó cao nhất là 313kg. Thời đỉnh cao, Trịnh Văn Vinh cũng từng nâng được tổng cử 307kg”.

Theo bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó cục trưởng Cục TDTT, tại sân chơi Olympic, TTVN xếp sau Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines. Một trong những nguyên nhân khiến TTVN còn gặp nhiều khó khăn khi tranh tài ở Olympic là nguồn lực đầu tư cho thể thao còn hạn chế, chưa có điều kiện áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thi đấu. Ví dụ, TTVN có thế mạnh ở các nội dung hạng nhẹ nữ môn rowing, song môn này thường tổ chức các nội dụng hạng nặng ở Olympic. Các nữ VĐV rowing Việt Nam có vóc dáng người nhỏ, gặp rất nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các đối thủ có chiều cao tốt, thường là đạt tới 1,8m.

Để động viên tinh thần thi đấu của các VĐV, Ủy ban Olympic Việt Nam đã phối hợp với các doanh nghiệp để có mức thưởng cao tại Olympic Paris 2024, tương ứng: VĐV đoạt huy chương vàng sẽ nhận thưởng 1 triệu USD (khoảng hơn 23 tỷ đồng), huy chương bạc là 500.000USD (khoảng 11,5 tỷ đồng) và huy chương đồng là 200.000USD (khoảng 4,6 tỷ đồng).

Tính đến ngày 22-6, thể thao Thái Lan sở hữu 43 suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Các vị trí tiếp theo lần lượt, gồm: Singapore (22 suất), Malaysia (21 suất), Indonesia (21 suất), Philippines (15 suất), Việt Nam (13 suất), Lào (1 suất), Myanmar (1 suất). Mỗi VĐV Việt Nam đoạt vé chính thức tham dự Thế vận hội lần này sẽ nhận phần thưởng 20 triệu đồng.

 

VIỆT AN