Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần về nguồn lực vận động viên (VĐV) tham dự Olympic Paris 2024, ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) chia sẻ: “Để đến được Olympic, TTVN cần một lực lượng tinh nhuệ. Con số tuyển thủ nước nhà dự Olympic Paris 2024 rất khó đoán, bởi vì còn phải trải qua nhiều vòng loại. Nhưng để có được huy chương ở đấu trường này, với TTVN quả là khó khăn”.
4 thập niên qua, Việt Nam đã tích cực lấy đấu trường SEA Games làm bàn đạp để nâng cao nền TDTT nước nhà, từng bước tiến vào đấu trường châu lục ASIAD, cũng như hướng tới đỉnh cao là Olympic. TTVN thắng lớn ở SEA Games 31 nhưng tĩnh tâm nhìn lại, ASIAD và Olympic quả là những đỉnh núi cao, không chỉ với TTVN mà còn với thể thao Đông Nam Á.
Hướng tới Olympic Paris 2024, bắn cung được Tổng cục TDTT đưa vào diện đầu tư trọng điểm thế nhưng tại SEA Games 31, môn này lại không giành được HCV. SEA Games 31 bế mạc cũng là thời điểm đội tuyển bắn cung quốc gia, bộ môn bắn cung (Tổng cục TDTT) ngồi kiểm điểm, bàn bạc, để nhìn ra những điểm yếu cần khắc phục. Ông Trần Đức Phấn cho hay: “Tổng cục TDTT đầu tư cho bắn cung để hướng tới đấu trường Olympic. Đội tuyển bắn cung được kỳ vọng đoạt một số HCV ở SEA Games 31 nhưng đã thất bại. Phải tìm bằng được nguyên nhân thất bại thì mới có giải pháp để sửa chữa, khắc phục”.
Trong kế hoạch xây dựng từ trước, TTVN sẽ tập trung đầu tư cho một nhóm khoảng 30 VĐV, để tham dự ASIAD và chuẩn bị cho Olympic Paris 2024. Nhưng Trung Quốc đã hoãn ASIAD 19 (theo kế hoạch cũ tổ chức vào tháng 9-2022, tại Hàng Châu).
Với đấu trường Thế vận hội, 4 thập niên qua, TTVN đã tham dự 9 kỳ Olympic, với 152 VĐV tham gia tranh tài, giành 5 huy chương, gồm 1 HCV, 3 huy chương bạc (HCB), 1 huy chương đồng (HCĐ). Thế vận hội Rio de Janeiro 2016 là kỳ Olympic thành công nhất của TTVN khi xạ thủ quân đội Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV, 1 HCB, lập một kỷ lục ở đại hội. Trong khi đó, nữ võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân vinh dự trở thành tuyển thủ Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương Olympic, khi chiến thắng ở hạng cân 57kg tại Thế vận hội Sydney 2000. Cử tạ đóng góp hai tấm huy chương, trong đó có HCB của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn hạng 56kg tại Olympic Bắc Kinh 2008 và Trần Lê Quốc Toàn giành HCĐ ở Olympic London 2012, cũng ở hạng 56kg nam.
Olympic Tokyo 2020, có 18 tuyển thủ Việt Nam tranh tài ở 11 môn nhưng thực tế không một tuyển thủ nào thi đấu đúng phong độ. Lãnh đạo Tổng cục TDTT cho rằng, thất bại của TTVN tại Olympic Tokyo 2020 là do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng giải thích sao đây khi Indonesia giành 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ; Thái Lan và Philippines đều có 1 HCV; trong khi Malaysia giành 1 HCĐ trên đất Nhật Bản.
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 chỉ ra: “Điều đáng lo cho TTVN sau thất bại tại Olympic Tokyo 2020 là khoảng trống lớn về VĐV kế cận. Sau Xuân Vinh, Tiến Minh, Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn... hiện chưa có VĐV nào đủ sức gánh vác trọng trách”.
Đồng quan điểm với chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, ông Trần Đức Phấn cho hay: “Hiện tại kiếm VĐV có thể đi Olympic rất khó khăn. Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng được nhắm tới cho ASIAD nhưng để giành được huy chương ở Olympic lại là chuyện khác. Các môn đối kháng về võ thuật vốn là thế mạnh của TTVN ở SEA Games nhưng ra sân chơi ASIAD cũng rất khó lấy HCV, Olympic càng không có nhiều cơ hội. Vật của Việt Nam mạnh là thế, lấy vàng ở SEA Games dễ dàng nhưng ra đấu trường châu lục không là gì, ra Olympic như va vào đá. Tựu trung lại, thể thao nước nhà có thể đoạt được một số HCV ở ASIAD nếu đầu tư tốt...”.
HÀ THÀNH