Tuy nhiên, không đơn giản để giành vé đến Olympic Paris 2024. Đơn cử tại SEA Games 32, không có tuyển thủ Việt Nam nào đạt chuẩn B, chứ chưa nói đến chuẩn A để dự Thế vận hội vào năm sau. Nhìn rộng ra khắp khu vực, ở môn bơi, cũng hiếm có kình ngư sớm đạt chuẩn. Môn bơi tại SEA Games 32 chỉ có kình ngư Jonathan Tan (Singapore) đạt chuẩn Olympic Paris 2024 ở nội dung 50m tự do, với thông số 21 giây 95 (chuẩn Olympic là 22 giây 07). Đội tuyển bơi Việt Nam trên đất Campuchia giành 7 huy chương vàng (HCV), 2 huy chương bạc (HCB), 7 huy chương đồng (HCĐ), trong đó có 2 kỷ lục đại hội của Phạm Thanh Bảo ở nội dung 100m ếch (thành tích 1 phút 00 giây 97) và 200m ếch (2 phút 11 giây 45). Tuy nhiên, thông số trên vẫn chưa đạt chuẩn dự Olympic.

leftcenterrightdel

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đang được ngành thể thao đầu tư trọng điểm. Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Hiện tại các kình ngư của đội tuyển bơi quốc gia đang tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ. Dự kiến ngày 25-5, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Huy Hoàng và Phạm Thanh Bảo sẽ trở lại Hungary tập huấn nhằm chuẩn bị cho ASIAD 19 ở Hàng Châu (Trung Quốc). Tại SEA Games 32, các tuyển thủ trên đều đoạt mỗi người 2 HCV cá nhân. Riêng Nguyễn Huy Hoàng và Trần Hưng Nguyên còn có thêm HCV tiếp sức 4x200m tự do nam.

Dù không phá được kỷ lục tại SEA Games 32, nhưng thông số 15 phút 11 giây 24 của Nguyễn Huy Hoàng ở nội dung 1.500m tự do nam tiệm cận với tốp 3 ASIAD 2018, và có cơ sở giành vé dự Olympic Paris 2024, khi chuẩn B là 15 phút 05 giây 49. Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng cho biết sẽ dồn quyết tâm tại ASIAD 19 nhằm đạt chuẩn dự Olympic vào năm sau. Bên cạnh đó, Nguyễn Huy Hoàng cũng nhắm đến nội dung 800m tự do vốn không được tổ chức ở SEA Games 32 nhưng có trong chương trình thi đấu ở ASIAD 19 và Olympic Paris 2024. Đây là nội dung sở trường của kình ngư người Quảng Bình, khi anh từng đoạt HCĐ ở ASIAD 2018 với thành tích 7 phút 54 giây 32, trong khi chuẩn A Olympic của nội dung này là 7 phút 54 giây 01.

Ở môn điền kinh, dự báo cũng sẽ khó khăn cho các chân chạy Việt Nam trong việc tìm kiếm suất dự Thế vận hội Paris 2024. Hai kỳ Olympic gần nhất, điền kinh Việt Nam giành được suất chính thức là ở Olympic London 2012 và Olympic Rio de Janeiro 2016, khi các tuyển thủ nhận vé từ nội dung đi bộ 20km, 400m và 400m rào nữ cùng nhảy cao nữ. Olympic Tokyo 2020, điền kinh Việt Nam không có suất chính thức mà dự bằng suất mời ở nội dung 400m rào nữ.

Tại SEA Games 32, chúng ta có Nguyễn Thị Huyền, HCV 400m rào với thông số 56 giây 29; Nguyễn Thị Thanh Phúc, HCV đi bộ 20km nữ với thời gian 1 giờ 55 phút 02 giây; Phạm Thị Diễm đoạt HCB nhảy cao nữ với thành tích 1,77m. Tuy nhiên những thông số trên chưa chạm tới chuẩn trao suất dự Olympic Paris 2024. Dẫu sao các vận động viên (VĐV) ở môn điền kinh, bơi vẫn có cơ hội đạt chuẩn dự Olympic ở đấu trường ASIAD, chứ không như thể dục dụng cụ (TDDC), chỉ tính chuẩn dự Thế vận hội ở các cúp thế giới và giải vô địch thế giới, châu Á. 3 VĐV trọng điểm của đội TDDC Việt Nam là Khánh Phong, Xuân Thiện, Hải Khang sẽ dự tranh Giải TDDC vô địch châu Á, được tính là vòng loại Olympic diễn ra tại Hàn Quốc vào cuối tháng 5 này. Đến tháng 10, các tuyển thủ trên sẽ dự Giải TDDC vô địch thế giới diễn ra tại Bỉ, được xem như giải đấu cuối cùng xác định những cá nhân giành vé đến Olympic Paris 2024.

CẨM TÚ