QĐND - Nơi đầu tiên xuất hiện bóng đá ở xứ Bò tót là Andalusia, mảnh đất của nắng nóng và cát bụi, chẳng khác nào sa mạc ở Bán đảo Iberia. Địa danh này với người Tây Ban Nha vào thế kỷ 19 chẳng có nghĩa lý gì, nó đồng hành với vùng đất chết, nơi "chó ăn đá, gà ăn sỏi", chẳng "ma" nào buồn đặt chân tới. Ấy thế mà ở vùng đất tưởng như không có chỗ cho sự sống đó lại là nơi ươm mầm sự sống cho bóng đá Tây Ban Nha, nơi ra đời đội bóng đầu tiên của xứ Bò tót, CLB Recreativo de Huelva.
Người Anh khai sinh ra bóng đá xứ Bò tót
Khá ngạc nhiên khi trận đấu đầu tiên của đội bóng đầu tiên này lại diễn ra ở trường đua ngựa Tabalda, với đối thủ cũng được thành lập bởi các ông chủ người Anh ở Andalusia, đội bóng Sevilla Water Work, nay là FC Sevilla. Không khó để Recreativo de Huelva trở thành đội bóng mạnh nhất Tây Ban Nha khi liên tục đoạt Cúp Nhà vua vào những năm đầu thế kỷ 20. Vào năm 1912, có 5 đội bóng tham dự giải đấu ở trường đua ngựa Madrid, đại diện cho ba vùng lãnh thổ nổi tiếng tượng trưng cho ba khu vực tiêu biểu về địa-chính trị và bóng đá Tây Ban Nha là Barcelona, Espanyol đến từ xứ Catalan. Madrid FC và New Madrid FC (sau này sáp nhập thành đội bóng nổi tiếng Hoàng gia Real Madrid) đến từ thủ đô Madrid và Athletic Bilbao, đội bóng độc nhất vô nhị cho đến tận bây giờ của bóng đá thế giới (chỉ dùng người địa phương) đến từ xứ Basque.
Trái ngược với mảnh đất nghèo khó Andalusia, xứ Basque được người Anh khi đó coi là “mỏ vàng”, một mảnh đất màu mỡ mà chỉ việc vung nhát cuốc là đào được khoáng sản. Người Anh khi đó cũng biết cách chiều lòng dân xứ Basque, khi thành lập đội bóng Athletic Bilbao, và sau này có thêm Bilbao FC. Không dừng lại ở đó, giới chủ đến từ Vương quốc Anh tỏ ra quá nhạy bén khi cho xây dựng một sân vận động có sức chứa hơn 40 nghìn người mang tên gọi San Mames (vào năm 1913).
Nhưng người Thụy Sĩ có công sáng lập Barcelona
Cùng lúc, ở xứ Catalan, một người đàn ông đến từ Thụy Sĩ đã làm thay đổi bộ mặt bóng đá Tây Ban Nha cho đến tận bây giờ, khi cho ra đời một đội bóng mang tên Barcelona. Doanh nhân này là Hans Kamper, vốn là ông chủ của hai đội bóng tại Thụy Sĩ là FC Zurich và FC Basel. Năm 1899, vì ông chú Emili Gaissert mời sang xứ Catalan quá nhiệt tình, Hans Kamper cũng ậm ừ, vốn chỉ coi xứ Catalan là chặng dừng chân, trước khi xuôi thuyền xuống Mũi Hảo Vọng (Nam Phi) để thiết lập một đường dây buôn nông sản. Nhưng như một định mệnh, Hans Kamper chợt nhận ra mình không cần phải đặt chân tới Mũi Hảo Vọng, bởi xứ Catalan đã thực sự là vùng đất hứa. Với vốn tiếng Tây Ban Nha “chuẩn không cần chỉnh”, Hans Kamper có một vị trí đáng nể ở Công ty đường sắt Sarria, nơi ông chú Emili Gaissert có chân trong hội đồng quản trị. Tại xứ Catalan, cái tên Hans Kamper được phiên là Joan Gamper cho có vẻ… Tây Ban Nha. Vào ngày 22-10-1899, Joan Gamper cho đăng một mẩu quảng cáo chưa đến trăm chữ trên tờ Los Deportes để kêu gọi những ai yêu bóng đá ở xứ Catalan chung sức đồng lòng thành lập một đội bóng tại thành phố Barcelona. Mẩu quảng cáo ngắn đó không ngờ đã cho ra đời một đội bóng hùng mạnh bậc nhất thế giới bây giờ. Vào ngày 29-11-1899, đội bóng FC Barcelona chính thức ra đời trong một quán bar với sự tham gia của 12 người; trong đó có 6 người Tây Ban Nha (xứ Catalan), 3 người Anh, 2 người Thụy Sĩ và 1 người Đức. Tại bữa tiệc nhẹ ra mắt đội bóng, CLB được lấy tên tiếng Anh là Football Club Barcelona. Vị chủ tịch đầu tiên của đội bóng huyền thoại này là Walter Wild (người Anh), và lý do ông được bầu làm chủ tịch rất đơn giản: Lớn tuổi nhất trong hội.
 |
Những trận đấu giữa Barcelona và Real luôn thu hút sự quan tâm của người hâm mộ trên toàn cầu. Ảnh: La Liga |
Dù là đội bóng phụng sự cho người dân bản địa nhưng trong một bộ phận người dân xứ Catalan, Barcelona vẫn được coi là đội bóng nước ngoài; đó là lý do ngay sau khi Barcelona ra đời, Espanyol cũng được thành lập bởi Angel Rodriguez - một sinh viên kỹ thuật. Khẩu hiệu của Angel Rodriguez khi thành lập Espanyol là: “Chúng tôi thành lập đội bóng này để cạnh tranh với một đội bóng nước ngoài là FC Barcelona”.
Sự phát triển “quá nóng” của bóng đá Tây Ban Nha đã kéo theo hệ quả là sự phân hóa và xung đột sắc tộc giữa các vùng miền (kéo dài cho đến tận bây giờ). Các chính trị gia ở Bán đảo Iberia coi bóng đá là một mặt trận vô cùng quan trọng, và không phải vô cớ mà một đội bóng danh tiếng khác là Real Madrid được đỡ đầu, bảo trợ bởi Hoàng gia Tây Ban Nha. Năm 1924, Real Madrid khánh thành sân vận động mới mang tên Chamatin, được coi là “thánh đường” của làng túc cầu Madrid. Real có được cơ sở vật chất tốt nhất châu Âu vào thời điểm đó, trở thành điểm đến đáng mơ ước của biết bao cầu thủ. Hai danh thủ mà Real mất công chiêu mộ vào những năm 20 thế kỷ trước là thủ môn Zamora và Samitier lại đến từ đối thủ không đội trời chung… Barcelona. Cho đến tận bây giờ, Zamora vẫn được coi là thủ môn “tay chơi” nhất thời đại: Luôn xuất hiện trước đám đông với điếu xì gà trên tay và không ngại uống rượu mạnh nếu được cổ động viên mời.
Phố Wall kéo bóng đá Tây Ban Nha thụt lùi
Khi mọi thứ đang là “màu hồng” với bóng đá Tây Ban Nha thì đột nhiên Phố Wall sụp đổ. Tây Ban Nha là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng đầu tiên bởi sự kiện đen tối đến từ xứ Cờ hoa. Kinh tế Tây Ban Nha lao dốc không phanh và bóng đá cũng bị ảnh hưởng nặng nề… Cuộc tổng tuyển cử vào năm 1936 đã chứng kiến một cuộc đụng độ lớn diễn ra giữa lực lượng Mặt trận dân tộc (bao gồm các đảng: Xã hội, Cộng sản, Cộng hòa) và lực lượng cánh hữu quốc gia với đại diện là đảng Phát xít, và chiến thắng sau đó đã thuộc về lực lượng Mặt trận dân tộc. Nhưng không lâu sau đó, cuộc nội chiến Tây Ban Nha nổ ra dữ dội (vào tháng 7-1936) và kéo dài suốt 3 năm, bóng đá xứ Bò tót cũng theo đó mà bị ảnh hưởng tiêu cực. Ở thủ đô Madrid, các trận bóng đá vẫn được tổ chức nhưng chẳng mấy người theo dõi. Mọi cơ sở vật chất của đội bóng Hoàng gia Real bị trưng dụng. Khác với Madrid, bóng đá ở xứ Catalan và xứ Basque vẫn diễn ra một cách bình thường. Cả hai giải vô địch vùng miền ở đây vẫn diễn ra sôi động cho đến năm 1938. Trước đó 1 năm, FIFA đã chấp nhận Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha (RFEF) dưới chế độ độc tài Franco. Tháng 1-1939, Franco đưa quân vào thành phố Barcelona và chính đội bóng hùng mạnh xứ Catalan bị Franco mang ra, trở thành công cụ để dàn xếp quyền tự chủ trong khu vực này. Barcelona bị đổi chủ tịch khi Franco chỉ đích danh Mesa de Asta, một tay chân thân tín của mình, làm Chủ tịch CLB Barcelona. Cùng lúc, ở Madrid, Franco và Chủ tịch đội bóng Real Bernabeu đã biến “Kền kền trắng” trở thành đội bóng tiêu biểu, là hình ảnh của quốc gia. Có thể thấy rõ vào thời điểm Real bắt đầu tung hoành ở làng túc cầu châu Âu thì cũng là lúc sự phân chia trong làng bóng đá Tây Ban Nha rõ rệt nhất, với hai nhánh đối lập Real và Barcelona. Từ hai đội bóng này đã xuất hiện “nghìn lẻ một đêm” những thiên chuyện liên miên bất tận về sự thù hận, duyên nợ giữa hai gã khổng lồ của làng túc cầu thế giới. Tuy hai đội bóng đại diện cho những thể chế chính trị khác nhau, hai hệ tư tưởng dân tộc, hai vùng miền nhưng lại rất giống nhau về những văn bản pháp lý liên quan đến CLB. Đó là trường hợp Real và Barcelona bị đem ra thanh lý, bất kỳ tài sản nào còn lại cũng sẽ được tặng cho chính quyền thành phố, các tổ chức xã hội; các thành viên của đội bóng có quyền bỏ phiếu tìm chủ tịch trong các cuộc bầu cử tiến hành 5 năm/lần; các thành viên bỏ phiếu phải từ 18 tuổi trở lên và mỗi vị chủ tịch đội bóng không được phép tại vị quá hai nhiệm kỳ liên tiếp...
FIFA “bẻ còi” vụ Di Stefano
Lẽ ra mối “lương duyên” giữa Barcelona và Real có thể rẽ sang một chiều hướng tích cực hơn, nếu không xảy ra vụ việc tranh chấp cầu thủ huyền thoại người Ác-hen-ti-na Di Stefano. Số là vào năm 1953, cả Real và Barcelona đều tuyên bố sở hữu cầu thủ Di Stefano. Sau này các sử gia cho rằng sở dĩ có chuyện trên có thể là do Di Stefano chả biết mình ký vào giấy tờ gì khi được đại diện pháp lý của đội bóng Real lẫn Barcelona chìa ra. Di Stefano không muốn phải lang bạt ở Ác-hen-ti-na, Cô-lôm-bi-a nên việc cầu thủ này muốn tức thì vào thời điểm đó là lao động (đá bóng) ở Tây Ban Nha. Sự việc tranh chấp cầu thủ này căng thẳng đến độ FIFA phải vào cuộc và phán quyết được đưa ra bởi giáo sư, tiến sĩ y khoa nổi tiếng Bán đảo Iberia Calero (thời điểm trên làm việc cho FIFA), rằng Real và Barcelona sẽ chia sẻ quyền sở hữu Di Stefano nhưng bất ngờ là sau khi phán quyết này được đưa ra, Franco đến thăm… vị giáo sư đáng kính Calero. Cuộc gặp kéo dài hơn dự kiến, dài hai tiếng đã đi đến quyết định Di Stefano thuộc quyền sở hữu của Real. Lý do đơn giản thôi: Barcelona đã tự nguyện rút lui trong cuộc chiến sở hữu tiền đạo này. Phán quyết nực cười trên của Calero, Chủ tịch CLB Athletico Madrid trong thập niên 1970 vô tình đã đưa Real bước vào kỷ nguyên rực rỡ nhất trong lịch sử đội bóng, bao trùm quyền lực lên bóng đá Tây Ban Nha và thế giới; đồng thời biến những trận siêu kinh điển giữa Barcelona-Real thành một trong những cặp đấu nguy hiểm nhất của bóng đá thế giới cho đến tận bây giờ.
Tính ra, trận siêu kinh điển Barcelona-Real (1-1) vào tối 3-12 (theo giờ Việt Nam) được truyền hình trực tiếp tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút gần 630 triệu người xem trực tiếp. Nhưng dân Anh lại không được xem trực tiếp trận siêu kinh điển này qua truyền hình, bởi liên quan đến một đạo luật được ký từ những năm 60 thế kỷ trước. Số là theo luật tại Xứ sở Sương mù, các trận bóng sẽ không được truyền hình trực tiếp trên ti vi từ 14 giờ 45 phút đến 17 giờ 15 phút ngày thứ bảy. Đạo luật này được Hiệp hội Bóng đá và Ban tổ chức Giải Ngoại hạng Anh (trước là hạng Nhất Anh) đưa ra từ thập niên 1960, sau khi những CLB lo ngại việc phát sóng trực tiếp sẽ ảnh hưởng tới lượng khán giả tới sân cổ vũ. Theo giờ Anh, trận Barcelona-Real hồi cuối tuần trước diễn ra vào lúc 16 giờ ngày thứ bảy.
|
THU NGA