Được đá sân nhà, trú quân nước bạn
Khi Euro 2020 đã sẵn sàng khai cuộc vào ngày 12-6, thì giới chức châu Âu và UEFA vẫn lo lắng, đó là bởi tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp ở Vương quốc Anh và "lục địa già". Mới nhất, John Fleck (đội tuyển Scotland) được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Tiền vệ của câu lạc bộ Sheffield United đã khiến 6 đồng đội, gồm: Che Adams, Nathan Patterson, Stephen O’Donnell, David Marshall, John McGinn và Grant Hanley phải tạm thời cách ly. Huấn luyện viên (HLV) Steve Clarke "oải" thực sự khi 7 cầu thủ trụ cột vắng mặt trong gần một tuần vừa qua.
Dẫu UEFA kỳ này cho phép các đội tuyển thay đổi quân số thoải mái nếu liên quan đến chấn thương và dịch Covid-19, thì chiến lược gia Steve Clarke cũng chẳng lấy đó làm điều dễ chịu. Đấu ở Euro đương nhiên phải chọn tinh binh, cỡ “hổ báo” chứ tầm này ai lại đưa “cáo chồn” xung trận. “Yếu trâu hơn khỏe bò”. Thôi thì ông Steve Clarke đành phải "hóng" nhóm 7 cầu thủ trụ cột sớm trở lại đội tuyển.
Tại VCK Euro 2020, Scotland là một trong 11 nước chủ nhà. Thành phố Glasgow sẽ đăng cai tổ chức 4 trận đấu, bao gồm 3 trận đấu ở bảng D: Scotland-Cộng hòa Séc, Croatia-Cộng hòa Séc và Croatia-Scotland, cùng một trận đấu ở vòng 1/8 tại sân Hampden Park. Tuy nhiên, tin John Fleck dính Covid-19 khiến các đội bóng cùng bảng "giãy nảy như đỉa phải vôi". Mọi kế hoạch trú quân ở Glasgow của Cộng hòa Séc, Croatia đã thay đổi nhanh chóng. Theo đó, hai đội bóng trên chấp nhận bay đi bay về giữa các trận đấu để tránh trường hợp lây nhiễm Covid-19. Bản thân HLV Steve Clarke cũng đang tính đến phương án để đội nhà trú quân ở... Anh, Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha cho an toàn.
Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) tỏ ý hoan nghênh và chào đón nồng nhiệt nếu như đội tuyển Scotland đặt đại bản doanh đâu đó ở xứ sương mù. Thậm chí, FA còn lấy làm hãnh diện nếu như được hỗ trợ chi phí ăn ở cho đội tuyển Scotland, trong trường hợp thầy trò nhà Steve Clarke chọn nước Anh làm nơi trú quân.
Đúng là dịch Covid-19 đã khiến thế giới chao đảo. Những bất ổn về chính trị cùng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến Copa America chuyển giải đấu từ Colombia sang Argentina, rồi bây giờ lại sang Brazil buộc UEFA phải cân nhắc nhiều kịch bản hơn cho VCK Euro kỳ này.
Tất nhiên, khi lên sóng truyền hình, Chủ tịch UEFA, ông A.Ceferin vẫn tỏ ra khá cứng rắn: “Hãy lạc quan và không nói về những viễn cảnh đen tối”. Và như thể muốn mọi người cảm thông, ghi nhận cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của UEFA trong việc tổ chức Euro 2020, ông Ceferin than thở: “Các bạn không biết chúng tôi có bao nhiêu lo ngại khi tổ chức một giải đấu lớn như Euro 2020. Chúng tôi lo ngại về an ninh, về bất ổn chính trị và một trong những lo ngại lớn nhất chính là dịch bệnh. UEFA đang đối phó với dịch bệnh và chúng tôi tự tin rằng các liên đoàn thành viên cùng UEFA có thể đối phó tốt với dịch Covid-19”.
Phụ họa cho ý kiến của "sếp", Tổng thư ký UEFA T.Theodoridis nói thêm: “Cơ quan điều hành bóng đá châu Âu không muốn phản ứng thái quá về tình hình lây nhiễm Covid-19. Bất kỳ đội tuyển nào tham dự VCK Euro kỳ này cũng sẽ được thay người tối đa nếu như không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay có cầu thủ bị chấn thương. UEFA thường xuyên liên hệ chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chính phủ các quốc gia ở châu Âu về việc tư vấn sức khỏe cộng đồng”.
Vòng chung kết Euro của đoàn kết
Xưa nay, FIFA lẫn UEFA đều mong muốn World Cup hay Euro sẽ mang đến những sự thay đổi tích cực trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, kỳ World Cup 2010 ở Nam Phi, 2014 ở Brazil và kể cả 2018 ở Nga không cho thấy điều đó. FIFA đến nay vẫn tự hào về kỳ World Cup 1990 hơn cả. Thời điểm đó, bất chấp sự nghèo nàn của phần lớn nền bóng đá thế giới, Italy 1990 được coi là một trong những kỳ World Cup nổi tiếng và thành công hơn cả. VCK năm đó cho thấy sự tiến bộ của Anh, Ireland và Cameroon.
Một con đường đẫm lệ và máu của Argentina để tiến đến trận chung kết, mà đỉnh cao là chiến thắng bán kết đầy ấn tượng của Maradona và đồng đội trước đội chủ nhà Italy ở Naples. Đó là lần xuất hiện cuối cùng của đội tuyển Tây Đức, Nam Tư, Liên Xô, Tiệp Khắc, và là lần đầu tiên đội tuyển Mỹ góp mặt tại một kỳ World Cup kể từ năm 1950. Không thể không nhắc đến Brazil với những chai nước bí hiểm đến từ đối thủ Argentina, khi hai đội gặp nhau ở vòng 1/8.
Cho đến tận bây giờ, Liên đoàn Bóng đá Brazil vẫn theo đuổi “vụ bê bối lọ nước thánh” (The holy water scandal), mà bác sĩ đội tuyển Argentina để cho hậu vệ Branco của Brazil uống ở phút 80 trận đấu. Kể từ sau sự việc trên, FIFA lẫn UEFA đều khuyến cáo các đội không nên uống nước của đối thủ tại World Cup hay Euro.
6 năm sau VCK Italy 1990, nước Anh hồ hởi tổ chức VCK Euro 1996. 1/4 thế kỷ đã trôi qua nhưng người Anh vẫn không ngừng tự hào về kỳ Euro trên, cho dù ở World Cup 2018, “Tam sư” đã lọt vào bán kết. Ở VCK Euro 1996, đội tuyển Anh là sự kết hợp của tất cả các loại phong cách, mọi niềm hy vọng lẫn chính trị, văn hóa, thương mại, ánh nắng mặt trời... dưới sự phát triển tuyệt vời của Ngoại hạng Anh.
25 năm trôi qua, liệu điều đó có thể xảy ra một lần nữa? Có thể lắm khi Euro kỳ này, đội tuyển Anh sẽ được chơi 6/7 trận trên sân nhà Wembley nếu như họ giành quyền vào chơi trận chung kết. Nhưng trong một diễn biến mới nhất, UEFA đã cảnh báo nếu như vì một lý do nào đó mà tình hình dịch bệnh bất ngờ lan rộng ở London thì trận chung kết Euro 2020 có thể thay đổi địa điểm.
Dẫu dịch bệnh khiến châu Âu ngả nghiêng, thì Euro 2020 lại có khả năng trở thành một trong những VCK đáng nhớ nhất. Tất cả các điểm đến của châu Âu, từ Seville đến Baku, từ Saint Petersburg đến Rome, từ London đến Munich... các đội bóng, người hâm mộ và chính quyền có cơ hội cùng nhau tôn vinh khả năng phục hồi của con người và tự tin bước vào khởi đầu mới, với mong muốn chấm dứt khủng hoảng về dịch bệnh.
Sau nhiều tháng bị hạn chế việc vào sân, có một cảm giác năng lượng của cổ động viên (CĐV) bị dồn nén bấy lâu nay đang chờ được giải phóng. Cần lắm những bàn thắng của Harry Kane, Benzema, Lukaku... cho cuộc chơi sắp tới. Cho dù CĐV tập trung quanh màn hình trong công viên hay vườn bia, tuyệt vọng ném ly bia (bằng nhựa) của ai đó lên không trung hay lặng lẽ xem ở nhà, thì VCK Euro kỳ này có khả năng trở thành một trải nghiệm thống nhất tuyệt vời khi châu Âu đang chung tay giải quyết triệt để tình hình dịch bệnh.
Đúng ra, nước Đức đã xong chương trình tiêm vaccine ngừa SARS-CoV-2 trên toàn quốc nhưng vì là “đầu tàu” châu Âu, họ có trách nhiệm chia sẻ vaccine với các quốc gia thành viên. Một châu Âu thực thể thống nhất có thể hy sinh, chia sẻ cho nhau những liều vaccine quý giá, thì không có nghĩa lý gì lại không tổ chức thành công VCK Euro 2020.
Tiền UEFA đâu thiếu
Khá bất ngờ là trong lúc dịch bệnh liên miên, tổng số tiền thưởng tại VCK Euro 2020 lên tới 371 triệu Euro-con số kỷ lục của giải đấu. Cách đây 5 năm, tổng số tiền thưởng tại VCK Euro 2016 chỉ cán mức 301 triệu Euro. “Miếng bánh ngọt” 371 triệu Euro sẽ được chia ra làm nhiều phần. Mỗi đội tuyển tham dự vòng bảng nhận ngay 9,25 triệu Euro cho cái gọi là “phí tham dự”, cộng thêm 1,5 triệu Euro cho một trận thắng và 750.000 Euro cho một trận hòa.
16 đội lọt vào vòng 1/8 (2 đội đứng đầu 6 bảng và 4 đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất) nhận thêm 2 triệu Euro/đội, sau đó là 3,25 triệu Euro ở vòng tứ kết và 5 triệu Euro cho mỗi đội vào bán kết. 10 triệu Euro sẽ được trao cho nhà vô địch, trong khi đội á quân được "an ủi" thêm 7 triệu Euro.
Nhẩm tính, nếu đội tuyển Anh nâng cúp vô địch vào ngày 12-7, FA sẽ nhận từ UEFA tổng số tiền thưởng lên tới 34 triệu Euro cho đội nhà. Đương kim vô địch World Cup, đội tuyển Pháp chỉ được nhận 31 triệu Euro trên đất Nga cách đây 3 năm. Trong khi đó, ở thời điểm này, hẳn các đội bóng Nam Mỹ đang ao ước mức thưởng ở châu Âu, bởi nhà vô địch Copa America 2021 chỉ được thưởng tổng cộng 5,37 triệu Euro.
Đặc biệt, báo chí Anh quốc những ngày qua ra rả thông tin về sức mạnh của “Tam sư”, khiến các đối thủ, trong đó có đội tuyển Đức, Tây Ban Nha phát cáu. Người Anh bao giờ cũng ảo tưởng về sức mạnh của đội nhà nhưng kỳ thực, đội Anh đang mạnh thật và dựa trên quan điểm của các cha xứ tại London, Harry Kane cùng đồng đội khả năng cao là đá trận chung kết ở sân Wembley. Các con chiên ngoan đạo trong sáng chủ nhật (6-6) đi nhà thờ ở London, nghe cha xứ nhận định về cơ hội của đội nhà thì lấy làm khoan khoái lắm.
11 sân vận động tổ chức
- Wembley (London, Anh), 90.000 chỗ.
- Olimpico (Rome, Italy), 70.000 chỗ.
- Allianz Arena (Munich, Đức), 70.000 chỗ.
- Olympic (Baku, Azerbaijan), 69.000 chỗ.
- Krestovsky (Saint Petersburg, Nga), 68.000 chỗ.
- Puskas Arena (Budapest, Hungary), 67.000 chỗ.
- La Cartuja (Seville, Tây Ban Nha), 60.000 chỗ.
- Nationala (Bucharest, Romania), 56.000 chỗ.
- Johan Cruyff Arena (Amsterdam, Hà Lan), 55.000 chỗ.
- Hampden Park (Glasgow, Scotland), 52.000 chỗ.
- Parken (Copenhagen, Đan Mạch), 38.000 chỗ.
|
24 đội tham dự
Bảng A: Italy, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, xứ Wales.
Bảng B: Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Nga.
Bảng C: Áo, Hà Lan, Ukraine, Bắc Macedonia.
Bảng D: Croatia, Cộng hòa Séc, Anh, Scotland.
|
KHOA MINH