Chuyện không đơn giản

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, chuyên gia Vũ Mạnh Hải, cựu cầu thủ Thể Công, phân tích: “Ở đội tuyển quốc gia, cùng với Quang Hải thì Hoàng Đức thuộc vào hàng xuất sắc nhất. Nhưng để so sánh với các cầu thủ nổi tiếng của bóng đá Thái Lan như Chanathip, Theerathon thì các hảo thủ của chúng ta vẫn còn mặt hạn chế. Để Quang Hải, Hoàng Đức... phát triển, đạt đến tầm cao mới, các đội bóng chủ quản cần tạo điều kiện cho cầu thủ xuất ngoại”.

Về bản chất, các đội bóng trong nước vẫn lệ thuộc vào ngân sách nhà nước hoặc hoạt động từ tiền túi của các ông chủ (như Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội FC). Tiếng là chuyên nghiệp đã hai thập niên qua nhưng các đội bóng ở V-League vẫn hoạt động dựa vào dòng tiền trên rót xuống cùng sự chung tay hỗ trợ của các nhà tài trợ, doanh nghiệp. Bất kỳ một sự cố nào xảy ra với doanh nghiệp, hao hụt đến nguồn tiền tài trợ, đội bóng bị lao đao ngay tức khắc và thậm chí phải giải thể, tạm dừng hoạt động như trường hợp của Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Than Quảng Ninh.

Giá trị của Hoàng Đức, Quang Hải không phải bàn cãi với Viettel, Hà Nội FC, họ đều được coi là biểu tượng của đội bóng. Nhưng hãy nhìn cái cách Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Minh Tuấn rời khỏi CLB Viettel sẽ thấy một điều khá lạ: Tất cả đều ra đi sau khi kết thúc hợp đồng. Lẽ thường, các đội bóng chuyên nghiệp không bao giờ muốn mất trắng cầu thủ. Họ sẽ luôn cố gắng thu về ít nhiều nhờ việc bán cầu thủ. Vào năm cuối hợp đồng, nếu đôi bên không thương lượng được việc gia hạn thì khả năng cao luôn là đội bóng chủ quản tìm cách chuyển nhượng cầu thủ để có tiền cân đối thu chi.

Bầu Hiển rất nhiều lần tuyên bố có CLB nước ngoài quan tâm đến Quang Hải nhưng khó có chuyện đội bóng Thủ đô để cầu thủ quê Đông Anh này ra đi. Giả dụ Hà Nội FC đồng ý để Quang Hải ra đi thì giá chuyển nhượng là bao nhiêu?

Năm 2018, khi Chanathip gia nhập Consadole Sapporo trong bản hợp đồng cho mượn từ Muangthong United, giá trị của Chanathip trên thị trường chuyển nhượng là 700.000 euro. Đến năm 2020, giá trị chuyển nhượng của “Messi Thái” đã tăng lên 2,5 triệu euro và vừa qua, Chanathip gia nhập Kawasaki Frontale, đội vô địch J-League 2021 với giá chuyển nhượng lên tới 3,5 triệu euro.

Vào tháng 8-2020, transfermarkt định giá chuyển nhượng của Quang Hải 300.000 euro và cho đến nay, vẫn theo chuyên trang này, giá không thay đổi. Hoàng Đức thì không thấy transfermarkt định giá chuyển nhượng. Có điều, tại AFF Cup vừa qua, không ít lần thầy Park đã cho gọi Quang Hải và Hoàng Đức vào phòng, nói chuyện riêng động viên “các em hãy ra nước ngoài thử sức”.

Giá trị chuyển nhượng của Chanathip tăng vọt trong thời gian qua nhờ vào việc anh thi đấu thành công ở J-League, một trong những giải bóng đá nhà nghề hàng đầu ở châu lục. Vào tháng 4 tới, Quang Hải sẽ hết hạn hợp đồng với đội bóng chủ quản. Bầu Hiển vẫn cần sự hiện diện của Quang Hải trong và ngoài sân cỏ. Giả sử đội bóng Thủ đô phải chi hơn 20 tỷ đồng (bao gồm tiền lót tay, lương và thưởng) cho Quang Hải để đổi lấy hợp đồng 3 năm thì đó vẫn là mức giá giúp các bên cảm thấy hài lòng.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc điều hành Hà Nội FC cho biết, đội bóng và Quang Hải đang tích cực đàm phán việc gia hạn hợp đồng. Khi nào có kết quả, Hà Nội FC sẽ tổ chức họp báo thông tin. Hà Nội FC chưa muốn Quang Hải ra nước ngoài thi đấu. Khi phải tiếp đối tác thì Quang Hải chính là bảo bối của bầu Hiển. Số tiền hơn 20 tỷ đồng để đổi lấy sự phục vụ của Quang Hải trong 3 năm tới với bầu Hiển là chuyện nhỏ, khi công việc kinh doanh của ông vẫn tốt, dòng tiền vẫn ầm ầm đổ về tài khoản. Chừng nào Hà Nội FC vẫn sống nhờ vào túi tiền của bầu Hiển, chưa phải hạch toán thu chi, chừng đó con đường ra nước ngoài thi đấu của Quang Hải còn xa. Với Hoàng Đức cũng vậy. Đội bóng Viettel hoạt động đã có kinh phí từ phía tập đoàn rót xuống. Việc để Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng ra đi mà đội bóng không (cần) thu về đồng nào cho thấy sự dồi dào về kinh phí hoạt động của CLB Viettel.

Cuối cùng, chưa chắc đội bóng chủ quản của Quang Hải và Hoàng Đức đã cần tiền, khi hằng năm được giao ngân sách để vận hành, hoạt động chứ không phải tự cân đối thu chi. Cơ chế đang không phải là kinh doanh đúng như bóng đá chuyên nghiệp của thế giới, mà đang là giải ngân.

leftcenterrightdel

Danh hiệu Quả bóng vàng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Hoàng Đức (bên phải). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

 

Cần tìm hướng đi thích hợp

Rồi cả khi có đội bóng nước ngoài đánh tiếng muốn chiêu mộ Hoàng Đức thì cũng không có gì lạ. Cứ cho là có đội bóng muốn chiêu mộ Hoàng Đức và chính tiền vệ này đã trả lời giới truyền thông là “có” muốn ra nước ngoài thử sức. Nhưng như trên đã phân tích, Hoàng Đức là biểu tượng của đội bóng Viettel, thế nên, ngày tiền vệ này có cơ hội thử sức ở một đội bóng nước ngoài có lẽ ở thì tương lai xa.

Giá trị của Chanathip tăng vọt sau khi chơi ở J-League 3 mùa giải. “Messi Thái” đã khẳng định được tên tuổi ở tầm châu lục. Với Hoàng Đức, nếu cứ mãi chơi bóng ở V-League, thật khó để anh đạt đến đẳng cấp cao hơn. Chuyên gia Vũ Mạnh Hải phân tích: “Cầu thủ Việt Nam muốn phát triển, không gì bằng ra nước ngoài chơi bóng. Sang Thái Lan cũng tốt. Đó sẽ là bước đệm để cầu thủ có thêm sự tự tin, hoàn thiện hơn các mặt trước khi nghĩ đến giải nhà nghề Hàn Quốc, Nhật Bản hay ở một quốc gia châu Âu nào đó”.

Tháng 2-2022, trên bảng xếp hạng FIFA, đội tuyển Việt Nam trở lại tốp 100 (vị trí 98) với 1.218,55 điểm; xếp hạng 17 châu Á; tiếp tục dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, bỏ xa kình địch Thái Lan (xếp hạng 112 thế giới) tới 14 bậc. Bóng đá Việt Nam, Thái Lan và các nền bóng đá khác được xây dựng, phát triển dựa trên 4 yếu tố: Đội tuyển quốc gia, các cầu thủ, hệ thống giải vô địch quốc gia và các CLB chuyên nghiệp. Chiếu theo bảng xếp hạng mới nhất của FIFA thì bóng đá Việt Nam đang mạnh ở yếu tố đầu tiên, nhưng 3 yếu tố sau thì chúng ta thua xa người Thái.

Chuyên trang Footy Rankings xếp Hà Nội FC là đội bóng mạnh thứ 5 ở Đông Nam Á, sau các đội dẫn đầu như: Muangthong, Buriram (Thái Lan). Các CLB còn lại của giải V-League không nằm trong tốp 10 bảng xếp hạng này.

Cầu thủ Việt Nam hiếm hoi có Đặng Văn Lâm thi đấu thành công ở nước ngoài. Nhưng để đạt đến tầm ảnh hưởng và giá trị như Chanathip là một chặng đường khá xa với Đặng Văn Lâm. Do đó, khó có thể nhận xét cầu thủ của chúng ta đang là điểm mạnh của nền bóng đá nước nhà. Không phải vô cớ huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo thời gian qua liên tục động viên Hoàng Đức, Quang Hải ra nước ngoài chơi bóng.

Chuyên gia Phan Anh Tú nhận xét về vai trò của Quả bóng vàng Hoàng Đức ở CLB Viettel là rất lớn. Tại đội tuyển Việt Nam, sự ổn định và đặc biệt là sự tiến bộ rất nhanh qua từng trận đấu chính là điểm cộng đối với Hoàng Đức trong cuộc đua giành Quả bóng vàng 2021.

Chơi không quá nổi bật ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, nhưng vào vòng loại cuối cùng, Hoàng Đức lại là gương mặt nổi bật, nhất là trong bối cảnh Hùng Dũng bị chấn thương, phải nghỉ thi đấu dài ngày. Hoàng Đức chơi trọn vẹn cả 3 trận cuối vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, rồi nhanh chóng chiếm suất đá chính, trở thành cầu thủ khó thay thế trong cách vận hành lối chơi của HLV Park Hang-seo và đội tuyển Việt Nam.

Tháng 9-2019, tại Hoàng Thạch (Trung Quốc), sau khi tham dự họp báo trước trận giao hữu giữa đội tuyển U.23 Trung Quốc và U.23 Việt Nam, HLV Park Hang-seo trêu vui Hoàng Đức: “5 năm nữa nổi tiếng đừng quên thầy nhé”. Thầy Park hẳn không ngờ, chỉ sau đúng hai năm, Hoàng Đức phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những hảo thủ đáng xem nhất của bóng đá Việt Nam. Thậm chí, tên tuổi của tiền vệ trẻ 24 tuổi này đã vượt tầm khu vực, sau những màn trình diễn ấn tượng ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, AFC Champions League và kỳ AFF Cup vừa qua. Phải chăng đó là lý do thầy Park khuyến khích Hoàng Đức ra nước ngoài thi đấu để phát triển sự nghiệp.

 Jernej Kamensek, nhà môi giới kỳ cựu nhiều năm làm việc ở Việt Nam phân tích: Quang Hải và Hoàng Đức đủ khả năng chơi bóng ở Đông Âu. Phù hợp hơn, cả hai có thể lựa chọn xuất phát điểm xuất ngoại là Thái Lan, trước khi nghĩ đến giải nhà nghề Nhật Bản, Hàn Quốc. Họ nên xuất ngoại để phát triển năng lực bản thân, họ cần có người chỉ lối để năng lực ấy không bị lãng phí.

HÀ THÀNH