Bán Messi, ông sẽ là kẻ thù của vô số hội viên đội bóng. Nhưng giữ chân Leo đến hết hợp đồng, dù chỉ một mùa giải, càng khiến Barca khánh kiệt.
Không thể chơi trò “lưỡng bại câu thương”
Hóa ra Koeman chưa phải HLV chính thức của Barca, vì đội bóng chưa thanh toán cho chiến lược gia Setien có 3,1 triệu USD tiền bồi thường hợp đồng. Nhưng tin sốc cho CĐV Barca chưa dừng lại ở đây, khi Forbes trong bản tin công bố Messi là tỷ phú thể thao thứ hai thế giới (sau Ronaldo), nhưng có đính kèm tin đội bóng xứ Catalan sẽ thâm hụt 200 triệu USD trong năm tài khóa 2019-2020, khi bản công bố tài chính của CLB được đưa ra trước đại hội cổ đông vào tháng tới.
Tin sốc vẫn còn, dù đây mới chỉ là Forbes dự báo, ở năm tài khóa 2020-2021, Barca sẽ lỗ ít nhất 250 triệu USD.
    |
 |
Ở tuổi 33, Messi vẫn có giá trên thị trường chuyển nhượng. Ảnh: GOAL |
Không chỉ 110.000 hội viên Barca, mà các đối tác của đội bóng xứ Catalan đọc tin trên cũng hoang mang, chỉ mong đó là hoang tin nhưng Forbes ít khi nhầm khi đưa ra các con số liên quan đến tài chính vì họ sống được là nhờ bán tin.
Trong 1 tỷ USD tổng tài sản của Messi, Barca “hân hạnh” đóng góp 2/3. Như vậy có thể thấy đội bóng này đã dồn toàn lực “vỗ béo” Messi 15 năm qua. Nhưng nếu chiếu theo những gì diễn ra trong thời gian qua, có vẻ như ngôi sao người Argentina sẵn sàng “thịt” đội bóng chủ quản nếu có cơ hội.
Barca đang rơi vào thế khó ở thương vụ Messi: Hoặc bán ngay lúc này, bán ở kỳ chuyển nhượng mùa đông tới, hoặc chấp nhận mất trắng cầu thủ con cưng vào 1 giờ ngày 1-7-2021, khi hợp đồng đôi bên kết thúc.
Barca sẽ phải trả cho Messi ít nhất 90 triệu USD tiền lương, thưởng ở mùa giải này, cộng thêm 72 triệu USD tiền thưởng cho lòng trung thành vào ngày 30-6-2021, sơ sơ đã hết hơn 160 triệu USD. Đó là một số tiền lớn với bất kỳ tập đoàn tài chính hay công ty đa quốc gia nào. Nhưng ở đây, mình Barca gánh trên vai khoản lương khổng lồ trả cho Messi.
Rất nhiều ý kiến đưa ra khuyên lãnh đạo Barca nên bán Messi ngay vào lúc này. 300 triệu USD giá chuyển nhượng cho Leo thì đội bóng nào kham nổi? PSG, Man City hay Chelsea sẽ chơi lớn? 200 triệu USD cho “Bọ chét” thì sao? Một mức giá hợp lý với các ông chủ ở Man City, và cũng tỏ rõ sự tôn trọng dành cho Messi khi anh đã 33 tuổi.
Barca không thể chơi trò “lưỡng bại câu thương” vì đang ở thế yếu. Hết tháng 6 năm sau, Leo sẽ trở thành cầu thủ tự do, và không có lý do gì ngăn anh kiếm hàng trăm triệu USD từ đội bóng mới. Messi cần kiên nhẫn hơn 9 tháng nữa, trong khi Barca lại không thể chơi trò “câu giờ”.
Barca rất muốn Messi gia hạn hợp đồng dù là một năm. Chỉ là 12 tháng thôi nhưng thực sự rất quý giá với đội bóng chủ sân Nou Camp, vì hai nhà tài trợ hàng đầu của Barca là Rakuten và Beko sẽ hết hạn tài trợ cho đội cũng vào tháng 6-2021, trùng với thời điểm Leo ra đi.
Theo The Athletic, lãnh đạo Barca từng hơn một lần cân nhắc chuyện bán Messi. Năm 2013, chủ tịch Rossell và ban lãnh đạo, trong đó có Josep Bartomeu, khi đó là phó chủ tịch, đã thất kinh trước đòi hỏi lương, thưởng của Jorge Messi-bố đẻ và cũng là người đại diện của Leo: Từ 20 triệu lên 40 triệu USD/mùa giải.
Đưa chủ nhân của 6 Quả bóng Vàng, 634 bàn thắng và 34 danh hiệu sau 15 năm phụng sự lên bàn chuyển nhượng dễ bị mang tiếng “vắt chanh bỏ vỏ”, nhưng Barca đã chi trả cho Messi ít nhất 700 triệu USD tiền lương, thưởng.
Mỗi lần Leo gia hạn hợp đồng, ông Jorge Messi cũng được lãnh đạo Barca trả công đến chục triệu USD.
Nhưng nếu Barca bán Messi vào thời điểm này, lòng người ở xứ Catalan không yên. Hơn thế nữa, các nhà tài trợ cũng lấy đó làm phật lòng.
Không biết khai thác “mỏ vàng”
Các sếp ở Nike rất thất vọng khi Neymar chuyển sang PSG vào năm 2017, ngay trước khi họ đồng ý gia hạn hợp đồng áo đấu với Barca. Barca cũng bị thiệt hại khi mất 3 đối tác từ Brazil khi Neymar dứt áo ra đi. Bên cạnh đó, Sony không gia hạn với tư cách nhà tài trợ toàn cầu của Barca nữa khi Neymar không còn hiện diện ở Nou Camp. Khi Neymar mới 17 tuổi, Sony cùng Red Bull đã là những nhà tài trợ đầu tiên cho tiền đạo người Brazil.
Thế mới có chuyện Forbes nhận định: “Neymar mới là chuyên gia đóng quảng cáo, hút các nhãn hàng bậc nhất chứ không phải là Messi”.
Forbes có vẻ rảnh, khi điều nghiên các ngôi sao ở Barca. Nhưng như đã nói ở trên, họ chuyên bán “tin thông minh” cho các đối tác, mà Messi lại là ưu tiên hàng đầu của nhiều nhãn hàng.
Trong số các nhà tài trợ của Barca thì Nike, Beko và Rakuten chiếm 3 vị trí quan trọng nhất. Beko trở thành nhà tài trợ trên tay áo của Barca vào năm 2014. Tới năm 2018, thỏa thuận được nâng cấp thành nhà tài trợ chính thức trên sân tập Barca, khi Pique mỉm cười nhìn vào camera, đứng bên cạnh chủ tịch Bartomeu cùng chủ tịch công ty của Thổ Nhĩ Kỳ này dạo bước trên thảm cỏ sân Camp Nou. Hợp đồng đôi bên sẽ kết thúc vào hè 2021. Trong 3 mùa giải qua, Beko đã trả cho Barca 57 triệu USD.
Năm 2017, Barca ký hợp đồng với Rakuten trị giá hơn 60 triệu USD mỗi năm, kéo dài trong 4 mùa giải. Giám đốc điều hành Rakuten Hiroshi Mikitani đã đề cập đến Messi khi công bố thỏa thuận này vào tháng 7-2017. Ngay trong tháng đó, công ty Nhật Bản mời cầu thủ người Argentina cùng Neymar, Pique sang Tokyo gặp gỡ 10.000 nhân viên của họ.
Nếu Messi không gia hạn hợp đồng với Barca, Rakuten khả năng cũng thôi không tài trợ cho đội bóng nữa.
May cho Barca là Nike vừa gia hạn hợp đồng tài trợ đến tháng 6-2026, với số tiền lên đến 180 triệu USD/năm. Bản thân lãnh đạo Nike cũng có mặt không bằng lòng với Messi, khi anh lại nhận tài trợ cá nhân từ Adidas-kẻ thù không đội trời chung của Nike.
Barca có 110.000 hội viên, trong số này không phải ai cũng có vé vào sân xem cả mùa giải và họ mang lại cho đội bóng nguồn thu 38 triệu USD trong mùa bóng vừa qua. Những năm trước, con số này dao động từ 45 đến 50 triệu USD. Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu của Barca từ CĐV ruột, mà còn đến cả việc kinh doanh du lịch của đội. Theo đó, số vé bán cho khách vãng lai xem Barca thi đấu, tham quan đội bóng, mua quà lưu niệm trong mùa giải qua chỉ mang về khoảng 70 triệu USD, ít hơn 20 triệu USD so với mùa giải 2018-2019. Nhưng có một điều rút ra ở đây, dù là khách vãng lai nhưng họ bỏ ra rất nhiều tiền để chi tiêu khi đến sân Nou Camp, chứ không tiết kiệm như hội viên của đội bóng. Thực tế cho thấy hội viên Barca hiếm khi bỏ tiền mua áo đấu mới của CLB. Điều này đã được kiểm chứng khi dù có Messi trong đội hình, nhưng năm qua Barca chỉ bán ra được 2 triệu áo đấu. Real Madrid dù không còn Ronaldo nhưng cũng bán ra 3 triệu áo đấu. Còn áo đấu của MU, dù đội hình chẳng có mấy ngôi sao, thi đấu đì đẹt trong năm qua nhưng bán ra thị trường 3,25 triệu áo đấu, đoạt ngôi quán quân lĩnh vực này.
Các quan chức Nike hẳn rất buồn khi nhìn vào thống kê trên, bởi Real Madrid, MU mặc áo đấu do Adidas tài trợ. Khó tin một đội bóng có Messi trong đội hình, với dàn hảo thủ xung quanh như Pique, Suarez, Busquets... mà số lượng áo đấu bán ra lại hẻo như vậy. Nó cho thấy các sếp ở Barca không biết tận dụng nhân tố Messi trong việc tiếp thị, bán hàng. Năm sau nếu Leo không còn ở Nou Camp nữa, áo đấu Barca bán ra liệu có được trên 1 triệu chiếc?
* Koeman thế chỗ HLV Setien bằng bản hợp đồng hai năm. Năm sau Barca sẽ bầu chủ tịch mới, nên hợp đồng có điều khoản vào năm thứ hai dẫn dắt Barca của Koeman sẽ do tân chủ tịch quyết định.
* Tờ AS, nhật báo thể thao thân Real Madrid thông tin, ngân quỹ của Barca chỉ còn 25 triệu USD dành cho việc chuyển nhượng.
* Messi sẽ lỡ trận El Clasico lượt đi mùa giải 2020-2021 trên sân nhà vào ngày 25-10 tới. Trước đó, vào ngày 13-10, Argentina sẽ đá vòng loại World Cup 2022 gặp Bolivia. Messi trong vai trò đội trưởng Argentina đã xác nhận tham dự trận đấu trên. Theo luật của Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha, tất cả cầu thủ trở về từ Nam Mỹ sẽ phải cách ly 14 ngày để phòng dịch Covid-19.
|
KHOA MINH