Nghệ nhân Phạm Văn Lợi cho biết, người Mai Động tự hào về đậu phụ mơ và vật truyền thống. Cả hai “đặc sản” này đều gắn với danh tướng Tam Trinh. Thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Tam Trinh về Mai Động dạy chữ, dạy đấu vật và dạy nghề làm đậu phụ cho dân làng; tập hợp trai tráng, xin với Trưng Nữ Vương được dẫn quân đánh giặc. Sau khi mất, ông được dân làng Mai Động lập đình thờ phụng là Thành hoàng làng, hằng năm tổ chức lễ hội vật từ mồng 4 đến mồng 7 tháng Giêng để tướng nhớ công đức.
Trải qua gần 2.000 năm, Lễ hội vật truyền thống Mai Động trở thành món ăn tinh thần của dân làng và những người yêu đấu vật muôn nơi mỗi dịp đầu xuân. Hội vật năm nay diễn ra tưng bừng với 50 keo vật.
|
|
Các đô vật nhí tranh tài tại Lễ hội vật truyền thống Mai Động Xuân Giáp Thìn 2024.
|
Cái hay của Lễ hội vật truyền thống Mai Động là nhân dân và du khách đều được đăng ký tham dự. Tôi chứng kiến những đô vật đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” lưng trần khí thế bước vào sới vật, các em nhỏ mới 8 tuổi hào hứng tham gia. Điều ấn tượng là hình ảnh các mẹ xếp hàng, dắt theo con đăng ký đấu vật. Người ta vẫn hay nói cha mẹ ngày nay thường bao bọc con cái, nhưng vì sao con trẻ phường Mai Động được tham gia đấu vật? Chỉ có thể là khí chất người Mai Động, truyền thống của một vùng đất thượng võ đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Trẻ con Mai Động được nuôi dưỡng đam mê đấu vật từ cha ông. Em Dương Anh Tùng, 8 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Hưng, một trong những đô vật nhí của Lễ hội vật truyền thống Mai Động Xuân Giáp Thìn 2024, nói: “Bố cháu bảo muốn trở nên mạnh mẽ thì nên tham gia đấu vật”. Vậy đấy, sự ủng hộ của gia đình chính là “ngọn lửa” nuôi dưỡng đam mê, giúp cho đất vật Mai Động luôn sản sinh ra nhiều tài năng. Có những đô vật giàu kinh nghiệm tham gia hội vật hơn 20 năm và trở thành tuyển thủ đấu vật quốc gia, như trường hợp của Lê Xuân Thành. Có những tuyển thủ jujitsu quốc gia tìm về hội vật Mai Động mỗi năm để vui xuân, thử tài, như trường hợp của vận động viên Đào Hồng Sơn.
Vui mừng khi Lễ hội vật truyền thống Mai Động được tổ chức thường niên, nâng quy mô tổ chức lên cấp quận, song nghệ nhân Phạm Văn Lợi cho biết, từng có thời điểm vật Mai Động có nguy cơ mai một khi thanh niên bận đi làm ăn xa. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự ủng hộ của các tập thể, cá nhân mà Lễ hội vật truyền thống Mai Động được giữ gìn, danh tiếng được lan xa như ngày nay. Trong đó, mức thưởng lớn cũng là một trong những yếu tố giúp lễ hội thu hút nhiều đô vật muôn nơi. Ngoài mức thưởng cố định 3 triệu đồng cho đô vật giành giải nhất, nhân dân và du khách sẵn sàng thưởng nóng cho các đô vật, có keo đạt tiền thưởng tới 20 triệu đồng.
Ông Trần Văn Vịnh, Chủ tịch UBND phường Mai Động khẳng định: “Những năm qua, Lễ hội vật truyền thống Mai Động luôn hấp dẫn, thu hút người xem. Đây không chỉ là môn thể thao truyền thống, mà còn là nét đẹp trong lễ hội dân gian, góp phần phát huy tinh thần thượng võ và tinh thần đoàn kết dân tộc”.
Bài và ảnh: TAM NINH
-