Phong phú và đặc sắc

Phóng viên (PV): Việt Nam là đất nước có nhiều lễ hội truyền thống trải dài khắp các vùng miền. Vậy, đặc trưng lễ hội truyền thống ở nước ta là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Trịnh Thị Thủy: Việt Nam là đất nước có nhiều lễ hội truyền thống gắn với nền văn hóa đặc sắc trải dài khắp các vùng miền. Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 8.800 lễ hội, trong đó có hơn 8.100 lễ hội truyền thống, hơn 600 lễ hội văn hóa, còn lại là một số lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Các lễ hội khu vực phía Bắc tập trung vào mùa xuân; khu vực miền Trung-Tây Nguyên thường từ tháng 4 đến tháng 9; khu vực Nam Bộ diễn ra chủ yếu từ tháng 10. Lượng du khách đến với lễ hội truyền thống ngày càng tăng, nhất là các lễ hội lớn. Lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với tập quán, nghề nghiệp cũng thu hút rất đông người dân địa phương và du khách trong nước, quốc tế tham dự, thưởng lãm.

leftcenterrightdel

Đồng chí Trịnh Thị Thủy. Ảnh: TRẦN HUẤN 

Lễ hội truyền thống là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là kết tinh của nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng quý báu của dân tộc. Vì thế, các sinh hoạt lễ hội truyền thống đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh cũng như vui chơi, giải trí của nhân dân, tăng cường gắn kết cộng đồng và khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, tâm thức hướng về cội nguồn của người Việt; qua đó góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

PV: Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường quản lý việc tổ chức lễ hội ở các địa phương. Những kết quả cũng như tồn tại, hạn chế sau khi ban hành các quy định đó đến nay như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Trịnh Thị Thủy: Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về quản lý và tổ chức lễ hội như: Quyết định số 2139/QĐ-BVHTTDL ngày 16-7-2021 phê duyệt Đề án “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL ngày 23-9-2022 về “Tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch”; Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL ngày 3-8-2023 ban hành “Bộ tiêu chí môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Qua kiểm tra định kỳ hằng năm, hầu hết các lễ hội được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, an toàn, phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện kinh tế của mỗi địa phương, trở thành nét sinh hoạt văn hóa thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia; công tác quản lý nhà nước được tăng cường với nhiều giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao chất lượng tổ chức lễ hội, gắn việc tổ chức lễ hội với các sự kiện lớn của địa phương.

Công tác quản lý, tổ chức lễ hội; bảo đảm an ninh, an toàn tại các cơ sở tín ngưỡng; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, cảnh quan, môi trường tại di tích, lễ hội được sự quan tâm của ban quản lý, chính quyền địa phương đầu tư, nâng cấp bảo đảm thuận lợi phục vụ nhu cầu của du khách. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, phần hội tại lễ hội đều được xây dựng kịch bản và có sự phê duyệt của ban tổ chức, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng, miền; trong đó các yếu tố văn hóa truyền thống được đề cao, thu hút đông đảo người dân tham gia. Một số di tích, lễ hội tại các cơ sở tín ngưỡng lớn như: Chùa Hương, Đền Trần, Đền Sóc, đền Cửa Ông, Yên Tử... đã quy hoạch khu dịch vụ bán hàng, bến bãi gửi xe cho người dân và du khách; giá dịch vụ ở mức vừa phải, đúng quy định... Việc thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong lễ hội đã có sự thay đổi tích cực, tâm thế người đi hội vui tươi, phấn khởi, hành vi, thái độ niềm nở, không còn tình trạng chen lấn, xô đẩy...

leftcenterrightdel

Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang (Lệ Thủy, Quảng Bình). Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả trên, công tác quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Vẫn còn xảy ra hiện tượng kinh doanh dịch vụ hàng hóa trong khuôn viên di tích; đốt vàng mã; biến tướng trong hoạt động cúng dâng sao giải hạn, lợi dụng nhu cầu chính đáng của người dân để trục lợi... Một số di tích trong các khu vực nội thành ở các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao, do không gian chật hẹp nên việc bố trí khu dịch vụ phục vụ khách còn khó khăn...

PV: Nước ta có nhiều lễ hội truyền thống độc đáo, ý nghĩa nhưng do nhiều nguyên nhân, điều kiện lịch sử mà mai một. Đồng chí có thể cho biết, việc khôi phục các lễ hội như vậy đã được quan tâm ra sao?

Đồng chí Trịnh Thị Thủy: Sau hai năm thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đã có hàng trăm lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc được phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc. Ví như: Tết cơm mới của dân tộc Giáy tại thị xã Sa Pa (Lào Cai); Lễ hội Mường Lập của dân tộc Mường tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa); Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn tại huyện Quang Bình (Hà Giang); Lễ hội truyền thống dân tộc Lào (Điện Biên); Lễ hội truyền thống dân tộc Si La (Lai Châu); Lễ hội truyền thống dân tộc Gia Rai (Kon Tum)...

Việc phục dựng các lễ hội truyền thống đã thiết thực khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của các chủ thể văn hóa và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

leftcenterrightdel

Lễ hội rước pháo làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Ảnh: VIỆT TRUNG

Quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lễ hội

PV: Theo đồng chí, để bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống, hạn chế những tiêu cực, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cần phải làm gì?

Đồng chí Trịnh Thị Thủy: Ban tổ chức các lễ hội cần thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống như một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm; bài trừ hủ tục, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn. Ngay trong năm 2024, các lễ hội cần được tổ chức trang trọng, thiết thực; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội. Lễ hội truyền thống được tổ chức theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử-văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội.

Các địa phương cần xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, có phương án xử lý kịp thời tình huống phát sinh, nhất là đối với một số lễ hội lớn. Đặc biệt, chú trọng nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan, đơn vị chức năng ở các cấp trong việc xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án tổ chức lễ hội. Bộ VHTTDL đã ban hành văn bản hướng dẫn địa phương tổ chức áp dụng các tiêu chí về môi trường văn hóa vào công tác quản lý và tổ chức lễ hội và sẽ tiếp tục tổng hợp, theo dõi công tác tổ chức triển khai bộ tiêu chí của các địa phương trong mùa lễ hội Giáp Thìn 2024.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, chúng tôi tin tưởng rằng công tác quản lý, tổ chức lễ hội sẽ ngày càng nền nếp, khoa học, hiệu quả với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự hướng dẫn kịp thời, chủ động của các bộ, ngành Trung ương và sự nghiêm túc của các địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

DƯƠNG THU (thực hiện)