Tặng quà là nét đẹp văn hóa

Phóng viên (PV): Tặng quà là nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, ứng xử của hầu hết quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, nét văn hóa ấy được thể hiện trong đời sống ra sao, thưa bà?

PGS, TS Hoàng Kim Ngọc: Ở mỗi đất nước, dân tộc đều có cách tặng quà và nhận quà khác nhau tồn tại như một nét đẹp văn hóa thường ngày. Tôi thấy người Hàn Quốc và người Nhật Bản rất chú ý hình thức quà tặng. Nhiều khi giá trị món quà không lớn, có khi chỉ là gói bánh quy nhưng họ bọc gói vô cùng cẩn thận, tinh tế, đẹp đẽ. Hồi tôi làm việc cho một dự án đào tạo của Hàn Quốc, cuối mỗi khóa học, tôi thường nhận được một món quà từ Ban Quản lý dự án, lần thì là một vòng cổ ngọc trai, lần là cái khăn, lần lại là bộ mỹ phẩm. Ở phương Tây, người nhận quà thường hào hứng mở ngay ra để xem và họ thường bày tỏ sự vui sướng, reo lên khi món quà đó đúng ý thích của mình. Người tặng được chứng kiến giây phút ấy cũng thấy rất vui. Ở ta lại khác, người được tặng quà thường không mở ra ngay trước mặt người tặng...

Dân gian ta có câu “Của cho không bằng cách cho”. Tặng quà sao cho người được tặng cảm thấy vui và người tặng quà thấy được tôn trọng. Tặng quà là cả một nghệ thuật. Chọn quà gì để tặng là điều rất khó. Tặng đồ rẻ tiền có khi người ta nghĩ mình không coi trọng họ, tặng đồ đắt tiền thì lại khiến người ta cảm thấy áy náy và tìm cách để đáp lại trong một dịp nào đó. Tặng quà vào lúc nào, ở đâu cũng vậy, phải xuất phát từ tấm lòng chân thành của mình, phải tìm hiểu sở thích, nhu cầu người nhận, đừng bao giờ tặng món quà mà chính bản thân mình không thích.

leftcenterrightdel
PGS, TS Hoàng Kim Ngọc. 

Và vì tặng quà là nét đẹp văn hóa nên nhận quà hay từ chối quà cũng phải có văn hóa. Tôi từng nghe nghiên cứu sinh của tôi kể về việc một thầy giáo cứ khăng khăng từ chối món quà quê của cô học trò vì ông nghĩ bên trong có phong bì, khiến cô ấy chạnh lòng, tủi thân. Từ chối như vậy đâu phải đã hay. Tôi nghĩ, cách từ chối cũng phải tế nhị. Người tặng quà sẽ rất vui khi thấy người được tặng quà vui vẻ, trân trọng món quà của mình.

Ý nghĩa phụ thuộc vào người tặng, người nhận và quà tặng

PV: Theo thời gian và sự thay đổi của đời sống xã hội, các dịp tặng quà, đối tượng và quà tặng cũng đa dạng, phong phú hơn trước rất nhiều, ý nghĩa của việc tặng quà có thay đổi không, thưa bà?

PGS, TS Hoàng Kim Ngọc: Đúng là khi cuộc sống vật chất đầy đủ hơn thì mọi người cũng quan tâm đến đời sống tinh thần hơn và cũng nghĩ ra nhiều lý do để tặng quà nhau. Các dịp tặng quà càng ngày càng nhiều, ngoài dịp sinh nhật, ngày cưới, lễ, tết, kỷ niệm, sự kiện quan trọng trong đời, còn rất nhiều dịp khác như tặng quà cảm ơn, quà gặp mặt... Quà tặng cũng phong phú đủ loại. Đối tượng tặng quà cũng mở rộng, không chỉ người thân, bạn bè mà còn là đối tác làm ăn, đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới... Và ý nghĩa của việc tặng quà phụ thuộc vào người tặng, người được tặng và quà tặng.

Xưa kia tặng quà trong những dịp này thường giá trị vật chất không lớn lắm. Ngày nay tặng quà nhiều khi đã biến tướng đi nhiều. Có khi đó là dịp, là cơ hội để người tặng quà cảm ơn, nhờ vả hay đánh tiếng cho một vụ lợi nào đó... Từ việc nhận quà tặng thành ra lại ghi nợ nhau. Mà như thế thì ý nghĩa của nó không còn đẹp như xưa.

PV: Bà nghĩ sao về việc tặng quà là tiền mặt-một hình thức rất phổ biến hiện nay?

PGS, TS Hoàng Kim Ngọc: Tôi nghĩ tặng tiền mặt hay tặng quà là phụ thuộc vào mối quan hệ và mục đích tặng. Trong nhiều trường hợp, tặng tiền sẽ thiết thực hơn nhưng cũng nên định lượng thế nào cho hợp lý, đúng mực, bởi “ở rộng người cười, ở hẹp người chê”. Chẳng hạn, đám cưới thời nay thì tặng tiền mặt sẽ hay hơn tặng hiện vật. Tôi từng chứng kiến, cô dâu, chú rể không biết giải quyết thế nào với 5 bộ ấm chén, 4 nồi cơm điện, 6 cái màn, 7 cái chăn. Hoặc đôi khi đi thăm người ốm mà tặng hoa quả, tặng sữa thì chắc gì họ đã dùng được.

Tặng tiền mà có tình cảm chân thành, mục đích trong sáng thì rất tốt. Tiền có thể giúp đỡ cho người được tặng phần nào bớt khó khăn. Và người được tặng cũng đừng nên vì một sự sơ suất không cố ý nào đó của người tặng mà tự ái. Tuy nhiên, để người tặng và người được tặng tiền đều vui vẻ thì phải xuất phát từ tình cảm, sự chân thành và cũng cần chú ý cả cách nói, cách tặng.

Tôi từng làm một cuộc khảo sát sinh viên trong những lớp mà tôi đang dạy với câu hỏi đặt ra là: “Nếu được tặng quà, em thích tặng hiện vật hay tiền? Vì sao?”. Kết quả câu trả lời của đại đa số là thích tặng tiền hơn. Có em trả lời rằng: “Em thích được tặng tiền hơn quà, vì tiền sẽ mua được đúng món đồ em thực sự cần, thiết thực hơn và thực tế hơn. Nhưng ngày Valentine, em lại thích được tặng socola và hoa vì nó biểu hiện cho tình yêu, sự quan tâm, chiều chuộng”. Nhưng cũng có em lại thích được tặng và cũng thích tặng người khác những món quà là đồ “hand made”, đồ thủ công hay là hoa. 

leftcenterrightdel

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp nhiều cơ quan, đơn vị tặng quà các em nhỏ trong Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: QUANG THẠNH

Đừng để quà tặng biến tướng

PV: Thực tế không hiếm trường hợp tặng quà với mục đích không trong sáng. Quà tặng cũng vì thế mà có giá trị rất lớn, đôi khi được ngụy trang tinh vi để hợp lý hóa, đã làm biến tướng, mất ý nghĩa tốt đẹp của việc tặng quà. Chúng ta cần ứng xử với những hành vi ấy như thế nào thưa bà?

PGS, TS Hoàng Kim Ngọc: Tặng quà với mục đích tư lợi, nhờ vả, cầu cạnh, xin xỏ thì đó không còn là quà tặng mà lại trở thành quà cáp. Đó như là một thỏa thuận ngầm, một cam kết, một giao kèo cho những âm mưu. Người tặng như “trói” người nhận. Còn người nhận lại như “mắc nợ” người tặng. Người nhận mà vô cảm, quen thói nhận “hối lộ” thì không áy náy. Còn người áy náy sẽ cố gắng đáp ứng yêu cầu, mục đích của món quà “lớn” ấy. Nhưng nhận quà “hối lộ” lớn thì suy cho cùng cũng “của thiên trả địa”, có khi là tai ương.   

PV: Chúng ta đã có những điều luật, quy định để điều chỉnh hành vi liên quan đến việc tặng và nhận quà nhưng suy cho cùng đó chỉ là những rào cản cứng. Theo bà, trong xã hội hiện nay, làm sao để giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp vốn có của văn hóa tặng quà?

PGS, TS Hoàng Kim Ngọc: Đúng là có những quy định điều chỉnh hành vi liên quan đến tặng và nhận quà, như Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị... Nhưng suy cho cùng, những điều đó thực tế chỉ được “chấp hành” ở nơi công sở. Cuộc sống hiện đại với lối sống của con người hiện đại thì việc tặng quà với nhiều cách biến tướng là điều không tránh khỏi.

Người xưa mừng tuổi (rất ít tiền) để mong con cháu, mạnh khỏe, tài lộc, may mắn trong năm mới. Phong tục ấy vẫn còn duy trì cho tới ngày nay và vẫn làm cho trẻ con háo hức. Đây là một nét văn hóa đẹp và vui trong ngày Tết.

Nhưng nhìn chung, việc tặng quà lịch sự, ý tứ, tế nhị, văn hóa, với mục đích trong sáng vẫn là phổ biến. Nhiệm vụ của truyền thông là phải tôn vinh nét đẹp văn hóa tặng quà trong đời sống xã hội với sự lành mạnh và động cơ trong sáng.

PV: Trân trọng cảm ơn bà về những chia sẻ trên!

DƯƠNG THU (thực hiện)