Truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Phóng viên (PV): Công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công với đất nước từ lâu đã trở thành truyền thống, nét văn hóa của dân tộc ta. Truyền thống, nét đẹp văn hóa ấy bắt nguồn từ đâu, thưa đồng chí?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: Tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặc biệt quan tâm, thể hiện bằng những nghĩa cử cao đẹp. Đây đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, được bắt nguồn từ lịch sử truyền thống biết ơn, "uống nước nhớ nguồn" của người Việt từ xa xưa. Đó là lòng biết ơn, tri ân của con cháu với ông bà tiên tổ trong gia đình, dòng họ, rộng hơn là ghi nhớ công lao của những người có công với làng xã, và hơn nữa, là những người có công với đất nước, dân tộc.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã đối mặt với biết bao khó khăn trong quá trình lao động sản xuất, trước thiên tai và các cuộc chiến tranh chống xâm lược. Trong quá trình đó, có biết bao người đã dũng cảm đương đầu với khó khăn, thậm chí hy sinh xương máu, tính mạng vì lợi ích của cộng đồng, dân tộc. Các thế hệ sau luôn ghi nhớ, biết ơn công lao to lớn ấy. Cùng với tín ngưỡng của cộng đồng ở các cấp độ, phạm vi khác nhau, nhiều bậc có công đã được người dân suy tôn thánh và lập đền thờ để thờ phụng, tổ chức lễ hội hằng năm nhằm tôn vinh và nhắc nhớ con cháu không quên công ơn của các vị, như: Đền thờ các vua Hùng (Phú Thọ) và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10-3 âm lịch hằng năm; Đền Gióng thờ Thánh Gióng-Phù Đổng Thiên Vương và hội Gióng ở Sóc Sơn và Đông Anh (Hà Nội); Đền Hai Bà Trưng thờ hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị ở nhiều nơi...

leftcenterrightdel
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Ở thời kỳ phong kiến, các triều đại đã có những chế độ, chính sách đãi ngộ người có công với đất nước, dân tộc. Chẳng hạn, vua Lê Thần Tông, vào năm 1655, định lệ tặng và tuất cho quan và binh chết trận rằng: Phàm các chánh đội trưởng, đội trưởng ở các dinh cơ đội thuyền có dự cai quản cùng những binh lính được cử đi đánh giặc mà hết sức cố đánh, giản hoặc có người chết trận thì cai đội cai thuyền được tặng chức tả hiệu điểm và mỗi viên được cấp 20 mẫu quan điền; chánh đội trưởng và đội trưởng được gia tặng chức hữu hiệu điểm và mỗi viên được cấp 15 mẫu quan điền; binh lính thì được cấp 5 mẫu quan điền và cho con được miễn trừ việc quan, nếu chưa có con thì anh em hay cháu gọi bằng chú, bác ruột, một người được miễn việc quan...

Trải qua thời gian, biết ơn, tri ân người có công đã trở thành đạo lý, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và ngày càng được bồi đắp, phát triển, trở thành cội nguồn của chủ nghĩa yêu nước thời đại Hồ Chí Minh, góp phần tạo nên sức mạnh cùng dân tộc vượt qua những khó khăn, thử thách để phát triển đến ngày hôm nay.

PV: Thưa đồng chí, sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến công tác chăm lo cho các thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Điều đó đã được thể hiện trong tư tưởng của Người như thế nào?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: Sinh ra trong cảnh đất nước bị xâm lăng, Bác Hồ sớm đã chứng kiến và thấu hiểu những mất mát, đau thương của người dân và sự hy sinh vì dân, vì nước của bao chiến sĩ mong giành lại cuộc sống tự do, hòa bình. Và ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với cương vị Chủ tịch nước, Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các anh hùng liệt sĩ, những người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Bác nói: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn liệt sĩ”. Bác luôn nhắc nhở người dân phải ghi nhớ đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây”...

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm sâu sắc hơn truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trở thành phương châm hành động để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục quan tâm chăm lo cho công tác thương binh, liệt sĩ. Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã được lan tỏa rộng rãi với những việc làm ý nghĩa hướng đến các chiến sĩ và thân nhân người có công với cách mạng. Bản thân Bác Hồ cũng rất thiết thực hưởng ứng các hoạt động. Người là Chủ tịch danh dự của “Hội giúp binh sĩ tử nạn”, sau đổi tên thành “Hội giúp binh sĩ bị thương”, thành lập đầu năm 1946 ở nhiều địa phương; vận động nhân dân gia nhập và giúp đỡ các binh sĩ bị thương tùy theo khả năng của mỗi người, mỗi gia đình. Trong buổi quyên góp mở đầu Cuộc vận động “Mùa đông chiến sĩ”, Bác Hồ đã cởi chiếc áo ấm đang mặc để gửi tặng các chiến sĩ ngoài mặt trận...

Sắc lệnh số 20/SL đặt ra “Hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân, tử sĩ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 16-2-1947 được coi là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.

Người cũng đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh toàn quốc và tổ chức hằng năm trên cả nước để bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn, tri ân của nhân dân với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Sau đó, ngày 27-7 đã được chọn là Ngày Thương binh toàn quốc. Nhân dịp này, Người từng viết “Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, và tỏ lòng yêu mến thương binh”. Đến năm 1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Ngày 8-7-1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị, lấy ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh-Liệt sĩ của cả nước. Sinh thời, hằng năm, vào dịp này Bác lại viết thư, gửi quà cho các thương binh và gia đình liệt sĩ. Cho đến trước lúc đi xa, Bác đã nhiều lần căn dặn, nhắc nhớ các cơ quan, đoàn thể và toàn dân việc quan tâm công tác chăm lo cho người có công và gia đình liệt sĩ.

Ngày càng tỏa sáng trong thời đại mới

PV: Thưa đồng chí, cho đến nay, truyền thống, văn hóa dân tộc cũng như tư tưởng của Bác Hồ về tri ân người có công với đất nước đã được phát huy, thực hiện ra sao?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: Có thể nói, càng ngày, công tác chăm lo cho người có công và thân nhân người có công càng được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách về công tác chính sách với người có công và thân nhân người có công với cách mạng đã được cụ thể hóa bằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ và liên tục được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thực tiễn. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công được nhân dân cả nước hưởng ứng và tham gia sôi nổi, với những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Hàng vạn ngôi nhà tình nghĩa, hàng trăm nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa đã được trao tặng tới các gia đình chính sách. Không chỉ đợi đến dịp kỷ niệm, các hoạt động phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, đỡ đầu con liệt sĩ; thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ trong học tập, tạo việc làm cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng; chỉnh trang, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ... luôn được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân quan tâm thực hiện thường xuyên.

Tri ân người có công với cách mạng đã trở thành lẽ tự nhiên, thôi thúc hành động của mỗi con người hôm nay. Những đoàn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, trong đó có nhiều cựu chiến binh dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe giảm sút, hằng năm vẫn miệt mài với các chuyến đi những mong tìm thấy các liệt sĩ để đưa trở về với quê hương. Rất nhiều người trẻ, với tấm lòng biết ơn và trách nhiệm của thế hệ được thừa hưởng thành quả từ sự hy sinh của các thế hệ cha ông, đã thể hiện sự tri ân theo cách khác nhau: lập website để chia sẻ, tra cứu thông tin về mộ liệt sĩ; thực hiện những bài viết, bộ phim tài liệu, tác phẩm văn học-nghệ thuật về sự hy sinh của các thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng...

Tôi tin những hành động, việc làm nhân văn, ý nghĩa như thế vẫn đang diễn ra trên khắp đất nước chúng ta hằng ngày, hằng giờ. Và dù bằng những cách thể hiện khác nhau nhưng tất cả đều có chung nguyện ước tri ân, bắt nguồn từ chính truyền thống, văn hóa của con người Việt Nam, đang được tỏa sáng, tô thắm trong thời đại mới. Đó cũng chính là những giá trị quan trọng góp phần hình thành, bồi đắp sức mạnh nội sinh của dân tộc ta trong lịch sử, hiện tại và tương lai.

PV: Là người từng trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, từng bị thương, đứng trước ranh giới sống-chết và cũng đã chứng kiến sự hy sinh của đồng đội; sau này, lại có thời gian làm công tác chính sách trong Quân đội, hẳn đồng chí có nhiều điều trăn trở?

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu: Những năm tháng chiến tranh ác liệt, tôi từng chứng kiến nhiều sự hy sinh, mất mát, đã từng ôm xác đồng đội vào lòng... điều đó vẫn còn ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ. Có rất nhiều điều thôi thúc tôi cầm bút ghi lại những kỷ niệm của 45 năm quân ngũ trong cuốn hồi ký “Thẳm sâu miền ký ức”, như một sự gửi gắm những nghĩa nặng ơn sâu, một sự tri ân những đồng đội của tôi. Trải qua chiến trận và may mắn trở về, tôi thấy mình còn mắc nợ với cuộc đời, với đồng đội, trong đó còn biết bao đồng đội vẫn nằm đâu đó trong rừng sâu, khe núi hoang vu mà chưa tìm thấy, khiến tôi day dứt không thôi. Nhiều năm làm ở Cục Chính sách, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình chưa tìm ra được những lời hay nhất, đẹp nhất để nói về tình nghĩa, công ơn của những người đã quên bản thân để mang lại sự sống cho biết bao người, cho độc lập dân tộc. Tôi chỉ biết dành cho họ tấm lòng tri ân thành kính nhất.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

THU HÒA (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.