Chuyện hòa nhập văn hóa ở các đội bóng nước ngoài thì cầu thủ Thái Lan nổi trội hơn cầu thủ Việt Nam. Tiền vệ nhỏ con Songkrasin đang thi đấu rất hay trong màu áo Kawasaki Frontale, trước nữa là Consadole Sapporo (đều ở giải đấu số 1 Nhật Bản J-League). Songkrasin là người truyền cảm hứng cho trào lưu xuất ngoại của bóng đá Thái Lan trong 6 năm qua. Gia nhập Consadole Sapporo từ năm 2017, tiền vệ cao 1,58m này chỉ cần nửa mùa giải để chinh phục J-League. Việc có mặt trong đội hình tiêu biểu của J-League mùa giải 2018 đã nói lên đẳng cấp của Songkrasin.

leftcenterrightdel

Huỳnh Như (thứ ba, hàng đầu, từ phải sang) tặng đồng đội ở Lank FC, Bồ Đào Nha nón lá và khăn rằn. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Ở J-League, Songkrasin nhận được sự tôn trọng của các đội bóng và cầu thủ nhờ kỹ thuật, thể lực và tư duy chơi bóng hiện đại. Chiều cao hạn chế hóa ra lại là lợi thế cho Songkrasin, anh luồn lách, thoát đi rất nhanh khi đối phương ập vào tranh chấp bóng. Ở Consadole Sapporo hay Kawasaki Frontale, Songkrasin đều sớm hòa nhập vào đội bóng bởi anh hiểu văn hóa xứ phù tang, biết cách ứng xử phù hợp, nhạy bén nhờ nghe-nói tốt tiếng Anh và có thể giao tiếp bằng tiếng Nhật. Có sang Thái Lan mới thấy, dân xứ chùa vàng rất chịu khó học ngoại ngữ. Họ không coi ngoại ngữ chỉ là phương tiện giao tiếp mà xác định dùng ngoại ngữ để kiếm tiền, kiếm việc làm. Việc Songkrasin và một số cầu thủ Thái Lan thi đấu thành công ở Nhật Bản cho thấy họ thực sự có năng lực và biết cách hòa nhập vào văn hóa của đội bóng.

Tại sao Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Hậu rồi cả Quang Hải đều rất hiếm khi kể về quãng thời gian thi đấu ở nước ngoài? Đa phần các cầu thủ Việt Nam xuất ngoại khó có cơ hội ra sân thi đấu vì chưa đủ trình độ, chưa bảo đảm được thể lực, hạn chế về ngoại ngữ... Tổng hợp các yếu tố lại đã dẫn đến việc không thể hòa nhập vào văn hóa của đội bóng.

Người Thái không chỉ hơn chúng ta ở năng suất lao động mà trong lĩnh vực bóng đá, họ đi trước khu vực một bước, đó là kỹ năng thâm nhập, phát triển ở J-League, một trong những giải đấu đỉnh cao nhất châu lục. Để tạo được tiếng vang ở J-League thì Songkrasin và một số tuyển thủ Thái Lan ngoài trình độ chơi bóng, họ cũng rất biết cách hòa nhập văn hóa ở đội bóng mới, vùng miền mới.

Văn Hậu từng được kỳ vọng sẽ thành công ở đội bóng Hà Lan SC Heerenveen bởi anh có thể lực, có thể hình đẹp, kỹ năng chơi bóng tốt nhưng hậu vệ quê lúa này không chỉ gặp khó khăn trong việc giao tiếp mà còn là việc hòa nhập vào môi trường văn hóa mới lẫn điều kiện thời tiết. Trong khi các cầu thủ nam nước nhà chưa thành công hay để lại dấu ấn khi xuất ngoại thì Huỳnh Như đang cho thấy, cô có thể là hình mẫu thành công trong việc ra nước ngoài thi đấu. Trò chuyện với tác giả, Huỳnh Như tâm sự: “Khi mới sang Lank FC, tôi đã bước vào một miền đất mới. Cầu thủ trong đội buổi đầu gặp mặt còn tưởng tôi là học sinh vì thể hình thấp bé. Khi tôi bày tỏ ước muốn ra nước ngoài thi đấu, một số thầy cô đã lo cho tôi, họ bảo khoác áo Lank FC là lựa chọn liều lĩnh và điên rồ. Nhưng chính sự lựa chọn dũng cảm đó mới thực sự làm nên một Huỳnh Như của ngày hôm nay. Trên con đường chinh phục giấc mơ sân cỏ, tôi thầm cảm ơn bản thân đã luôn nỗ lực và vững tin, để có thể làm nên những giá trị thật khác biệt như ngày hôm nay, góp sức cùng toàn đội giành vé dự World Cup và bảo vệ thành công chức vô địch ở SEA Games 32”.

Trò chuyện với thủ quân Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, tôi càng cảm thấy khâm phục Huỳnh Như bội phần. Cách chị hòa đồng nhanh chóng và nhận được sự nể phục của đồng đội ở Lank FC đáng để học hỏi. Nói không quá lời, Huỳnh Như sẽ là người khơi dậy, truyền cảm hứng cho các nữ cầu thủ và cả nam cầu thủ nước nhà trong việc xuất ngoại thi đấu. Huỳnh Như tâm sự: “Còn rất nhiều điều tôi cần phải cố gắng thêm nữa để hòa nhập ở Lank FC, như cải thiện kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ. Hy vọng là mọi người và các đồng đội sẽ luôn yêu thương, ủng hộ tôi trên chặng đường này. Tôi thấy có rất nhiều phụ nữ đã và đang sống hết mình cùng với những lựa chọn, không ngại rẽ lối khác biệt và họ đã thành công rực rỡ”.

TUẤN ĐỖ