Bộ trưởng “đè” quyết định của tòa án

Bộ trưởng Alex Hawke khẳng định vào chiều 14-1 rằng, quyết định của ông được đưa ra dựa trên cơ sở lợi ích sức khỏe cộng đồng: “Để đi đến quyết định này, tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng các thông tin do Bộ Nội vụ, Lực lượng Biên phòng Australia (ABF) và ông Djokovic cung cấp”.

Theo truyền thông Australia, Djokovic đã khai man, nói dối. Chỉ cần Djokovic tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ là mọi chuyện êm đẹp nhưng mọi việc không đơn giản như vậy. Djokovic trước đó được Hiệp hội Quần vợt Australia, đơn vị tổ chức Giải quần vợt Australia mở rộng 2022 và chính quyền bang Victoria miễn trừ quy định y tế cho người chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhưng đã nhiễm Covid-19 trong vòng 6 tháng trước (bởi tay vợt người Serbia đã bị dính Covid-19 vào tháng 12-2021). Tuy nhiên, khi đến Australia ngày 5-1, Djokovic bị ABF hủy visa vì cho rằng hồ sơ y tế của anh không hợp lệ.

Sau đúng 30 phút Djokovic điều trần trước đại diện Chính phủ Australia vào ngày 10-1, thẩm phán Anthony Kelly tuyên Djokovic được trả lại visa, Chính phủ Australia thua kiện và phải trả toàn bộ chi phí phiên tòa.

Thẩm phán Anthony Kelly nhấn mạnh quyết định hủy visa của Djokovic theo Mục 116 của Đạo luật Di trú Australia là không hợp lý, vì tay vợt số 1 thế giới đã được thông báo vào lúc 5 giờ 20 phút sáng 6-1, rằng anh có thể chờ đến 8 giờ 30 phút cùng ngày để trả lời các quan chức. Quyết định hủy visa của Djokovic xảy ra trước thời hạn đó, lúc 7 giờ 42 phút. Theo thẩm phán Anthony Kelly, điều này đã cướp đi của Djokovic thời gian có thể dùng để hỏi ý kiến người khác và đệ trình thêm về lý do visa không nên bị hủy bỏ.

Thẩm phán Anthony Kelly cũng phân tích rõ: “Ở đây, một giáo sư và một bác sĩ đã cung cấp cho người này (tức Djokovic) quyền miễn trừ y tế. Hồ sơ được phê duyệt bởi một ban hội thẩm do chính quyền Victoria thành lập. Thực tế này tương đối quan trọng, nhất là khi visa của người đàn ông này bị hủy”.

Trước đó, cũng chính thẩm phán Anthony Kelly đã bác yêu cầu lùi phiên tòa thêm hai ngày của Bộ Nội vụ Australia. Bộ này đã trình tài liệu dày 13 trang vào sáng 9-1, bác bỏ mọi luận điệu bào chữa của Djokovic cùng dàn luật sư của tay vợt người Serbia, đồng thời yêu cầu hủy phiên điều trần vì chi phí đắt đỏ.

Dẫu tòa tuyên Djokovic vô tội nhưng sự việc rắc rối đến độ Bộ trưởng Di trú Alex Hawke đã sử dụng quyền lực cá nhân để hủy visa của Djokovic một lần nữa. Trước đó, chính thẩm phán Anthony Kelly nói bản thân ông rất lo lắng về quyết định của Bộ trưởng Di trú. Thoạt tiên, Văn phòng Bộ Di trú ra thông báo sau phán quyết của thẩm phán Anthony Kelly, trong 4 tiếng đồng hồ nữa, Bộ trưởng Di trú Alex Hawke sẽ ra quyết định cuối về visa của Djokovic sau khi phiên điều trần kết thúc. Tuy nhiên đến tận chiều 14-1, ông Alex Hawke mới đưa ra quyết định của cá nhân, khiến đội ngũ luật sư của Djokovic phải vào cuộc một lần nữa.

Cơ quan quản lý nhập cư Australia khẳng định, Nole (biệt danh của Djokovic) đã khai man khi nhập cảnh, rằng anh đã không di chuyển quốc tế trong 14 ngày trước khi đến Australia. Nhưng thực tế, Djokovic được xác định là đã đi từ Belgrade (Serbia) tới Tây Ban Nha trong hai tuần trước khi nhập cảnh Australia. Tay vợt số 1 thế giới nói với các quan chức Chính phủ Australia rằng lỗi điền tờ khai nhập cảnh Australia thuộc về người đại diện, và đội ngũ luật sư của Nole đã cung cấp thêm thông tin cho Chính phủ Australia để làm rõ vấn đề này. Djokovic khẳng định: “Tờ khai này được đội ngũ hỗ trợ tôi điền vào thay cho tôi, và tôi đã trình bày với các quan chức lúc nhập cảnh. Người đại diện của tôi thành thật xin lỗi vì sai lầm khâu hành chính này, khi đã đánh dấu vào ô không đúng về một chuyến đi của tôi trước khi đến Australia. Đây là lỗi của con người và chắc chắn không phải cố ý. Chúng ta đang sống trong thời kỳ đại dịch toàn cầu nhiều thách thức, và đôi khi những sai lầm như này có thể xảy ra”.

Trước đó, trong tờ khai du lịch Australia, người đại diện của Djokovic đánh dấu vào ô “không”, với câu hỏi: “Anh có di chuyển đi đâu trong 14 ngày trước chuyến bay sang Australia không?”. Nhưng thực tế Nole đã xuất hiện ở Marbella (Tây Ban Nha) để tập luyện vào ngày 31-12-2021, một tuần trước khi anh nhập cảnh Australia.

Không chỉ là việc visa bị hủy, Djokovic có thể bị cấm nhập cảnh vào Australia 3 năm tới. Trước đó, Nole chuẩn bị tham dự Giải quần vợt Australia mở rộng 2022 với visa hợp lệ và hồ sơ miễn trừ y tế được phê duyệt bởi bang Victoria, nơi diễn ra sự kiện.

leftcenterrightdel

Hiệp hội Quần vợt chuyên nghiệp thế giới (ATP) khuyến cáo Djokovic và các tay vợt nên tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Ảnh: ATP

Tham vọng của Nole

Trước thềm Giải quần vợt Australia mở rộng 2022, nhiều chuyên gia đã khuyên Djokovic rút lui khỏi giải đấu để bảo toàn danh dự cho các bên. Cây bút Schett của Eurosport bình luận: “Chúng ta luôn biết Djokovic sẽ chiến đấu tới phút cuối, điều anh ấy vẫn thường làm trên sân. Nhưng sẽ rất khó cho Djokovic khi anh bước ra sân đấu Rod Laver Arena và chơi trận mở màn. Người dân Victoria thực sự tức giận khi tay vợt số 1 thế giới được miễn trừ y tế. Tôi không nghĩ nhiều người sẽ ủng hộ anh ấy. Đám đông có thể huýt sáo la ó khi Djokovic thi đấu. Phản ứng đó rất tiêu cực với một tay vợt vừa trải qua biến cố như Nole”.

Djokovic đã 17 năm liên tiếp dự Giải quần vợt Australia mở rộng, lập kỷ lục toàn thắng 9 trận chung kết, gồm 3 lần gần đây nhất. Nole cũng đang giữ kỷ lục vô địch 20 giải Grand Slam cùng với Roger Federer và Rafael Nadal. Thế nên, dễ hiểu khi Djokovic quyết tâm chinh phục chức vô địch Grand Slam lần thứ 21, mà cụ thể ở đây là Giải quần vợt Australia mở rộng 2022.

Đáng chú ý, trong lễ bốc thăm phân nhánh ở Giải quần vợt Australia mở rộng 2022, ban tổ chức đã cố tình lùi thời gian diễn ra sự kiện này một giờ đồng hồ, cốt để xem trong cuộc họp báo diễn ra trước đó của Thủ tướng Scott Morrison, người đứng đầu Chính phủ Australia có nhắc gì đến trường hợp của Nole hay không. Tuy nhiên, Thủ tướng Scott Morrison chỉ cho hay “visa của Djokovic vẫn đang được Bộ trưởng Di trú Alex Hawke xem xét”.

Bộ trưởng Di trú Alex Hawke cuối cùng đã chọn thời điểm cuối ngày 14-1 để tuyên bố về việc hủy visa của Djokovic, khiến Nole thêm một lần vùng vẫy, lo lắng. Đã có hai tay vợt rời Giải quần vợt Australia mở rộng 2022 vì lý do tương tự như Nole. Sự thật là không phải vận động viên nào cũng có thể chi nhiều tiền cho đội ngũ luật sư để theo kiện như Djokovic. Nhưng khi thẩm phán Anthony Kelly tuyên Djokovic được trả lại visa, Chính phủ Australia thua kiện và phải trả toàn bộ chi phí phiên tòa, thì hóa ra đây mới chỉ là phần mở đầu câu chuyện. Đa phần người dân bang Victoria và dân chúng Australia không hài lòng trước việc Djokovic được miễn trừ y tế. Hãy nhớ lại, năm 2021 người dân bang Victoria đã phải thực hiện lệnh đóng cửa cách ly của chính quyền bang tới 250 ngày.

Theo pháp luật Australia, nếu visa bị hủy vì lý do đe dọa an toàn cộng đồng, Djokovic sẽ bị cấm nhập cảnh 3 năm vào Australia. Ở chiều ngược lại, đội ngũ cố vấn, luật sư của Nole đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất xảy ra. Khi thân chủ bị hủy visa, Nole đã lập tức kháng cáo lên tòa và hy vọng vụ kiện được xử lý trước ngày khởi tranh Giải quần vợt Australia mở rộng 2022 (17-1). Tuy nhiên, truyền thông Australia phân tích quyết định của Bộ trưởng Di trú Alex Hawke khi sử dụng quyền lực cá nhân hủy visa rất khó bị đảo ngược bởi tòa án.

 

 Không ai thắng trong cuộc chiến này
Vậy là trong lần thứ hai ra tòa, Djokovic đã thua kiện và phải trả toàn bộ án phí. Trên mạng xã hội, Nole đã nói lời chia tay với Giải quần vợt Australia mở rộng 2022. Vào sáng 16-1, ba thẩm phán liên bang đã nghe luật sư của Djokovic và Bộ trưởng Di trú Alex Hawke trình bày sự việc, quan điểm. Chiều tối cùng ngày, sau khi dành ra nhiều giờ đồng hồ nghiên cứu vụ việc, Chánh án James Allsop tuyên bố giữ quyết định của Bộ trưởng Di trú Alex Hawke hủy visa đối với Djokovic. Hiện vẫn chưa rõ Djokovic có bị cấm nhập cảnh vào Australia 3 năm hay không. Luật sư Nicholas Wood thông tin: “Thân chủ của tôi cảm thấy bị tổn thương quá nhiều vì các quyết định của Bộ trưởng Di trú Alex Hawke và Chính phủ Australia”.


MINH CHIẾN