Ở châu Âu, chưa bao giờ có bất kỳ nghi ngờ nào về tài năng của Son Heung-min, kể từ lần đầu tiên anh đặt chân đến câu lạc bộ (CLB) Hamburg ở Bundesliga, khi còn là một thiếu niên. “Cậu ta là một ngôi sao” - Roger Schmidt, một trong những huấn luyện viên (HLV) của Son tại Bayer Leverkusen (đội bóng thứ hai của anh tại Bundesliga) khẳng định. Không chỉ người hâm mộ Leverkusen yêu mến anh ấy, đó còn là cổ động viên của rất nhiều CLB. HLV Pochettino lần đầu tiên cố gắng ký hợp đồng với Son khi ông còn huấn luyện Southampton. Mùa hè năm ngoái, Bayern Munich bày tỏ sự quan tâm đến việc đưa chân sút người Hàn Quốc trở lại Đức nhưng không thành, và hè này, hùm xám xứ Bavaria đang cố thử lần nữa.

Ngoại hạng Anh và châu Âu từ lâu đã dành cho Son Heung-min sự đối xử như một ngôi sao. Anh là chủ đề của vô số hồ sơ bằng cả tá ngôn ngữ, nằm trên bàn những ông chủ đội bóng.

Vào mùa hè năm 2013, Bayer Leverkusen thiếu nhà tài trợ chính. Thỏa thuận của CLB với nhà cung cấp năng lượng mặt trời Sunpower đã hết hạn và họ đang phải vật lộn để tìm nhà tài trợ thay thế. Tháng 6 năm đó, với chi phí 10 triệu euro, Bayer Leverkusen ký hợp đồng với Son Heung-min từ Hamburg, vụ chuyển nhượng đắt giá nhất trong lịch sử CLB. Tháng 8-2013, Bayer Leverkusen đồng ý ký hợp đồng 3 năm với LG, để in tên công ty điện tử Hàn Quốc lên áo đấu. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Son Heung-min sẽ trở thành đại sứ thương hiệu cho LG Electronics.

leftcenterrightdel

Nhiều đội bóng châu Âu coi việc ký hợp đồng với các cầu thủ châu Á là một giải pháp kinh doanh tốt. Ảnh: Reuters 

Bóng đá châu Âu từ lâu đã coi các cầu thủ đến từ Đông Á là một kênh kêu gọi tài trợ hoàn hảo. Về cơ bản, đó là chiến lược tiếp thị hoàn hảo, không chỉ đơn giản là giành được trái tim và khối óc của lượng khán giả rộng lớn có sẵn ở Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc, mà còn thu hút các nhà tài trợ từ những thị trường đó.

Mục tiêu khác có lẽ được minh họa rõ nhất qua trường hợp của Park Ji-sung, cựu tiền vệ của Manchester United. Lim Hyun-joo, giảng viên cao cấp về xã hội học tại Đại học Bournemouth (Anh) cho biết: “Tôi nhớ đã đi xem một trận đấu ở Seoul, khi Park còn chơi cho Manchester United. Park được coi là một cầu thủ giỏi ở Anh nhưng anh ấy gần như vô hình khi đặt chân ra ngoài thành phố Manchester. Tôi đã bị sốc khi ở Hàn Quốc, tất cả mọi người đều phát cuồng vì anh ấy. Đó là sự tương phản hoàn toàn”.

Park đã trải qua 7 năm ở Old Trafford, được người hâm mộ và HLV Alex Ferguson đánh giá cao. Tuy nhiên, những đức tính của Park không nhất thiết liên quan đến tài năng của anh. Park Ji-sung được yêu mến vì sự cần cù, nghị lực và tính kỷ luật. Son Heung-min cũng vậy. Kim Min-jae cũng thế.

Dù mới chỉ thi đấu một mùa giải tại Napoli nhưng trung vệ 26 tuổi người Hàn Quốc Kim Min-jae ngay lập tức ghi dấu ấn đậm nét, góp công lớn giúp đội nhà vô địch Serie A. Với chiều cao 1,90m, sở hữu tốc độ, khả năng phòng ngự cũng như triển khai bóng tốt, Kim Min-jae được xem là một trong những trung vệ xuất sắc nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Chính phong độ ấn tượng ở mùa bóng 2022-2023 khiến lãnh đạo Bayern Munich chi 50 triệu euro để đưa Kim Min-jae về sân Allianz Arena. Được biết mức lương của trung vệ 26 tuổi người Hàn Quốc tại đội bóng đương kim vô địch Bundesliga là 10 triệu euro/mùa, hợp đồng có thời hạn 5 năm.

Cả Park Ji-sung, Son Heung-min và Kim Min-jae đều là những trường hợp điển hình về cách người châu Âu nhìn nhận các cầu thủ châu Á nói chung, hảo thủ Hàn Quốc nói riêng. Những cầu thủ này có thể giúp CLB gia tăng lượng bán áo đấu, vé và các hợp đồng tài trợ bên ngoài sân cỏ. Nhưng trên hết, trước hết, họ là những lao động giỏi.

TRUNG GIANG