Được phát hiện năm 1936 tại trấn Lương Chử, huyện Dư, TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Lương Chử là nền văn hóa khảo cổ Hậu kỳ Đá Mới, tồn tại từ 3.300 tới 2.200 năm trước Công nguyên, do văn hóa Mã Gia Bang và văn hóa Tung Trạch phát triển lên.
|
|
Ngọn đuốc “Ngọn lửa vĩnh cửu” sẽ được sử dụng trong Lễ rước đuốc ASIAD 19. Ảnh: Getty
|
Ngoài hình dáng hùng vĩ với ý nghĩa sâu sắc, “Ngọn lửa vĩnh cửu” còn cho thấy sự sáng tạo độc đáo trong thiết kế và năng lực chế tạo của người Trung Quốc. Ngọn đuốc được tạo hình theo kiểu mọc từ dưới lên trên, với chiều cao tổng thể 0,73m và trọng lượng tịnh 1,2kg. Đế ngọn đuốc được chạm nổi 8 đường gân nước tượng trưng cho sự phát triển của nền văn minh và 8 hệ thống sông lớn ở Chiết Giang.
Đầu đuốc mang đậm ý nghĩa ngọc Lương Chử (văn hóa ngọc Lương Chử đại diện cho làn sóng thứ hai của nền văn hóa ngọc bích thời tiền sử phương Đông; làn sóng đầu tiên là văn hóa ngọc Hồng Sơn, lưu vực sông Lao Hà, vùng Nội Mông), thể hiện sự lồng ghép hình vuông-tròn hài hòa, với ngụ ý ánh sáng truyền theo chu kỳ bên trong. Đường cong của thân ngọn đuốc là sự kết hợp giữa chuyển động và tĩnh lặng, mang đến cho con người những hoài niệm vô tận về quá khứ, hiện tại và tương lai.
Chủ nhà ASIAD 19 đặt tên ngọn đuốc là “Ngọn lửa vĩnh cửu” có nghĩa nền văn minh Trung Quốc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngọn đuốc gắn liền với di sản Trung Hoa, cảnh quan thiên nhiên và phong tục địa phương (Hàng Châu). Điều này không chỉ thể hiện sự tôn vinh, sự kế thừa của văn hóa Trung Hoa mà còn cho thế giới thấy một Trung Quốc hiện đại nhưng luôn xem trọng những giá trị văn hóa truyền thống.
Ban tổ chức cũng mong muốn truyền tải thông điệp: “Ngọn lửa vĩnh cửu” nói lên sự đoàn kết của các vận động viên châu lục, cùng nhau tề tựu ở Hàng Châu để tạo nên sự kiện trọng đại Á vận hội lần thứ 19. Ban tổ chức ASIAD 19 cho biết, sau nhiều lần thử nghiệm và tối ưu hóa, ngọn đuốc đã vượt qua được những trở ngại kỹ thuật về quy trình, vật liệu, sản xuất và vận chuyển. Báng của ngọn đuốc làm bằng nguyên liệu thô tái chế thân thiện với môi trường, nhẹ và dễ cầm, nhiên liệu được làm nóng bằng công nghệ khí hóa sinh khối, an toàn, sạch sẽ. Cuối cùng, họa tiết vân tay kết thúc bằng tua thắt nút kiểu Trung Quốc trên ngọn đuốc thể hiện sự đoàn kết trong đa dạng của các vận động viên tham gia Asiad 19 mang yếu tố phương Đông, với mong muốn xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ, hướng tới tương lai tốt đẹp cho nhân loại.
Lễ rước đuốc ASIAD 19 bắt đầu từ ngày 8-9-2023 tại TP Hàng Châu và chuyển qua 10 địa điểm ở tỉnh Chiết Giang. Ngọn đuốc “Ngọn lửa vĩnh cửu” sẽ được dùng trong Lễ khai mạc và Lễ bế mạc ASIAD 19, diễn ra vào ngày 23-9 và 8-10-2023. |
NGUYỄN CÔNG